

Kinh doanh ở cảng Sài Gòn đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: THÀNH TÂM
Tình hình sản xuất kinh doanh ở cảng Sài Gòn - một trong những cảng lớn nhất ở khu vực phía Nam - đã không còn được như xưa. Lợi nhuận những tháng đầu năm 2006 của cảng chỉ khoảng 10 tỷ đồng, đạt 67%, nộp ngân sách 12,5 tỷ đồng, đạt 73% so với cùng kỳ năm 2005. Trong đó mặt hàng gạo, vốn là mặt hàng được cảng xếp dỡ nhiều nhất từ trước đến nay, đã giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có nhiều nguyên nhân làm cho cảng sa sút nhưng tình trạng dùng dằng “đi, ở” chưa xong là một trong những lý do quan trọng - ông Lê Công Minh, Giám đốc Cảng Sài Gòn, tâm sự.
Theo ông Minh, hiện nay thành phố đã giao 50ha đất ở Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) để cảng Sài Gòn di dời cảng Nhà Rồng và Khánh Hội đến; Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã cho phép cảng đầu tư xây dựng cảng nước sâu tại Thị Vải-Cái Mép… nhưng cái khó khăn nhất của cảng là… vốn.
Vốn để phục vụ công tác di dời, để đầu tư xây dựng cảng mới. Cảng Sài Gòn cũng đã chủ động liên doanh, liên kết với một số đơn vị trong và ngoài nước để xây dựng cảng mới nhưng vẫn không giải quyết được căn cơ nỗi khát vốn. “Chúng tôi rất mong chuyển giao quyền sử dụng đất tại các cảng hiện hữu đồng thời được chuyển đổi công năng khu vực Nhà Rồng-Khánh Hội thành bến tàu khách quốc tế và xây dựng trung tâm hàng hải, thương mại, cao ốc văn phòng, khu giải trí trước bến để có tiền xây dựng cảng mới”, ông Minh nói.
Hiện nay cảng đã chủ động hợp tác với Viện Quy hoạch kiến trúc và xây dựng TPHCM lập nghiên cứu khả thi ý đồ này nhưng mọi việc đang còn chờ ngành chức năng xem xét có phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển đô thị thành phố đến năm 2020 hay không. “Mỗi ngày cảng Sài Gòn chưa thể di dời là mỗi ngày cảng gặp khó khăn, đó là chưa nói là như thế cảng sẽ khó di dời theo đúng lộ trình mà Chính phủ đã vạch ra (khoảng 2010 di dời xong 2 cảng Nhà Rồng và Khánh Hội)”, ông Minh bức xúc.
Sẽ xây gì ở khu vực cảng Nhà Rồng và Khánh Hội hiện hữu? Quả là khó trả lời, ngay cả với một số người có trách nhiệm, bởi lẽ toàn bộ khu bờ Tây sông Sài Gòn đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận này còn đang được lên kế hoạch mời tư vấn nước ngoài làm quy hoạch. Và như vậy thì những nỗi bức xúc của Cảng Sài Gòn sẽ còn kéo dài lâu.
AN NHIÊN