Ngày 5-10, hai ứng cử viên liên danh tranh cử Phó Tổng thống Mỹ năm 2016 là Tim Kaine của đảng Dân chủ và Mike Pence của đảng Cộng hòa đã hoàn tất cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên và cũng là duy nhất, trong đó các vấn đề nổi bật về chính sách đối nội - đối ngoại của nước Mỹ đều được hai ứng cử viên đưa ra tranh luận.
Hai ứng viên Phó Tổng thống Mỹ Tim Kaine của Đảng Dân chủ (trái) và Mike Pence của Đảng Cộng hòa. (Ảnh: New York Times)
Trong cuộc tranh luận kéo dài 90 phút, ông Tim Kaine và ông Mike Pence đã dành phần lớn thời gian để công kích ứng cử viên liên danh tranh cử chức tổng thống của đối thủ. Ứng cử viên đảng Dân chủ Kaine cáo buộc tỷ phú Donald Trump là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, coi thường phụ nữ và các cộng đồng thiểu số, đồng thời không có đóng góp đáng kể nào cho nguồn thu thuế liên bang trong nhiều năm.
Đáp lại, ông Pence cố gắng phác họa hình ảnh bà Hillary Clinton là người không đáng tin cậy để đảm đương cương vị chủ nhân Nhà Trắng và khẳng định bà đã thất bại trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama.
Ông Pence cho rằng, tỷ phú Trump chính là người có đủ khả năng thiết kế những thỏa thuận mang lại cho Mỹ hàng tỷ USD, hàng chục ngàn việc làm và đưa nước Mỹ “vĩ đại trở lại”. Trong khi đó, ông Kaine chỉ trích ông Trump luôn đặt mình lên trên hết và đang phát động một chiến dịch tranh cử tổng thống bằng những tuyên bố gây sốc và lăng mạ người khác.
Ông Kaine cũng cho rằng, chủ trương cắt giảm thuế doanh nghiệp của ứng cử viên Trump sẽ đẩy nước Mỹ trở lại vòng xoáy suy thoái. Chủ trương của tỷ phú Trump là trục xuất hàng triệu người nhập cư không giấy tờ và xây bức tường biên giới với Mexico là hành động đi ngược lại giá trị truyền thống của nước Mỹ. Ngoài ra, hai ứng cử viên cũng “đấu khẩu nảy lửa” về vấn đề kiểm soát súng đạn, quyền của người đồng giới và tình trạng phân biệt sắc tộc tại Mỹ. Kết quả thăm dò ngay sau cuộc tranh luận cho thấy ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Cộng hòa Pence được đánh giá có màn trình diễn ấn tượng hơn.
Liên quan tới bầu cử, nhà sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange, tuyên bố sẽ công bố các tài liệu mật về bầu cử Mỹ trước ngày 8-11, theo đó WikiLeaks sẽ công bố các tài liệu “mỗi tuần trong vòng 10 tuần tới”. Cũng theo tiết lộ của nhà sáng lập WikiLeaks, khối tài liệu khổng lồ “có liên quan đến cuộc bầu cử tại Mỹ” và sẽ có ảnh hưởng “nhất định” đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay.
Nhận định về diễn biến mới nhất này, Phó khoa Kinh tế thế giới và Chính trị thế giới thuộc Trường Đại học Đại học Kinh tế thuộc Đại học quốc gia Nga Andrew Suzdaltsev lại cho rằng, thông tin tố cáo của WikiLeaks “có lẽ sẽ gây ra chấn động nào đó, nhưng chỉ trong một vài ngày”. Theo ông Suzdaltsev, còn một vấn đề khác của WikiLeaks là tất cả các tài liệu mà trang web này công bố đều được trình bày dưới dạng thô, những thông tin được công bố, dù là các tài liệu buộc tội nghiêm trọng cũng không có nhiều tác dụng. Hầu hết đây là những văn bản, tài liệu tham khảo, đánh giá, thư từ quan trọng được viết bằng ngôn ngữ đặc thù, để hiểu một số điều trong đó, người ta phải nắm được vấn đề và hiểu rõ bối cảnh.
Như vậy, dù hiện nay bà Clinton đang chiếm ưu thế nhiều hơn so với ông Trump nhưng các diễn biến mới đang cho thấy cán cân có thể xoay chuyển bất kỳ lúc nào và tạo ra nhiều diễn biến khó lường.
VIỆT ANH