Giải quyết căn cơ kỷ luật ngân sách

Khó khăn vẫn mua hàng ngàn xe công
Giải quyết căn cơ kỷ luật ngân sách

Chiều 29-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012. Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng bản quyết toán đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua, nhưng cũng bày tỏ băn khoăn về những tồn tại lâu nay trong thu chi ngân sách như: thu NSNN chưa bền vững; chi NSNN vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán...

Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: LÃ ANH

Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: LÃ ANH

Khó khăn vẫn mua hàng ngàn xe công

Xem xét báo cáo quyết toán NSNN năm 2012, nhiều ĐBQH cho rằng những khuyết điểm, tồn tại lâu nay trong thu - chi ngân sách vẫn chưa được khắc phục. ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) thẳng thắn nhìn nhận: “Kỳ họp nào khi quyết toán ngân sách cũng thấy những khiếm khuyết tồn tại cũ, chẳng hạn như chi ngân sách không nghiêm, nợ đọng nhiều, vi phạm tương đối phổ biến. Tôi đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành thực hiện nghiêm các quy định đã có, đồng thời cần sớm trình Quốc hội sửa Luật NSNN”.

Một dẫn chứng khá sinh động về một nghịch lý lâu nay là dù giáo dục đào tạo và khoa học - công nghệ được xem là quốc sách hàng đầu nhưng hầu như chưa năm nào chi ngân sách hết dự toán.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đưa ra số liệu: năm 2009, chi giáo dục đào tạo, dạy nghề chỉ đạt 73% dự toán; năm 2010 chỉ đạt 92,3% dự toán; năm 2011 chỉ đạt 90,2% dự toán; năm 2012 chỉ đạt 93,5%... Như vậy, trong 4 năm chi cho giáo dục đạt thấp, giảm tới 26.000 tỷ đồng so với dự toán. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng nghịch lý ở chỗ năm nào chi thường xuyên cũng vượt dự toán, trong khi một số mục chi cho giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ lại không đạt dự toán…

Trong khi đó, ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) đề nghị cần siết chặt kỷ luật chi NSNN. ĐB dẫn chứng: “Mua sắm xe công nói là phải hạn chế, nhưng năm 2012 là năm khó khăn mà ngân sách phải bỏ tiền mua trên 1.700 chiếc ô tô, trị giá mỗi xe cả tỷ đồng. Mua như thế có vi phạm kỷ luật chi không, ai chịu trách nhiệm?”. Từng tham gia đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc giám sát việc di dời dân ra khỏi vùng thiên tai, ĐB Dung cho biết ngân sách phải chi tới 1 - 2 tỷ đồng cho mỗi hộ dân di dời, như vậy là không hợp lý trong bối cảnh ngân sách khó khăn. ĐB đề nghị cần xem xét lại các chính sách hiện nay bởi tổ chức thực hiện không hiệu quả. “Quốc hội cần xem xét chế tài cụ thể nếu vi phạm thu chi ngân sách, xử lý nghiêm minh mạnh mẽ hơn nữa. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, tình hình phức tạp trên biển Đông khiến chúng ta phải thắt lưng buộc bụng. Vì thế, năm 2014 cần tập trung ngân sách hỗ trợ ngư dân, chiến lược biển, tăng thêm nguồn lực phát triển đất nước” - ĐB Dung đề nghị.

Để quyết toán ngân sách không còn là hình thức

Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối NSNN năm 2012 tăng 1,9% so với dự toán được Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, qua quyết toán cho thấy nhiều khoản thu đạt tỷ lệ thấp so với dự toán như: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 84,4%, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 82,8%, thu lệ phí trước bạ đạt 74%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 82,6%. ĐB Danh Út (Kiên Giang) nhận định việc nhiều khoản thu đạt rất thấp so với dự toán là do công tác kiểm tra, thanh tra còn ít, xử lý răn đe chưa đủ mạnh nên tình trạng trốn thuế, gian lận thuế, chuyển giá còn nhiều. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Cho rằng quyết toán NSNN “nói một hơi rồi cũng phải thông qua”, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đặt vấn đề: vậy Quốc hội nên thảo luận cái gì? Theo ĐB, điều quan trọng là phải giải quyết căn cơ những vấn đề còn tồn tại trong thu chi ngân sách. Làm sao để Quốc hội quyết toán ngân sách không còn là hình thức, là “hợp thức hóa cái đã rồi”.

Phân tích cụ thể, ĐB Trần Du Lịch cho rằng hiện nay ở Việt Nam áp dụng cơ chế NSNN lồng ghép giữa trung ương và địa phương. Cơ chế này không làm rõ thế nào là ngân sách quốc gia, thế nào là ngân sách địa phương. Và không minh bạch được điều này thì không minh bạch được trách nhiệm. Thứ hai là vấn đề kỷ cương ngân sách.

Theo ĐB Trần Du Lịch, lâu nay chúng ta “thực hiện một cơ chế ngân sách mềm, tạm gọi là ngân sách tùy tiện, có nghĩa là cứ vượt thu thì vượt chi”. Điều này dẫn tới khi quyết toán ngân sách, giữa dự toán chi ngân sách và thực chi chênh lệch tới 30% - 40%, khiến kỷ cương của năm tài khóa không còn ý nghĩa. Bên cạnh đó là cơ chế ghi thu, ghi chi. “Về bản chất, ngân sách là thực hiện đúng cái gì cơ quan phân quyền quyết. Ở nước ngoài, mời bữa cơm cũng không được nếu Quốc hội chưa thông qua tài khóa. Đó chính là kỷ cương mà chúng ta không có” - ĐB Trần Du Lịch bức xúc. Thứ ba là quy trình lập ngân sách. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, không thể để chi rồi mới tính. Làm sao quy trình từ khi lập dự toán tới khi chuẩn chi phải thống nhất, cái gì nằm trong chuẩn chi mới được chi. Thứ tư là cơ chế giám sát, làm rõ trách nhiệm. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phải giám sát từ quy trình lập ngân sách cho tới chi, phân bổ dòng tiền chứ không phải cứ phân bổ xong là hết trách nhiệm. “Tôi hy vọng rằng, sắp tới khi sửa Luật NSNN và các luật khác có liên quan, những vấn đề trên cần được giải quyết một cách căn cơ để Quốc hội thực sự là cơ quan quyết định việc kiếm tiền và tiêu tiền” - ĐB Trần Du Lịch kiến nghị.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục