Chọn trường, chọn lớp!

Hàng năm, việc tuyển sinh đầu cấp chủ yếu bắt đầu từ đầu tháng 7. Tuy nhiên, trước đó cả mấy tháng, bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán thì nhiều bậc cha mẹ đã bắt đầu tìm kiếm các mối quan hệ để “chạy trường” cho con. Mục đích là tìm được cho con một chỗ học ưng ý, đáp ứng những kỳ vọng lớn lao của gia đình.

(SGGP).- Hàng năm, việc tuyển sinh đầu cấp chủ yếu bắt đầu từ đầu tháng 7. Tuy nhiên, trước đó cả mấy tháng, bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán thì nhiều bậc cha mẹ đã bắt đầu tìm kiếm các mối quan hệ để “chạy trường” cho con. Mục đích là tìm được cho con một chỗ học ưng ý, đáp ứng những kỳ vọng lớn lao của gia đình.

Việc tìm kiếm một suất học ưng ý cho con cái thường nhắm vào các trường có tiếng tăm. Có nhiều trường hợp chỉ vì muốn tiện đưa đón con đi học mà chấp nhận xin học trái tuyến, dù có thể không phải là trường điểm nhưng để có một suất trái tuyến thì vẫn cần viện đến quan hệ, tiền bạc. Đó là thực tế diễn ra ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội... bao năm qua, như một tảng băng ngầm, ai cũng hiểu nhưng không phải dễ dàng “phơi” ra được chứng cứ.

Để tìm hiểu kinh nghiệm chạy trường cho con vào trường A, trường B, chỉ cần vào một số trang mạng xã hội, diễn đàn có đông các bậc cha mẹ tham gia, ai cũng có thể tìm thấy những kinh nghiệm mà mình đang cần. Bởi dường như việc chạy trường, chạy lớp đã trở nên quá phổ biến đối với các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh còn chia sẻ rất cụ thể kinh nghiệm chạy vào trường nào đó, thậm chí mức giá... Dĩ nhiên, đây không hoàn toàn là lỗi của phía nào.

Có cầu ắt có cung. Các bậc phụ huynh nóng lòng muốn cho con được học trường danh tiếng hoặc nơi thuận tiện nhất cho việc đón đưa nên sẵn sàng chạy trường, chạy lớp. Đó không phải là chạy vì phong trào, mà xuất phát từ kỳ vọng sâu thẳm của bậc làm cha mẹ với tương lai con cái. Cũng không phải là lỗi của các nhà trường vì họ được phép tuyển sinh đúng chỉ tiêu, nên bên cạnh chỉ tiêu đúng tuyến thì vẫn còn cơ hội để họ tuyển trái tuyến. Lỗi là ở chỗ, chất lượng giáo dục giữa các trường trên địa bàn còn quá chênh lệch.

Quy hoạch về trường lớp trên từng địa bàn vốn đã có quy định rõ ràng, đó là mỗi xã, phường, thị trấn đều có đủ trường mầm non, tiểu học, THCS để đáp ứng nhu cầu của người học trên địa bàn đó. Nhưng cuộc đua vào các trường trái tuyến được gắn với những “thương hiệu” luôn lấy quá nhiều tâm sức của các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh ở các phường ngoại thành chỉ vì tâm lý không muốn con học đúng tuyến “trường làng”, “chất lượng làng nhàng” mà bằng mọi giá phải tìm cho con một suất trái tuyến ở những trường “trong phố”. Hoặc ngay cả vào được trường rồi, dù đúng tuyến hay trái tuyến, thì lại thêm cuộc chạy đua chọn lớp, chọn cô. Tin đồn này nối tin đồn kia, cứ thế cuộc đua chạy trường, chạy lớp vô cùng sôi động cả trong đời thực lẫn trên thế giới ảo.

Năm học nào TPHCM, Hà Nội cũng yêu cầu việc tuyển sinh đầu cấp phải thực hiện đúng quy chế, đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh. Đơn cử năm học 2015 - 2016 này, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ trương ba tăng, ba giảm (tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học và giảm sĩ số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn). Việc phân tuyến tuyển sinh cũng được công bố rõ ràng. Thế nhưng, cơn sóng ngầm chạy trường, chạy lớp chưa bao giờ thôi sôi động. Người ta đều rỉ tai nhau vào trường này, trường kia phải chi giá này, giá nọ. Nhưng cũng tương tự như việc người ta vẫn rỉ tai nhau rằng để “chạy” được một suất dạy học ở trường này, trường kia thì giáo viên, sinh viên sư phạm mới ra trường phải “thế này, thế nọ”... những bằng chứng chạy trường, chạy lớp mãi mãi chỉ là tảng băng ngầm. Không một bậc phụ huynh nào chỉ ra rằng tôi đã mất giá này để cho con tôi vào học trường nọ.

Bởi vậy, hàng năm cứ chuẩn bị cho một năm học mới, cơn sóng ngầm chạy trường chạy lớp lại chuyển động. Đó là cái cung - cầu mà chắc hẳn không một bậc phụ huynh nào mong muốn. Nếu chất lượng giáo dục của các trường học được bảo đảm như nhau, không có quá nhiều chênh lệch thì phụ huynh sẽ yên tâm cho con học trường đúng tuyến, gần nhà nhất. Để giải bài toán này, không có cách nào khác là ngành giáo dục phải đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ giáo viên giỏi cho những trường mà chất lượng vẫn ở tầm “trường làng” như đòi hỏi của các bậc phụ huynh. Khi chất lượng giáo dục được nâng lên một cách đồng đều giữa các trường, khi mà cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đáp ứng tốt cho vấn đề dạy học thì việc xin học trái tuyến chắc chắn sẽ giảm. Lúc đó, những hình ảnh đạp đổ cổng trường để xin học cho con, chạy phong bì... tìm kiếm chỗ học rất phản giáo dục sẽ không còn đất tồn tại, môi trường giáo dục vì vậy cũng sẽ trở nên trong sạch hơn rất nhiều.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục