Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Đại tướng là vị tổng tư lệnh chưa từng có trên thế giới

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người rất thân cận với Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ ông đã không ngủ được từ khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Đại tướng là vị tổng tư lệnh chưa từng có trên thế giới

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người rất thân cận với Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ ông đã không ngủ được từ khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất.

        Trân trọng từng giọt máu của nhân dân, chiến sĩ

* Phóng viên: Là người trực tiếp chiến đấu cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt 2 cuộc kháng chiến, Trung tướng có thể nói gì về tầm quan trọng của Đại tướng đối với chiến thắng cuối cùng của dân tộc ta?

* Trung tướng ĐỒNG SỸ NGUYÊN: Đại tướng là vị tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến thắng trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh chống 2 đế quốc lớn bậc nhất thế giới. Cuộc kháng chiến chống Pháp theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị là một cuộc trường kỳ kháng chiến. Người tiếp thu quan điểm chỉ đạo về cuộc chiến một cách sâu sắc, nhạy bén nhất và cũng đầy sáng tạo nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh quân đội ta. Chính nhờ sáng tạo trong tiếp thu tư tưởng ấy, Đại tướng đã đưa cuộc kháng chiến của chúng ta đến chiến thắng, đó là nhờ quan điểm trường kỳ kháng chiến, lấy dài thắng ngắn. Đế quốc Pháp thì muốn đánh nhanh thắng nhanh, ta thì kéo lại. Chính việc đó đã khiến họ thua.

Vì vậy Đại tướng chính là người tiên phong để thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy nên mới có chuyện rút quân từ thủ đô ra bên ngoài, quá trình chỉ đạo thực hiện cuộc chiến đấu, giữa nhân dân, tổ chức lực lượng 3 thứ quân: chủ lực - địa phương - dân quân tự vệ – một hình thức tổ chức vũ trang theo quan điểm của tôi là cao nhất, tuyệt vời nhất trong nghệ thuật quân sự. Những nước đánh ta không nước nào làm được việc đó. Về tương quan lực lượng, bản thân điều đó đã khiến mình ở thế mạnh. Đương nhiên, vũ khí, trang bị kỹ thuật cũng quan trọng nhưng mình lấy dài đối ngắn; lấy đông, lấy toàn dân làm căn cứ, đâu cũng là trận địa; mỗi làng bản, mỗi thôn xóm đều là chiến trường nên giặc đi đến đâu cũng bị đánh, 1 người phụ nữ, 1 bà nội trợ cũng đánh giặc được. Đấy phải nói là sự sáng tạo ở cuộc kháng chiến ở Việt Nam mà trên thế giới không có. Trong đó vai trò của Đại tướng là cực kỳ hệ trọng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tác chiến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tác chiến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

* Đại tướng được coi là danh tướng thế giới. Điều đó thể hiện cụ thể như thế nào trong cái nhìn của ông?

* Ví dụ, quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa các trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực phân về từng tỉnh từng huyện, không phải để đánh mà là tổ chức dân quân tự vệ, thêm lực lượng vũ trang mà địch có mơ cũng không có. Đó là một vấn đề gọi là nghệ thuật quân sự.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tổng tư lệnh cũng chưa từng có trên thế giới, có nhiều sáng tạo, tổ chức từng chiến dịch. Thông qua những chiến dịch đó, mỗi lúc một lớn hơn, sau đó sẽ phát triển được thêm lực lượng cả thế và lực. Có như vậy mới đủ sức đối phó lâu dài với địch. Thông qua nhiều chiến dịch như thế, mỗi chiến dịch đều có một bước phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Sau đó tổ chức chiến dịch quyết định là Điện Biên Phủ - quyết định kết quả cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp. Mới đầu chúng ta định tổ chức đánh nhanh thắng nhanh, nhưng sau khi vào cuộc thì Đại tướng - Tổng Tư lệnh đã suy nghĩ một cách cặn kẽ, lấy chắc thắng làm yếu tố quyết định vì đây là chiến dịch quyết định, phải chắc thắng. Muốn chắc thắng thì phải chuẩn bị một cách chu đáo. Nên khi mọi việc đã chuẩn bị vào cuộc cả rồi, kéo pháo vào trận địa rồi, các sư đoàn đã hành quân vào cứ điểm cả rồi mà Đại tướng vẫn đề nghị cho lùi lại, chuyển sang đánh chắc, thắng chắc. Cái đó không chỉ về nghệ thuật quân sự mà còn thể hiện lý luận đánh chắc, thắng chắc thì thiệt hại ít hơn (sự hy sinh tính mạng con người ít hơn).

Đại tướng của ta khác biệt chính là vì thế, dù là một trí thức nhưng cũng xuất thân từ nhân dân mà ra cho nên trân trọng từng giọt máu của nhân dân, chiến sĩ. Vậy nên mới có chuyện chuyển chiến lược đánh để tiết kiệm xương máu anh em và đã thắng lợi lẫy lừng. Thắng lợi đó kết thúc luôn cuộc chiến tranh giữa ta và Pháp. Đó là một nghệ thuật mà trên thế giới cũng hiếm có.

* Chiến lược ở tầm tư duy của nhà lãnh đạo thiên tài đó của Đại tướng đã thể hiện, tác động như thế nào trong việc sau này Bộ đội Trường Sơn của ta mở con đường 559?

* Cuộc kháng chiến ở miền Nam có lợi thế là vì có cả miền Bắc đã được giải phóng, sẽ tăng cường cho miền Nam để giải quyết cuộc chiến nhanh hơn. Vậy nên Bộ Chính trị đã chỉ đạo Đại tướng tổ chức việc chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Con đường Hồ Chí Minh hình thành cho mục đích đó. Thời kỳ đầu, việc này gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không đi được, thậm chí bộ đội đói không có gạo. Có cuộc họp của Bộ Tổng Tư lệnh bàn việc vận chuyển cơ giới không được thì có nên chuyển sang gùi thồ như ngày xưa không. Có nhiều ý kiến nói Mỹ đánh thế, phải gùi thồ nhưng cũng có ý kiến khác vẫn kiên quyết lấy vận tải cơ giới là chính, kết hợp gùi thồ. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã kết luận theo ý kiến ấy và đó là kết luận sáng suốt. Sau kết luận ấy, tôi đang chỉ huy ở mặt trận Trung - Hạ Lào, bị thương về điều trị xong thì được Đại tướng phái vào khu vực này để thực hiện ý đồ ấy. Sau này, khi thực hiện thành công, Đại tướng đã điện biểu dương tôi và yêu cầu tổng kết. Gặp tôi, Đại tướng ôm, vỗ vai nói: “Không ngờ một việc làm đưa đến thắng lợi này. Tôi thì tôi tin là chú làm được nên đã giao đi”.

        Chưa bao giờ to tiếng với một ai

* Ngoài tài thao lược quân sự, những phẩm chất nào trong cuộc sống hàng ngày của Đại tướng làm ông nhớ nhất?

* Đời thường, Đại tướng cũng ở một căn nhà đơn giản. Ông sinh hoạt cũng hết sức đơn giản. Tôi ấn tượng nhất một điều, Đại tướng từ khi làm Tổng Tư lệnh quân đội đến nay chưa bao giờ to tiếng với một ai cả, kể cả khi cấp dưới làm sai. Có sai thì ông cũng mời vào ngồi nói chuyện, mà thông thường thì bao giờ cũng khêu gợi lại những mặt tốt, ưu điểm của người đó trước nay, sau đó mới nhắc chuyện cần chú ý thêm phần này phần kia chứ không phải gọi vào để quở mắng, để mổ xẻ. Tôi thấy đây là một điểm hiếm có. Tôi đã từng chứng kiến những cuộc “phê bình” như thế.

* Với những phẩm chất đó, Đại tướng đúng là người học trò ưu tú nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

* Đúng! Đại tướng là người thân cận nhất, tin cậy nhất của Bác Hồ, người số 1 rất tin cẩn của Bác. Những lời căn dặn của Bác, Đại tướng đều thực hiện rất đầy đủ, phù hợp. Là một nhà trí thức nhưng lúc vào quân đội, chưa học quân sự gì, đánh trận đầu tiên đã thắng. Sau đó ông được phong Đại tướng khi chỉ mới 37 tuổi. Tôi cho rằng đó là phẩm chất của một thiên tài. Giờ ông đã là một danh tướng của thế giới chứ không chỉ của Việt Nam nữa.

* Như những điều ông vừa trao đổi, rõ ràng hình ảnh hiện lên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải thu phục mọi người bằng sự oai nghiêm như của một vị tướng “thét ra lửa” mà ông thuyết phục tất cả bằng một tư chất rất riêng?

* Với tướng lĩnh quân đội, Đại tướng thu phục bằng tình cảm, hòa đồng, nhưng không phải là nói với ông những chuyện sai mà được đâu, phải đúng thì ông tán thành, chấp nhận ngay. Tướng cấp dưới nói sai, ông chỉnh lại ngay nhưng không phải bằng cách nói đao to búa lớn mà theo một kiểu rất văn hóa mà vẫn thuyết phục lắm. Quân tướng cấp dưới bất cứ người nào cũng đều rất phục vì ông không chỉ có tài thao lược mà có cả tài ngoại giao nữa. Ông có cách ứng xử của một nhà văn hóa, ăn nói, ứng xử gì cũng rất từ tốn, nhẹ nhàng. Tôi nhớ câu chuyện có một tướng cấp dưới phải thi hành kỷ luật, lên báo cáo, Đại tướng nói: kỷ luật phải thi hành nhưng cũng phải làm rõ vấn đề cho rõ đầu đuôi. Và Đại tướng nói: “Việc kỷ luật cũng chỉ là nhắc nhở, còn chính người phạm luật mà sửa được thì sau này là người giỏi nhất”.

PHAN THẢO thực hiện

Thông tin liên quan

>> Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp  

>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi

Tin cùng chuyên mục