Trong bối cảnh mùa mua sắm tết sắp đến, tình hình thị trường khá phức tạp. Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg (có hiệu lực từ 15-12-2010) ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ra đời đã phần nào xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị trước nhà nước. Thế nhưng, điều người dân quan tâm là khi mua trúng hàng giả, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Trách nhiệm: buông lỏng
Quyết định 65 ghi rõ: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn mình quản lý. Còn Bộ trưởng Bộ Công thương với vai trò Trưởng ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại chủ trì tổ chức phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, các lực lượng; giữa các ngành, các cấp theo quy chế này trong phạm vi cả nước; có trách nhiệm rà soát, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách để phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại hiệu quả hơn.
Rõ ràng, Thủ tướng đã giao cho Bộ trưởng Bộ Công thương làm “chủ xị” trong việc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Bộ Công thương có quyền chỉ đạo phối hợp với cơ quan hải quan để kiểm soát hàng hóa từ cửa khẩu, cơ quan quản lý thị trường kiểm soát hàng trong phạm vi nội địa và chỉ đạo phối hợp với cơ quan thuế trong kiểm soát hàng hóa, chứng từ hóa đơn…
Thẩm quyền đã rõ nhưng với những hiện tượng thực tế là hàng qua luồng xanh hải quan lại vi phạm mà phải nhờ đến tin báo từ quần chúng mới phát hiện được; hàng xách tay, hàng kém chất lượng, hàng không có hóa đơn chứng từ được bày bán công khai. Gần đây, chúng tôi mua hàng ở Điện máy Thiên Hòa vẫn không được xuất hóa đơn, dù đơn vị này đã bị báo chí phản ánh, cung cấp chứng từ cho cơ quan thuế xử lý nhiều lần nhưng vi phạm vẫn cứ tái diễn… Vậy tại sao vẫn không thấy ai bị xử lý, ai chịu trách nhiệm? Nếu với phong trào tự quản ở địa phương, khi có một vụ cướp giật trên địa bàn (dù là đối tượng cướp từ địa phương khác tới), khu phố đó vẫn không được công nhận là khu phố văn hóa, trong khi vi phạm về hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng có mặt trên thị trường thì người có trách nhiệm sẽ bị xử lý như thế nào?
Hậu quả: dân gánh!
Nhằm chống hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực điện tử, điện máy, Báo SGGP rất mong nhận được sự cộng tác của bạn đọc. Khi có bất kỳ phản ánh, thắc mắc, khiếu nại về hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng xách tay, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không hóa đơn chứng từ, trốn thuế… hãy gửi thư cho chúng tôi theo địa chỉ: Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: (08) 39294072 hoặc 0903.975323 |
Câu hỏi vì sao người dân, báo chí bằng mắt thường có thể phát hiện được đơn vị bán hàng kém chất lượng, không hóa đơn chứng từ mà cơ quan chức năng được nhà nước giao quyền lại không xử lý được thì câu trả lời quen thuộc lại là: thiếu nhân sự, không làm xuể! Đã đến lúc cần xem lại, nếu nhà nước có quy định xử lý vi phạm mà không phân cấp, phân quyền, trao đủ công cụ cho tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật, để rồi vi phạm vẫn xảy ra thì cần phải chấn chỉnh. Nếu không, pháp luật sẽ không được thực thi nghiêm túc, làm mất đi tính uy nghiêm của pháp luật.
Rõ ràng khi chúng ta xử lý không nghiêm, không quyết liệt với hàng gian, hàng giả, không chỉ kẻ xấu lợi dụng trục lợi mà ngay cả doanh nghiệp sản xuất cũng dựa vào đó để thoái thác trách nhiệm, lừa dối khách hàng. Điển hình là trường hợp một khách hàng mua nhầm chai nước uống của một nhãn hiệu khá nổi tiếng trong các giờ vàng quảng cáo, phát hiện trong chai có vật thể lạ, đến khi doanh nghiệp này tiếp nhận chai nước về kiểm tra, xử lý lại công bố đó là… hàng giả! Người dân không có khả năng kiểm chứng nên đành chịu. Kiểu lợi dụng những rối rắm của thị trường để thoái thác trách nhiệm như thế, suy cho cùng cũng có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
CHẾ HÂN