Chờ hướng dẫn

Mới đây, ban giám hiệu Trường Tiểu học T.H.Đ. (quận 1) đã nhận được phản ánh của phụ huynh về việc một giáo viên chủ nhiệm khối lớp 3 của đơn vị mở lớp dạy thêm tại cơ sở thuê mướn bên ngoài.
Chờ hướng dẫn

Mới đây, ban giám hiệu Trường Tiểu học T.H.Đ. (quận 1) đã nhận được phản ánh của phụ huynh về việc một giáo viên chủ nhiệm khối lớp 3 của đơn vị mở lớp dạy thêm tại cơ sở thuê mướn bên ngoài.

Theo đó, lớp học được tổ chức vào hai ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần với mức học phí 700.000 đồng/học sinh/tháng. Đáng nói là hầu hết học sinh đang theo học tại đây đều là học sinh chính khóa của giáo viên ngay tại trường. Điều này làm dấy lên lo lắng của phụ huynh về việc có hay không việc giáo viên tạo áp lực với học sinh, cũng như làm sao để bảo đảm công bằng giữa những học sinh có đi học thêm và những em không tham gia lớp học.

Chờ hướng dẫn ảnh 1

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn trong giờ học nhóm. Ảnh: MAI HẢI


Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo đơn vị cho biết đã yêu cầu giáo viên ngưng ngay lớp học, đồng thời có bản tường trình để hội đồng sư phạm nhà trường xem xét, cân nhắc hình thức xử lý. Ngoài ra, dựa trên danh sách những phụ huynh có con đang tham gia lớp học, ban giám hiệu sẽ tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng từng gia đình để xác định rõ động cơ các cháu theo học là do bị giáo viên ép buộc hay xuất phát từ chính nhu cầu tự nguyện muốn con được nâng cao kiến thức, trông giữ thêm ngoài giờ học chính khóa của phụ huynh. Đây được xem là động thái cần thiết, vừa đủ sức răn đe giáo viên vừa hướng dẫn phụ huynh chọn các hình thức đưa đón phù hợp.

Cách đây không lâu, trên địa bàn TPHCM cũng từng xảy ra trường hợp một nữ giáo viên Trường Tiểu học B.V.T. (quận Tân Bình) bị hội đồng sư phạm nhà trường nhắc nhở, không xét thi đua năm học 2016-2017 do mở lớp dạy thêm môn tiếng Anh ngoài nhà trường. Ngay khi lớp học bị giải tán, các phụ huynh có con học lớp này đã đồng loạt ký tên vào đơn xin tiếp tục mở lớp. Hành động này tuy sai về mặt quy định (phụ huynh muốn con học thêm tiếng Anh phải đăng ký ở các trung tâm ngoại ngữ hoặc bồi dưỡng văn hóa) nhưng cho thấy việc mở lớp xuất phát từ chính nhu cầu tự nguyện của phụ huynh.

Trước đó, tại buổi làm việc giữa đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM với UBND quận 3 về quản lý dạy thêm, học thêm, ông Phạm Hùng Dũng, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận 3, cho biết các trường tiểu học hiện nay tan học trong khoản 16 giờ - 16 giờ 15 phút. Trong khi phần lớn phụ huynh chỉ có thể đón con sau 17 giờ nên nhu cầu muốn gửi con ngoài giờ học chính khóa là có thật. Thêm vào đó, theo một hiệu trưởng trường tiểu học, chương trình các lớp 1, 2, 3 chưa nặng về kỹ năng, kiến thức, cha mẹ có thể tự kèm con học thêm tại nhà. Nhưng đối với học sinh các lớp 4, 5, khối lượng bài vở đã tăng nhiều, khiến không ít phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm để có nền tảng kiến thức chắc chắn, chuẩn bị cho các bậc học cao hơn. Do đó, dù quy định không cho phép dạy thêm đối với học sinh tiểu học nhưng khi có trường hợp giáo viên vi phạm, các đơn vị đều cho biết phải xem xét cả hai yếu tố lý và tình để có hình thức xử lý phù hợp.

Cho đến nay, quy định về quản lý dạy thêm, học thêm chưa có hướng dẫn các mức độ sai phạm và hình thức xử phạt tương ứng. Do đó, công tác quản lý mới chủ yếu dừng ở việc nhắc nhở ý thức tự giác của giáo viên, khi có sai phạm sẽ do hiệu trưởng toàn quyền xử lý. Thiết nghĩ về lâu dài, cần có thêm hướng dẫn xử phạt từ các cơ quan quản lý để quy định không rơi vào tình trạng “đèn nhà ai nấy sáng” hiện nay.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục