“Cả cuộc đời không chồng không con, tất cả tình thương cô dành hết cho trường cho lớp, cho những đứa học trò. Cho con xin gọi cô là mẹ, thân thương trìu mến như mẹ ruột của mình”, đó là những dòng chữ đầy xúc động của em Hải Đường, lớp 12A8 Trường THPT Phan Văn Trị (xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) về cô giáo Bùi Thị Ngọ của mình.
30 năm nặng tình
Trong chiếc áo dài trắng ngả màu, mái tóc đã hai phần bạc, trông cô già hơn nhiều so với cái tuổi 58. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Thanh (Giồng Trôm), tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ và đi dạy từ năm 1980, đến nay cô đã có thâm niên 30 năm trong nghề, trong đó 7 năm tại Trường THPT Tân Hiệp (Tiền Giang), 23 năm tại Trường THPT Phan Văn Trị (Bến Tre). Dù ở đâu, cô cũng để lại dấu ấn rất sâu sắc với học trò. Cô tâm sự: “Nghề giáo đối với tôi còn hơn một nghề, đó là tình yêu với trường lớp, học trò. Cuộc đời đi dạy, hạnh phúc nhất là cảm hóa được những học sinh cá biệt hay giúp đỡ những em học sinh nghèo vượt khó”.
Ngô Quang Thể là một học sinh cá biệt, tính khí ương bướng và nghịch ngợm, có lần trong giờ học còn dùng hột xoài ném vào người giáo viên chủ nhiệm. Nhiều người ngán Thể, nhưng cô Ngọ lại đề nghị chuyển em về lớp cô chủ nhiệm. Không nghiêm khắc, không gắt gỏng hay dọa nạt, cô dùng tình cảm chân tình của mình nhẹ nhàng cảm hóa Thể. Rồi Thể bị bệnh, gia đình Thể có sổ hộ nghèo nhưng không biết làm thủ tục, cô lại ngược xuôi lên Sở LĐTB-XH tỉnh rồi qua bệnh viện để xin miễn giảm viện phí. Hay em Tạ Đỗ Thanh Trí, nhờ bàn tay dìu dắt của cô Ngọ, từ một học sinh mê chơi game, bỏ học, trở thành một học sinh khá giỏi, chăm ngoan.
Không chỉ bằng tình cảm, cô còn dùng đồng lương ít ỏi của mình mua những phần quà nho nhỏ tặng học sinh. Những phần quà đôi khi chỉ vài ba cuốn tập nhưng đã khích lệ rất lớn các em học sinh. Cô tâm sự: “Những ánh mắt long lanh, đôi má ửng hồng, sung sướng, hãnh diện của học trò là hạnh phúc lớn lao trong đời tôi”. Cô giáo Võ Thị Lệ Thủy chia sẻ về người đồng nghiệp của mình: “Cô Ngọ vừa là đồng nghiệp, vừa là cô của tôi. Bây giờ, không nhiều người giỏi giang và yêu nghề như cô. Chúng tôi còn phải học cô nhiều lắm”.
30 năm nghề giáo lặng lẽ trôi qua, có cơ cực, có vui buồn xen lẫn, nhưng tình yêu nghề của cô chưa bao giờ phai nhạt.
23 năm tận tụy với nghề y
Thay vội chiếc áo dài, rời trường trong cái nắng trưa gay gắt, cô Ngọ lại rong ruổi trên chiếc xe máy cũ kỹ đi tìm cây thuốc nam. Có lúc thấy cô lang thang dọc các con kênh con rạch, có lúc lại thấy cô ở gò mả, có khi lại ở những xã Tân Xuân, Phú Ngãi cách nhà hơn 30km. Cô Ngọ kể thêm: “Buông công việc ở trường là tôi đi kiếm cây thuốc nam để chữa bệnh cho người nghèo. Nhiều khi đi công tác trên huyện, xong việc là tôi lại tranh thủ kiếm cây thuốc dọc đường về để tiết kiệm thời gian, xăng, xe”.
Cô Ngọ luôn tâm niệm: “Người hạnh phúc nhất chính là người mang hạnh phúc đến cho người khác”. Nhờ công việc của cô mà không ít người nghèo đã chữa được những căn bệnh kinh niên. Hàng đêm, sau thời gian soạn giáo án, cô lại chong đèn ra hiên nhà chặt cây thuốc. Cứ thế, tròm trèm đã 23 năm, những điều cô làm chỉ mong góp cho đời một chút ân tình.
Cô không chồng con, chỉ ở vậy nuôi cha mẹ và làm những việc mình thích. Sau ngày cha mẹ mất đi, cô dành hết tâm sức cho trường lớp, cho việc tìm cây thuốc. Nhắc đến chuyện về hưu - vào tháng 1-2011, cô thoáng buồn: “Phải chi được phép, tôi muốn cống hiến thêm vài năm nữa sức lực còn lại của mình cho nghề giáo, cho học trò. Nhưng không sao, không còn sống với nghề giáo, tôi sẽ chuyên tâm hơn nữa với nghề y, chữa bệnh cho dân nghèo”, cô nở nụ cười vô cùng mãn nguyện.
Nguyễn Tường Hân