Cảm tử quân mang tên T165

Cảm tử quân mang tên T165

Các anh ra đi vào cõi vĩnh hằng trong lòng biển cả đại dương, cách nay đã 43 năm (1968-2011).

  • Xứng danh anh hùng

43 năm, con tàu không số mang bí danh 165 do Nguyễn Chánh Tâm, quê Long Tuyền, Ô Môn (Cần Thơ) và chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương, quê Nam Hành, Nam Đàn (Nghệ An) chỉ huy, chở gần 70 tấn vũ khí cùng với 20 thủy thủ lên đường vào bến Cà Mau.

Trong đêm Tết Mậu Thân 1968 tàu bị địch phong tỏa chặn đánh ác liệt, các anh đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, rồi cả 20 người quyết tử khi cho tàu mình lao thẳng vào tàu địch, kích kíp điện cho khối thuốc TNT nặng hàng chục tấn nổ tung giữa vòng vây tàu chiến Mỹ, ngụy. Hành động quả cảm ấy đã góp phần tô đẹp thêm trang sử vẻ vang của đoàn tàu không số.

Ấy nhưng, đã bao nhiêu năm nay có mấy ai nhắc đến con tàu 165? Mấy ai nhắc đến tên các thủy thủ? Duy nhất trong cuốn “Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân” (đoàn tàu không số) ghi được mấy dòng vắn tắt: “Ngày 29 tháng 2, khi đến tọa độ 8 độ 45 vĩ Bắc và 105,22 phút kinh độ Đông, tàu 165 gặp 8 tàu chiến địch bao vây. Chúng đánh tín hiệu hỏi tàu ta mang quốc tịch nước nào? Ở đâu đến? Ta không trả lời, chúng bèn xã đạn tới tấp đến tàu l65”.

Còn bức điện duy nhất được tàu 165 gửi về căn cứ trước phút lâm nguy, do chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương ký tên, nội dung: “Chuyển hướng vào bờ gặp máy bay và nhiều tàu chiến Mỹ đeo bám, có khả năng chiến đấu!”.

Sau bức điện ấy, tàu 165 hoàn toàn mất liên lạc với căn cứ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Lữ đoàn 125 vào một ngày đầu xuân 1969.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Lữ đoàn 125 vào một ngày đầu xuân 1969.

Đồng chí Khưu Ngọc Bảy chỉ huy bến Cà Mau (nay là đại tá về hưu, ở thành phố Cần Thơ) kể lại: “Tối hôm ấy, anh em trong bờ nhìn ra biển thấy có nhiều đường đạn lửa đan chéo nhau vạch lên trời, chẳng khác nào những tia chớp trong cơn dông cực lớn. Chừng độ nửa tiếng đồng hồ sau, xuất hiện những con sóng bạc đầu cuộn tròn như sóng thần đổ vào bờ, đè bẹp những cây đước rạp xuống mặt nước, khiến cho chim chóc đang ngủ say giật mình bay vút lên, mang theo những tiếng kêu khiếp sợ. Và, tiếp sau biến động ấy là một cột lửa hình nấm khổng lồ bốc lên cao hàng chục mét”…

Sáng hôm sau, anh em trong căn cứ đi dọc bờ biển tìm kiếm thì thấy nhiều mảnh ván của tàu 165 nham nhở lỗ đạn, trôi dạt tấp vào những cành cây, ngọn đước... Cán bộ, thủy thủ trong đoàn tàu không số thì cho rằng, vào đêm 30 Tết Mậu Thân ấy, tàu 165 đã chiến đấu quyết liệt chẳng khác gì các con tàu T235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy vào bến Vũng Rô (Phú Yên), T43 do thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng chỉ huy vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi) và T56 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba chỉ huy vào bến Lộ Diêu (Bình Định)... đều có chung cảnh ngộ “cá nằm trên thớt”. Nhưng ai nấy đều đồng lòng quyết chiến nếu tình huống xấu xảy ra, các thủy thủ trên những con tàu ấy là những cảm tử quân!

  • Nhớ thương các anh!

Còn nhớ, vào đêm 23-2-1968, lần lượt 4 con tàu nhổ neo rời Quân cảng Hậu Thủy (nằm ở phía Tây Bắc của đảo Hải Nam - Trung Quốc) đi vào chiến trường miền Nam. Khi đi ngang qua cảng Di Linh (cảng quân sự của bạn nằm ở phía Nam đảo Hải Nam), 3 tàu: T235, T43 và T56 đi vào các bến khu 5 gần hơn, nên cấp trên cho ghé vào cảng của bạn tránh gió mùa. Còn T165 đi vào Cà Mau xa hơn nên cấp trên cho tiếp tục hành trình...

Nhìn tàu đồng đội T165 đi trong điều kiện thời tiết xấu: Gió mùa đổ về dồn dập, to như bão; mây đen ùn ùn kéo đến bao trùm cả mặt biển; sóng cồn cuồn cuộn dựng cao như những hòn núi... Chúng tôi ai nấy nhìn theo mà thương bạn đến thắt lòng.

Anh Nguyễn Văn Nhược (nay là Thượng tá, Hội trưởng Hội Cựu chiến binh đoàn tàu không số khu vực Hà Nội) còn có những kỷ niệm, niềm nhớ thương vô hạn về người chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương và bạn bè.

Đêm khuya ấy, trước khi tàu 165 rời bến Hậu Thủy, anh Nhược không quên ra tiễn bạn và là người trực tiếp mở dây neo cho tàu 165, đã được chính trị viên Lương căn dặn lại với “cầu thủ chạy cánh” (hồi trẻ anh Nhược hay đá bóng) là: “Ngày mai ta có trận đấu bóng đá giao hữu với bạn (lính Hải quân Trung Quốc) nhưng mình đi khỏi, cậu nhớ phân công cầu thủ nào khỏe, nhanh nhẹn thay mình mà đeo bám, kèm cặp thật chặt cầu thủ số 10 của bạn, chạy cánh phải. Cậu ấy không những có tốc độ càn lướt mà còn có cái đầu hết sức lợi hại nữa đó, Nhược ạ”. Nhược đáp lại với anh Lương bằng một giọng điệu đầy xúc cảm: “Vâng! Em biết rồi, anh Lương cứ yên tâm đi nhé!”.

Cảm động hơn, thương xót hơn khi đồng chí Nhược nhắc lại lời nhắn gửi, lời hứa chân thật đầy cảm động của trung sĩ, thợ máy Nguyễn Văn Dựng - người con vùng quê biển Thủy Hải, Thụy Anh (Thái Bình), nhập ngũ năm 1961: “Chuyến này trở về, em sẽ mở tiệc lớn khao các bác về tin mừng em mới nhận, là vợ em đã sinh cháu trai đầu lòng được hơn 3kg, khôi ngô, tuấn tú”...

Nghe tiếng nói vui mừng của Dựng từ cửa sổ khoang máy lên, Nhược không ghìm được xúc động, anh cuộn tròn hai bàn tay đưa lên miệng làm loa, đáp lời: “Anh cảm ơn em nhiều! Hẹn gặp lại em ngày gần nhất”.

Rồi tàu của Dựng tách bến xa dần, xa dần quân cảng. Nhược và một số bạn bè đứng trên bến cứ dõi theo mãi con tàu ra đi khi gió xuân 1968 đang về...

Bẵng chừng 1 tháng sau, Nhược mới hay tin anh Lương, anh Dựng và toàn bộ 20 thủy thủ tàu 165 đã anh dũng hy sinh trên vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc, trong đêm Tết Mậu Thân năm ấy.

Bây giờ mỗi lần nhắc lại lời căn dặn của chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương: “Nhớ kèm cầu thủ số 10...” mà trận giao hữu bóng đá ấy ta đã thắng bạn 1-0. Nhưng anh Lương nào có hưởng được cái sung sướng tuyệt vời với chúng em. Còn lời hứa của Dựng: “Chuyến này em về căn cứ sẽ mở tiệc khao các anh...”. Nhưng Dựng ơi, chuyến tàu vào Nam đêm đó, em và các đồng đội đã ra đi mãi mãi... Bây giờ mỗi lần nhớ lại giờ phút ấy, Nhược không cầm nổi nước mắt…

Có lẽ bây giờ con trai của thủy thủ Dựng nay đã ngoài 40 tuổi rồi. Cháu bây giờ ở đâu, làm gì?… Nhận được những dòng thông tin này của chú, cháu hãy liên hệ với bác Nhược, Hội trưởng Hội Cựu chiến binh đoàn tàu không số khu vực Hà Nội, theo số điện thoại: 01695136852. Các bác, các chú sẽ đón tiếp cháu và gia đình với tất cả tình cảm nồng thắm và kính trọng nhất.

Sau ngày giải phóng miền Nam ta thu được một tài liệu của Hải quân Mỹ, trong đó có đoạn nói về con tàu “Bắc Việt” hoạt động ở vùng biển Cà Mau trong đêm Tết Mậu Thân 1968, đại ý: “8 tàu chiến Hải quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bao vây bắt sống tàu không số của “Bắc Việt”, nhưng chúng nó kháng cự quyết liệt, dùng đủ các loại hỏa lực bắn tới tấp các con tàu của ta, ta đành bắn tiêu diệt nó. Nhưng nó đã chủ động lao thẳng vào đội hình ta, rồi cho nổ tung tàu”...

Xin đừng bao giờ quên những thủy thủ và những con tàu không số đi vào chiến trường miền Nam trên con đường biển mang tên Bác Hồ, trong những năm chiến tranh chống Mỹ gian khổ ác liệt! 

Ghi chép của TRẦN HẬU VỆ
(Nguyên thủy thủ tàu không số 56)

Thông tin liên quan

>> Những anh hùng chưa được phong tặng

>> Mở đường, lập bến vùng đất mũi Cà Mau 

Tin cùng chuyên mục