Mặc dù trên địa bàn TPHCM chưa xảy ra cúm gia cầm, nhưng nguy cơ dịch cúm gia cầm đang bao vây TPHCM từ nhiều phía. Thực hiện chỉ đạo của TP, các quận - huyện đang dồn sức chống dịch, xóa 36 chợ gia cầm tự phát. Để đối phó, những người buôn bán gia cầm đang chuyển sang bán dạo.
Kiên trì cắm chốt
Trong thời gian qua, trên địa bàn TPHCM đã hình thành 36 chợ gia cầm tự phát tại các quận 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức… Phần lớn các chợ gia cầm tự phát nằm ở các quận nội thành, trên vỉa hè các trục đường lớn, nên nguy cơ biến thành ổ dịch, lây lan dịch cúm gia cầm ra cộng đồng rất nhanh và khó ngăn chặn. Mặc dù chính quyền các địa phương đã nhắc nhở, kiểm tra, nhưng vẫn như “bắt cóc bỏ dĩa”, không hiệu quả. Trong tình hình dịch cúm gia cầm đã lây lan ở nhiều tỉnh, nửa tháng nay chính quyền các quận và các phường nơi có chợ gia cầm tự phát đã phân công lực lượng chuyên trách kiên trì đóng chốt, quyết tâm xóa các chợ gia cầm.
Tại điểm nóng cầu Chợ Cầu (giáp ranh quận Gò Vấp và quận 12), chúng tôi ghi nhận ngay từ sáng sớm các lực lượng chuyên trách đã có mặt chốt chặn. Ngoài lực lượng thú y, trật tự đô thị, dân phòng, còn có các đoàn viên TNCS và cựu chiến binh. Chốt chặn được lập ở hai đầu cầu, lực lượng dân phòng, trật tự đô thị tuần tra, kiểm tra vòng ngoài, trên các ngả đường dẫn đến cầu. Nhờ sự quyết liệt này mà cảnh buôn bán gà vịt sống trên cầu Chợ Cầu không còn nữa. Cách cầu Chợ Cầu không xa, điểm nóng cầu Trường Đai (giáp ranh quận Gò Vấp và quận 12) cũng đã không còn cảnh nhộn nhịp mua bán gà vịt, do có các lực lượng chức năng chốt chặn. Tại điểm nóng chợ gia cầm tự phát trên vỉa hè đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức), lực lượng dân phòng, công an khu vực, trật tự đô thị và cán bộ phường thường xuyên tuần tra. Mỗi ngày, các lực lượng chức năng xuất hiện cắm chốt từ trước giờ họp chợ và chỉ rời đi khi đã quá giờ họp chợ. Trước đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, thông báo đến các tiểu thương về việc gia cầm bày bán sẽ bị tịch thu, tiêu hủy ngay.
Những ngày gần đây, nhờ biện pháp kiên trì cắm chốt của các lực lượng chức năng nên nhiều chợ bán gia cầm trái phép đã bị xóa. Tuy nhiên, ông Lê Quý Tài, công tác trong lực lượng trật tự đô thị quận Thủ Đức, đang trực chốt tại chợ Thủ Đức, cho biết: “Trong những ngày qua, chúng tôi phối hợp với các phường xóa các chợ gia cầm tự phát. Nhưng chỉ cần vắng người tuần tra là trên vỉa hè các con đường gần chợ tự phát lại xuất hiện các điểm bày bán gia cầm”. Nhiều chợ gia cầm di động đã hình thành và một nỗi lo mới đối với công tác phòng chống dịch là nhiều tiểu thương chuyển sang chở gia cầm bằng xe máy mang đi bán dạo, nếu gia cầm nhiễm cúm sẽ lây lan rất nhanh.
Chợ di động biến tướng
Cách điểm chốt chặn ở cầu Chợ Cầu và cầu Trường Đai không xa, trên các đường Quang Trung, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, các tiểu thương bán gia cầm giấu trong lồng bịt kín hoặc bao tải nhỏ để trên xe máy chạy ngược xuôi bán dạo. Họ liên tục rà xe theo người đi đường để mời mua gà vịt. Dù đang có dịch cúm gia cầm nhưng vẫn có người mua. Việc mua bán, trả giá diễn ra chớp nhoáng. Việc bán dạo gia cầm sống không chỉ gần các điểm đã từng có chợ gia cầm tự phát, mà đang diễn ra trên nhiều tuyến đường.
9 giờ sáng, chúng tôi lặng lẽ bám theo một thanh niên chừng 30 tuổi, chạy xe máy với chiếc lồng đựng 5 con gà đi bán dạo, cứ chạy ngược xuôi trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2). Anh rà theo những người chạy xe trên đường gạ bán “gà thả vườn do gia đình nuôi”. Sau khi chạy vài vòng, thấy không có lực lượng kiểm tra, người thanh niên dựng xe, bày gà ra vỉa hè ngồi bán. Ngồi bán được chừng 10 phút, anh này vội cho gà vào lồng, cột vào xe máy tiếp tục chạy đi bán dạo. Gần đến 12 giờ trưa, 5 con gà cũng đã được bán hết.
Tại các quận - huyện vùng ven, vẫn có không ít người bán gà vịt trước cửa, trong sân nhà, chỉ để trong lồng chừng 2 - 3 con cho mọi người biết, ghé mua. Một vòng qua các tuyến đường Lã Xuân Oai, Nguyễn Xiển (quận 9), Võ Văn Vân (Vĩnh Lộc B, Bình Chánh), chúng tôi thấy có đến 7 điểm bán gia cầm nhỏ lẻ như vậy.
Ngày 8-2-2014, UBND TPHCM đã ra Chỉ thị 03/2014 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn, chỉ đạo cùng với lực lượng thú y TP, các quận - huyện, phường - xã phải vào cuộc. Chủ tịch UBND các phường - xã lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc phòng chống cúm gia cầm sẽ bị kiểm điểm. Nhờ chỉ đạo quyết liệt, chính quyền địa phương đã mạnh tay chống dịch. Song, thực tế cho thấy, nhiều người tiêu dùng vẫn còn thói quen mua gà vịt sống, bất chấp nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Khi có cầu ắt có cung, do vậy khi xóa các chợ gia cầm tự phát, lại xuất hiện các điểm bán lẻ rải rác, hoặc bán rong trên đường. Để phòng chống hiệu quả dịch cúm gia cầm, rất cần có ý thức và sự chung tay của người dân.
TRẦN YÊN