(SGGPO).- Một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này, đó là việc cho nước ngoài thuê đất rừng tràn lan. Sáng ngày 10-6, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về vấn đề này.
11 doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam khảo sát và đầu tư trồng rừng
Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn (NN - PTNN), từ báo cáo của các địa phương, đến tháng 12-2009, đã có 11 doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam để khảo sát và đầu tư trồng rừng ở 10 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Khánh Hoà và Bình Dương. Lạng Sơn là tỉnh có nhiều DN Trung Quốc vào khai thác nhất (3 doanh nghiệp). Trong đó, có 8 doanh nghiệp đã khảo sát và được UBND các tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, gồm hai doanh nghiệp Trung Quốc, hai doanh nghiệp Hàn Quốc, hai doanh nghiệp Đài Loan và 1 doanh nghiệp Nhật Bản.
UBND 10 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho nước ngoài đầu tư trên diện tích 305.353,4 ha. Trong đó, riêng Công ty InnovGreen đã chiếm tới 87% diện tích (264.848 ha) tại 5 tỉnh (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam và Kon Tum).
Tuy nhiên, hiện các tỉnh mới ra quyết định cho phép khai thác 22,824,45 ha (bằng 11% diện tích rừng được cấp giấy chứng nhận). Trong đó, chỉ có 15.664,45 ha được phép cho nước ngoài thuê 50 năm. Lạng Sơn cho thuê 485,7 ha; Quảng Ninh cho thuê 3.378,5 ha. Hiện có thêm 3 doanh nghiệp của Nhật Bản, Thụy Điển, Phần Lan đang khảo sát để lập dự án.
Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trồng rừng ở Việt Nam theo nhiều hình thức khác nhau, như cho thuê đất trồng rừng; chỉ liên doanh liên kết trồng rừng hoặc kết hợp cả hai. Diện tích đã cho thuê là 15.664 ha (5,2%) và diện tích cấp phép liên doanh, liên kết giữa các nhà đầu tư với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước là 18.160 ha (bằng 5,7%).
Cấp phép đầu tư với quy mô, diện tích vượt quá khả năng thực tế
Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, các tỉnh đã thực hiện đúng quy định Nhà nước về thu hút đầu tư phát triển rừng. Các dự án đầu tư trồng rừng 100% vốn nước ngoài chủ yếu thực hiện sau năm 2006, khi Luật Đầu tư có hiệu lực (việc cấp giấy chứng nhận đã được phân cấp cho tỉnh, xác định đầu tư cho lâm nghiệp ở miền núi là một trong những lĩnh vực được ưu tiên, khuyến khích).
Theo Bộ NN-PTNT, các tỉnh đã thực hiện chặt chẽ trình tự, thủ tục cho thuê. Hầu hết diện tích đất cho thuê và liên doanh, liên kết để trồng rừng đều là đất được quy hoạch để phát triển rừng sản xuất, chưa phát hiện có việc cho thuê rừng hay đất rừng phòng hộ. Các dự án đều đã được thẩm định về quốc phòng, an ninh. Hơn nữa, đa số dự án đều ở vùng đất khó khăn. Một số dự án nằm ở khu vực sát biên giới.
Tuy vậy, Bộ NN – PTNT cũng phải thừa nhận, trong quá trình xây dựng dự án, do chưa nắm chắc khả năng về đất đai, chủ yếu dựa theo báo cáo của huyện và xã nên nhiều tỉnh đã cấp phép đầu tư với quy mô, diện tích vượt quá khả năng thực tế. Trong đó, dự kiến cho thuê cả những diện tích đất đã có chủ, rừng tự nhiên.
Về hiệu quả khai thác, trừ một số dự án của InnovGreen và Công ty TNHH Tài nguyên – Khoáng sản Hối Thăng (Hồng Kông) tuy được cấp phép từ 2008 nhưng tới nay vẫn chưa triển khai thì hầu như các dự án đều đang được thực hiện. Hoạt động của các doanh nghiệp đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập để cải thiện đời sống người dân trong vùng có dự án. Có doanh nghiệp đã đầu tư làm đường nông thôn. Việc sử dụng người nước ngoài không nhiều.
Giải thích về mối lo cho thuê đất rừng có thể khiến người nước ngoài đổ vào Việt Nam, Bộ NN – PTNN cho biết, trong số 74 cán bộ kỹ thuật làm việc cho Công ty InnovGreen ở Lạng Sơn chỉ có 4 người Trung Quốc, Quảng Ninh có 9 người, còn lại chủ yếu dân địa phương.
Xem xét thu hồi một số giấy phép
Từ bức xúc của dư luận, Bộ NN - PTNT cam kết, một số doanh nghiệp được cấp giấy nhưng chưa khai thác sẽ được xem xét thu hồi giấy phép. Chẳng hạn, Công ty Champion (Đài Loan) tuy được cấp phép thuê đất rừng ở Lạng Sơn nhưng nhà đầu tư thường xuyên vắng mặt, không tiến hành khảo sát và làm thủ tục triển khai dự án nên UBND tỉnh Lạng Sơn dự kiến sẽ thu hồi giấy phép trong năm 2010. Hoặc, Công ty InnovGreen tuy chưa được tỉnh Lạng Sơn cho thuê đất nhưng lại có công văn cho phép thực hiện thủ tục thuê đất và tiến hành trồng rừng tại đất của thôn bản trên địa bàn các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Tràng Định. Trong diện tích đó có 160 ha ở Lộc Bình, vốn là đất của dân tham gia dự án trồng rừng làm nguyên liệu giấy đến nay vẫn chưa được thanh lý xong.
Chính việc cho phép một doanh nghiệp mới vào khai thác mà chưa có thoả thuận với dân đã dấy lên tâm lý lo ngại trong nhân dân. Trước việc này, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ kiểm tra đánh giá và tìm hướng giải quyết, đồng thời yêu cầu các tỉnh không được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê mới.
Trao đổi với SGGP, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đều cho biết sẽ chất vấn về vấn đề này trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát vào ngày mai, 11-6. Các đại biểu này cho rằng, việc để các địa phương cho thuê đất trồng rừng mà Bộ không kiểm soát, chỉ “vỡ” vấn đề khi báo chí vào cuộc là vấn đề phải được làm rõ.
LÂM NGUYÊN