Chính sách thương mại 2010 của Mỹ sẽ tăng bảo hộ mậu dịch

Chính sách thương mại 2010 của Mỹ sẽ tăng bảo hộ mậu dịch

“Chính sách thương mại năm 2010 của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chú trọng tăng việc làm cho người dân Mỹ thông qua tiếp cận thị trường mới và thực thi quy tắc thương mại hiện hành”. Đó là khẳng định của đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk. Chính sách thương mại năm 2010 của Tổng thống Obama vừa được đệ trình lên Quốc hội Mỹ trong phiên điều trần tại Ủy ban Tài chính của Thượng viện ngày 3-3 (giờ địa phương).

Ông Kirk cho biết, Tổng thống Obama đã đặt mục tiêu “tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ trong vòng 5 năm tới để giúp 2 triệu người dân nữa có việc làm”. Ưu tiên trong chương trình nghị sự năm 2010 là tăng cường hệ thống buôn bán toàn cầu, dựa trên nguyên tắc đã và đang được áp dụng đối với các nước trong khi vẫn mở cửa thị trường và đảm bảo rằng các doanh nghiệp Mỹ, công nhân Mỹ nhận được lợi ích kinh tế từ hoạt động thương mại.

Để đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế và tạo việc làm tại Mỹ, Cơ quan Đại diện thương mại (USTR) có nhiệm vụ đẩy mạnh quan hệ với các thị trường mới nổi, đồng thời sẽ duy trì các đối tác thương mại lâu đời, chủ chốt, theo đuổi chính sách can dự tới các khu vực, nhằm tiếp cận các thị trường chủ chốt tại châu Á-Thái Bình Dương trong vài thập kỷ tới.

USTR đã ủng hộ “Sáng kiến xuất khẩu quốc gia” của Tổng thống Obama như một phần trong chiến lược củng cố hệ thống buôn bán toàn cầu, thể hiện “các giá trị Mỹ” mà nước Mỹ từng cam kết với nhiều nước trên toàn thế giới.

Phản ứng trước Chính sách thương mại 2010 của Tổng thống Obama, giới quan sát cảnh báo, để phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và người dân Mỹ…, những nhà hoạch định chính sách ở Nhà Trắng không thể tránh khỏi xu hướng tăng cường chính sách bảo hộ mậu dịch của họ vốn đang bị chỉ trích mạnh mẽ lâu nay.

Dệt may Trung Quốc chịu nhiều sức ép từ chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ.

Dệt may Trung Quốc chịu nhiều sức ép từ chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ.

Quá khứ cho thấy, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất vải và sợi trong nước, USTR đã tìm kiếm nhiều lý do để kiện lên WTO việc mà họ cho là Trung Quốc (và cả Việt Nam) trợ giá bất hợp pháp ngành công nghiệp dệt may. Trước đó là quyết định áp thuế chống bán phá giá cá ba sa, tôm của Việt Nam và một số nước khác để bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ.

USTR cũng đã gây sức ép với Trung Quốc trong việc kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ, tự do hóa dịch vụ tài chính, loại bỏ trợ cấp trong ngành sản xuất thép và giảm phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng…

Kinh tế Mỹ còn khó khăn là lý do để Chính phủ Mỹ tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cũng có nhiều tiếng nói trong Quốc hội Mỹ cho rằng, cần thận trọng trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt ngày càng khắt nghiệt với các nước bạn hàng, vì các nước này cũng sẽ không ngần ngại đưa ra những biện pháp trả đũa.

Nhiều người còn dự đoán, chính quyền Obama sẽ phải kết hợp giữa luật lệ của Mỹ và các quy định của quốc tế để “nhào nặn” ra một chính sách thương mại sao cho có thể chấp nhận được với các ngành công nghiệp Mỹ và các nước bạn hàng của Mỹ.  

X.Hạnh

Tin cùng chuyên mục