HĐND TPHCM khóa VIII: Nhiều cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả

Chưa quyết liệt với yếu kém
HĐND TPHCM khóa VIII: Nhiều cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả

Ngày 21-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, HĐND TPHCM khóa VIII tiến hành kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ 2011 - 2016. Tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của TPHCM.

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu tại kỳ họp HĐND TPHCM Ảnh: VIỆT DŨNG

Chưa quyết liệt với yếu kém

Tổng kết hoạt động trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá, trong điều kiện TP thí điểm không tổ chức HĐND quận - huyện - phường, HĐND TP đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng đại biểu và hoạt động HĐND TP khóa VIII cơ bản đạt được những kết quả đáng trân trọng.

Mặc dù vậy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhìn nhận trách nhiệm của HĐND TP trước những tồn tại, yếu kém của TP như: Tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu, chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của TP; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập chưa đạt yêu cầu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường chuyển biến chậm; tình trạng ngập nước tại một số khu vực gay gắt hơn; vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng tội phạm hình sự, trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp. Cùng với đó, công tác cải cách hành chính nhiều lĩnh vực chưa chuyển biến; tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu vẫn còn gây bức xúc cho nhân dân…

Nhìn nhận thực tế này, theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, có nguyên nhân do HĐND TP chưa quyết liệt đưa ra một số vấn đề yếu kém để thảo luận thấu đáo, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp. Trong hoạt động của HĐND TP, công tác giám sát chưa đạt yêu cầu, còn một số cuộc giám sát chưa sâu; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị giám sát chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao, hiệu lực chưa nghiêm. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân có mặt đổi mới nhưng chưa hiệu quả, HĐND chưa có biện pháp mạnh trong giám sát.

Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận trong giải quyết công việc, tuy đã giao thẩm quyền nhưng còn biểu hiện đùn đẩy, nể nang, né tránh, chưa làm hết trách nhiệm. Năng lực một số cán bộ cấp dưới chưa đạt yêu cầu, việc xử lý công việc còn kéo dài làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, gây ách tắc công việc, lãng phí thời gian. Ngoài ra, một số cuộc họp nội dung chưa đảm bảo, dài dòng, chất lượng chưa cao.

“Một số lãnh đạo sở ngành, UBND quận - huyện trong các cuộc họp quan trọng vẫn còn tình trạng vắng không có lý do, không có ủy quyền hoặc cử người không đúng thẩm quyền”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nêu thực tế. Trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu nghị quyết, chưa tạo được đột phá trong chất lượng tăng trưởng, một số vấn đề bức xúc chậm khắc phục, tội phạm và tệ nạn còn diễn biến phức tạp…

Để khắc phục những hạn chế đó, người đứng đầu chính quyền TP cho biết, UBND TP sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm và đưa ra nhiều giải pháp để phát triển. Trong đó, nhấn mạnh đến tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị, nhất là người đứng đầu.

Tránh lặp lại khuyết điểm

Phát biểu chỉ đạo tại phiên bế mạc, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đánh giá qua 5 năm hoạt động, HĐND TP khóa VIII đã đảm nhận và hoàn thành các nhiệm vụ, có nhiều cách làm mới, năng động, sáng tạo và hiệu quả, qua đó gắn kết chặt chẽ với cử tri, bám sát thực tiễn để tập trung xem xét, quyết định nhiều chủ trương và vấn đề quan trọng của TP, giải quyết nhiều sự việc bức xúc về dân sinh, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân. Cụ thể như, giám sát các dự án quy hoạch kéo dài, thực hiện chỉ tiêu 100% hộ dân TP được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh…

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, chưa hài lòng với những gì HĐND và chính quyền TP đã làm được. Còn không ít vấn đề, nhất là những bức xúc của nhân dân trong quy hoạch, quản lý tài nguyên - môi trường, cùng một số vấn đề đang đặt ra trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, trật tự an toàn xã hội, môi trường, ùn tắc giao thông, ngập nước, an toàn vệ sinh thực phẩm, cải cách hành chính… chưa đáp ứng kịp thời và đúng với đòi hỏi của yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đây là thách thức rất lớn! Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng nêu ra thực tế khi chỉ số đo lường hiệu quả hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 của TPHCM xếp thứ 47/63 tỉnh thành.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, chỉ số này phản ánh sự đánh giá của người dân về hiệu quả khi tương tác với chính quyền. Đây còn là công cụ để theo dõi năng lực điều hành quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương, giúp chính quyền địa phương có căn cứ để điều chỉnh công tác. Tuy nhiên trong 5 năm qua, dù Thành ủy và các cấp chính quyền hết sức quan tâm nhưng nếu năm 2011 xếp 18/63 tỉnh thành thì năm 2015 xếp thứ 47/63, tụt 29 bậc.

Tiếp tục phân tích về “thực tại” của vị trí 47/63 trên, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết, trong sáu nội dung của chỉ số PAPI, thì chỉ có hai dung TPHCM đạt được điểm khá là: Cung ứng dịch vụ công và Thủ tục hành chính công. Hai nội dung dưới trung bình: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và Trách nhiệm giải trình với người dân. Hai nội dung đạt điểm trung bình: Công khai minh bạch và kiểm soát tham nhũng trong dịch vụ công.

Theo Bí thư Thành ủy, điều đó cho thấy chất lượng hoạt động, chất lượng phục vụ người dân của các cấp chính quyền TPHCM còn hạn chế rất lớn. “Chúng ta phải thấy rằng, đây là vấn đề bức xúc rất lớn đối với mục tiêu xây dựng một đô thị trở thành nơi đáng sống, thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại nghĩa tình. Và càng khát vọng hơn, càng thách thức hơn khi chúng ta đang mong muốn trở thành một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính thương mại, khoa học và công nghệ hàng đầu khu vực”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Một sự kiện chính trị đang diễn ra sôi động trên cả nước và tại TPHCM là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị các ngành, các cấp của TP chuẩn bị thật chu đáo vận động nhân dân đi bầu cử. Theo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, phải xem cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TP là công việc cầu hiền tài quan trọng của TP.

“Chúng ta nhất định phải bầu chọn được những người tiêu biểu, đủ đức, đủ tài vào Quốc hội và HĐND TP; xứng đáng đại diện cho ý chí nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Đây là điều kiện quan trọng để chúng ta đẩy mạnh quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân một cách thực chất, đảm bảo lời nói đi đôi với hành động, làm sao để mọi hoạt động của các cấp chính quyền đều chỉ hướng tới mục tiêu duy nhất vì hạnh phúc của người dân, mọi quyền lợi đều thuộc về nhân dân”, đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, HĐND TP khóa IX cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng phù hợp với quy mô và đặc điểm của một đô thị loại đặc biệt; nâng cao chất lượng hoạt động; bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện chính sách trong phạm vi được phân cấp. “Những gì là kinh nghiệm quý báu của khóa trước, cần được nghiên cứu, đánh giá làm cho sâu sắc và có sức lan tỏa mạnh mẽ vào công việc sắp tới; ngược lại phải tránh lặp lại những khuyết điểm, yếu kém còn tồn đọng”, đồng chí Đinh La Thăng nhắc nhở.

Đánh giá lại hiệu quả đầu tư công

Trong buổi sáng, các đại biểu HĐND TPHCM đã góp nhiều ý kiến đối với lĩnh vực đầu tư công sử dụng vốn ngân sách TP.

Theo tờ trình của UBND TP giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM sẽ triển khai 1.277 dự án đầu tư công với số vốn ngân sách cần chi gần 137.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn dành cho giảm ùn tắc, tai nạn giao thông chiếm đến 36,7%, kế đến vốn dành cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chiếm 18,5%, chương trình giảm ngập nước chiếm 14,5% và còn lại cho các dự án khác…

Góp ý về các dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách TP, ĐB Thái Tuấn Chí cho biết, quận 12 đang nổi lên các vấn đề: hệ thống giao thông vùng ven chưa kết nối liên thông giữa TPHCM qua các tỉnh bạn, đặc biệt là giữa quận 12 với tỉnh Bình Dương; tình trạng thiếu trường lớp cho các em đến trường vẫn xảy ra; hệ thống kênh rạch bồi lắng làm thu hẹp dòng chảy và cản trở thoát nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Do vậy, ông Thái Tuấn Chí thống nhất cao về các dự án đầu tư công của UBND TP trình HĐND TP, đặc biệt là 25 dự án giảm ngập nước (nạo vét rạch Cầu Sa, rạch Cầu Suối,...), các dự án xây dựng trường học như: Trường THPT Đông Hưng Thuận, Trường THCS trong khu tái định cư phường Tân Thới Nhất, Trường THCS Thuận Kiều, Trường Tiểu học Thới An 2, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Thệ, Trường Tiểu học Tân Chánh Hiệp 2, Trường Mầm non Thạnh Xuân… Về hạ tầng giao thông có các dự án nâng cấp, mở rộng đường Đình Giao Khấu, đường Tân Thới Hiệp 21, đường vào khu tái định cư Tân Thới Nhất 17…

Lo lắng về nguồn vốn đầu tư, ĐB Lâm Thiếu Quân cho rằng, TP cần triển khai các dự án công theo hình thức PPP nhiều hơn nếu không nguồn ngân sách khó kham nổi. Quan trọng hơn, TP nên đánh giá hiệu quả đầu tư công thời gian qua, phân tích tính cấp bách từng dự án để có thứ tự đầu tư ưu tiên. Theo ĐB Lâm Thiếu Quân thì thời gian qua thấy tiền đầu tư “ra đi” nhưng không thấy phần đánh giá hiệu quả đầu tư “trở lại” đối với các dự án đầu tư công.

Thông tin về vấn đề này, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh cho rằng, con số thực về nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư công trên địa bàn TP khoảng 310.000 tỷ đồng. Trước mắt TP sẽ dồn vốn cho công trình trọng điểm trong 5 năm tới ở mức 215.000 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất dành 75.000 tỷ đồng cho các dự án chống ùn tắc giao thông, kế đến là vốn cho đào tạo nguồn nhân lực, giảm ngập nước… Cũng theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2016 đến nay, TP đã huy động được 30.000 tỷ đồng cho 18 dự án đầu tư công theo hình thức PPP và thời gian tới TPHCM cần tiếp tục thực hiện cơ chế huy động vốn đầu tư công bằng hình thức này.

Sau khi góp ý kiến, các đại biểu HĐND TP đã biểu quyết thông qua tờ trình của UBND TP về chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công sử dụng ngân sách TP. Ngoài ra, kỳ họp cũng thông qua một số tờ trình khác như việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và chế độ chính sách cho lực lượng dân phòng trên địa bàn; việc đặt tên cho cầu bắc qua rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông; thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn TP.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục