- Kiến nghị nâng mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh
Sáng 15-3, Báo SGGP tổ chức buổi giao lưu trực tuyến giữa lãnh đạo Cục Thuế TPHCM với bạn đọc báo SGGP quanh các vấn đề về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), áp dụng hóa đơn GTGT tự tạo theo quy định mới, việc hoàn thuế… Tuy nhiên, không chỉ tìm hiểu các chính sách thuế, bạn đọc cũng phản ánh các bức xúc, bất cập và đưa ra nhiều kiến nghị hoàn thiện ngành thuế.
- Bức xúc mức chịu thuế quá thấp
Có lẽ ý kiến bức xúc nhiều nhất là về mức chịu thuế TNCN quá thấp. “Thu nhập 4 triệu đồng/tháng bị đánh thuế TNCN (người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng), theo tôi chưa thật sự hợp lý”- bạn đọc Nguyễn Phương Anh (quận 8) bức xúc. Những bạn đọc khác thì chứng minh rõ: “Thử cộng chi phí thu chi cơ bản trong một gia đình gồm tiền học cho con là 1,5 triệu đồng/tháng, chi phí sinh hoạt (tiết kiệm lắm) cũng mất 4 triệu đồng, đó là chưa kể tiền thuê nhà, tiền ốm đau, bệnh tật, tiền hiếu hỷ... Vậy với tư cách là cơ quan chức năng quản lý về vấn đề này, Cục Thuế đã có những kiến nghị sửa đổi như thế nào về vấn đề tăng mức thu nhập bị đánh thuế?”.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Trọng Hạnh trả lời: “Vấn đề bạn quan tâm, Cục Thuế TP hoàn toàn chia sẻ. Cục Thuế TP đã có văn bản kiến nghị lên cấp trên xem xét nâng khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc để phù hợp với tình hình hiện nay”.
Các trường hợp tính thuế TNCN cũng được bạn đọc hỏi cặn kẽ. “Tôi mua một căn nhà có hợp đồng công chứng, nay tôi bán căn nhà này cho một cá nhân và cũng có hợp đồng mua công chứng bán. Giá bán cao hơn giá mua trong hợp đồng là 20.000.000 đồng. Tôi có được áp thuế theo thuế suất 25% trên lợi nhuận không?”, bạn đọc ở địa chỉ quanglacnqnb@yahoo.com.vn hỏi. “Theo Thông tư 84/2008/TT-BTC, thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các chi phí có liên quan, và thuế suất là 25% trên thu nhập tính thuế” - bà Trần Thị Lệ Nga Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ trả lời. “Thế nhưng, để được áp dụng mức thuế suất 25% trên thu nhập chịu thuế thì chúng tôi có cần phải có hóa đơn mua bán không?”. “Giá mua giá bán chỉ thể hiện trên hợp đồng công chứng thì không đủ điều kiện áp dụng thuế suất 25%. Nếu bạn không có hoá đơn thì cần các chứng từ khác xác định giá mua giá bán”, bà Trần Thị Lệ Nga hướng dẫn.
Bạn đọc thuhienk8@yahoo.com.vn hỏi ngoài khoản tiền lương trong hợp đồng chính, công ty còn trả các khoản trợ cấp cho nhân viên (như công tác phí, tiền điện thoại, văn phòng phẩm, tiền cơm trưa, đồng phục…) thì các khoản khoán chi này có phải chịu thuế TNCN không? Ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó phòng Tuyên truyền hỗ trợ giải thích, tiền lương chính cũng như các khoản trợ cấp khác phải tính hết vào thu nhập chịu thuế của người lao động. Chỉ riêng tiền ăn giữa ca nếu chi không vượt mức 550.000 đồng/tháng đối với cán bộ công chức nhà nước thì không tính vào thu nhập chịu thuế.
- Khai lỗ, trốn thuế: phải chăng ngành thuế “có vấn đề”?
Rất nhiều bạn đọc bức xúc trước thực trạng hàng năm có đến 40%-50% DN báo cáo lỗ, trong đó có nhiều DN lỗ liên tục, kéo dài, không phải đóng thuế cho nhà nước đồng nào. Bạn đọc Nguyễn An Minh, TPHCM bức xúc: “Thưa ông, hiện nay có quá nhiều DN báo cáo lỗ để trốn thuế và tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay (có nhiều DN báo cáo lỗ hàng chục năm liền) chẳng lẽ cơ quan quản lý thuế không biết hay cố tình làm lơ để DN hoành hành?” - Cục Thuế TP đang xây dựng kế hoạch chuyên đề chống hành vi gian lận thuế qua việc báo cáo lỗ. Những DN thật sự lỗ do mới đầu tư hoặc do những sự cố thiên tai, hỏa hoạn... Cục Thuế sẽ có những biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ cho DN. Những DN cố tình dùng các thủ đoạn gian lận nhằm mục đích trốn thuế, Cục Thuế sẽ chọn lọc ra và tiến hành kiểm tra, thanh tra; khi xác định được những vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Nguyễn Trọng Hạnh trả lời.
Bạn cchctp@yahoo.com chất vấn: “Có bất công không khi nguời bán hàng ngoài chợ cũng phải nộp thuế, nguời kinh doanh nhỏ lẻ cũng phải nộp thuế khoán hàng tháng (không đuợc nghỉ tháng nào), vậy mà hàng năm có đến 40% - 50% DN khai lỗ không phải nộp thuế (trong khi DN đều có quy mô lớn hơn so với hộ khoán), phải chăng chính sách của Nhà nước có kẽ hở hay công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nuớc “có vấn đề” để DN dễ dàng báo cáo lỗ và không nộp thuế?”. Ông Nguyễn Trọng Hạnh đồng tình với chia sẻ của bạn đọc và cho biết, Cục Thuế TP đang thực hiện các biện pháp quản lý thích hợp, cũng như kiến nghị lên cấp trên sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật, nhằm hạn chế đi đến chấm dứt tình trạng này.
Vấn đề bán hàng không xuất hóa đơn trở thành nỗi bức xúc chung của nhiều bạn đọc. Anh Phạm Đức Phúc hỏi, Nghị định 51/CP đã nâng mức từ 100.000 lên 200.000 đồng buộc DN bán hàng phải xuất hóa đơn cho khách hàng. Thế nhưng, đến giờ dù mức đã nâng nhưng tình trạng không xuất hóa đơn vẫn diễn ra tràn lan, quy định mới trở nên vô nghĩa. Mà nguyên nhân là nếu cơ quan quản lý nhà nuớc không kiểm tra xử lý thì sẽ không hạn chế đuợc sai phạm. Vậy phải chăng ngành thuế thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý? Bà Trần Thị Lệ Nga: Bán bàn phải xuất hóa đơn là nghĩa vụ của DN. Chỉ riêng trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng thì không lập và giao hóa đơn nhưng người bán vẫn phải lập bảng kê và cuối mỗi ngày phải lập hóa đơn và kê khai nộp thuế theo quy định. DN không thực hiện theo đúng quy định trên sẽ bị xử lý. Cơ quan thuế và cơ quan có chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định…
Do số lượng câu hỏi quá nhiều, Báo SGGP sẽ chuyển các câu hỏi của bạn đọc để lãnh đạo Cục Thuế tiếp tục trả lời.
Mời bạn đọc click vào đây để xem xem toàn văn buổi giao lưu trên.
HÀN NI
| |