Những hiến kế tâm huyết

Nhất trí với nội dung văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, các đại biểu tham dự đại hội cũng đề xuất nhiều biện pháp để hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ, chỉ tiêu, chương trình đột phá đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020, đưa thành phố phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng.
Những hiến kế tâm huyết

Nhất trí với nội dung văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, các đại biểu tham dự đại hội cũng đề xuất nhiều biện pháp để hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ, chỉ tiêu, chương trình đột phá đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020, đưa thành phố phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng.

Những ý kiến tâm huyết đã được các đại biểu trình bày qua các tham luận tại hội trường trong ngày làm việc thứ ba, 15-10.

 Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiều ý kiến góp ý xây dựng TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Cao Thăng

Những hiến kế tâm huyết ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thành ủy viên khóa IX, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM:

Phát huy vai trò giai cấp công nhân xây dựng, phát triển thành phố

Để phát huy vai trò giai cấp công nhân, lao động xây dựng, bảo vệ và phát triển TP gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng giai cấp công nhân thành phố đến năm 2020 đã được xác định trong Chương trình 38-CTr/TU ngày 8-7-2008 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Tổ chức Công đoàn Thành phố kiến nghị Đảng bộ Thành phố một số nhiệm vụ và giải pháp trong 5 năm tới. Đầu tiên là nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo của công nhân, lao động thành phố, thu hút thật đông đảo công nhân tham gia cải tiến kỹ thuật, tìm cách giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của từng sản phẩm sản xuất tại TPHCM trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Thứ hai, nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, từng bước trí thức hóa công nhân để giai cấp công nhân thành phố có trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, có khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ mới, hiện đại; nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng. Trong đó, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện vật chất, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ, công nhân xuất thân từ lao động nông nghiệp, công nhân nữ tự học nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ; chính sách đãi ngộ đặc biệt, tôn vinh các danh hiệu đối với những công nhân có sáng kiến, tài năng, kinh nghiệm nghề nghiệp nhằm động viên, thu hút đông đảo thanh niên vào học nghề và khích lệ đội ngũ công nhân tích cực làm việc, rèn luyện đạo đức, lối sống, phát huy tài năng, trí tuệ của mình trong sản xuất kinh doanh.

Các nhiệm vụ, giải pháp khác là bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho đội ngũ công nhân; chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng giai cấp công nhân và phát huy vai trò của tổ chức công đoàn tham gia xây dựng Đảng.

Những hiến kế tâm huyết ảnh 3

Đại biểu TRẦN TRỌNG TUẤN Thành ủy viên khóa IX, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM:

Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị”

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, bổ sung thêm Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp thực tiễn của thành phố hiện nay. Nội dung Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” TPHCM giai đoạn 2015-2020 gồm có: Di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp; chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Để thực hiện được chương trình đột phá này, thành phố cần thực hiện một số giải pháp. Cụ thể: Nghiên cứu phương thức xã hội hóa đầu tư dự án chỉnh trang phát triển đô thị nhằm huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia, chủ đầu tư được thành phố hoán đổi quỹ đất công dôi dư, mặt bằng kho bãi trên địa bàn thành phố; rà soát những quỹ đất hiện có, nguồn nhà, đất dôi dư từ chương trình di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, xử lý tài sản nhà đất sử dụng không hiệu quả, những khu đất bị xử lý, thu hồi do vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất... để bán đấu giá đất, tạo nguồn vốn thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng; kịp thời phát hiện và phải xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành các quy định và nâng cao ý thức bảo vệ hành lang trên bờ sông, kênh, rạch, đầm, hồ công cộng; đồng thuận và cùng với chính quyền quyết tâm thực hiện di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.

Những hiến kế tâm huyết ảnh 4

Đại biểu PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ Thành ủy viên khóa IX, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM:

Phát triển văn hóa, xây dựng con người mang đặc trưng TPHCM

Muốn phát triển văn hóa và xây dựng con người TPHCM mang nét đặc trưng riêng, chúng ta cần tập trung vào 3 mục tiêu trọng tâm. Thứ nhất là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thứ hai, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp với 7 đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Thứ ba, xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú ý đến yếu tố văn hóa và con người thành phố trong phát triển kinh tế.

Để thực hiện được 3 mục tiêu trọng tâm vừa nêu về chương trình phát triển văn hóa, xây dựng con người mang nét đặc trưng của TPHCM, cần thực hiện bằng 8 nhóm giải pháp: Xây dựng gia đình văn hóa gắn liền với xây dựng con người văn hóa; xây dựng công dân TPHCM văn minh - lịch sự - nhân ái - nghĩa tình; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị; xây dựng văn hóa kinh tế - doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Có thể nói, con người TPHCM là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy, quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa thành phố cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thành phố. Ngành văn hóa - thể thao sẽ hướng các hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam nói chung và con người mang nét đặc trưng của TPHCM nói riêng, phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, là cơ sở để đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của con người thành phố trong thời kỳ mới.

Đại biểu NGÔ THÀNH TUẤN Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM:

Những hiến kế tâm huyết ảnh 5

Gắn xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh với làm theo gương Bác

Từ năm 2012, qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đánh giá thực chất tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Qua đó, công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên đã có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả đánh giá phản ánh thực chất với tình hình cơ sở.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ngày càng đi vào thực chất, đề xuất các cấp ủy quan tâm chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc cần tiếp tục quán triệt sâu sắc ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 25-9-2014 của Ban Tổ chức Trung ương, Kế hoạch số 121-KH/TU ngày 20-10-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hàng năm; chú trọng các giải pháp xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bên cạnh đó, các cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các đảng bộ, chi bộ trực thuộc có kế hoạch cụ thể để khắc phục những mặt còn hạn chế của tổ chức đảng; xác định việc đánh giá đúng thực trạng chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên là cơ sở quan trọng để cấp ủy đề ra giải pháp sát đúng để thực hiện có hiệu quả yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.


ÁI CHÂN - HỒNG HIỆP - HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục