Trong đầu tư vốn ngân sách

Chống lãng phí phải đồng bộ

Chống lãng phí phải đồng bộ

Nhận diện những nguy cơ lãng phí

Nguyên nhân của bệnh lãng phí là gì cần phải được nhận diện một cách sâu sắc nhất, từ đó mới cắt thuốc chữa bệnh hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là về sở hữu. Các công trình do cá nhân xây dựng cho chính mình thường không có hoặc rất ít lãng phí. Người ta không lãng phí đồng tiền do mình đổ mồ hôi, sôi nước mắt ra mới kiếm được. Ngược lại, các công trình, dự án có nguồn vốn ngân sách thường lãng phí và thất thoát rất lớn vì tình trạng “cha chung không ai khóc”, tiền chung không ai tiếc. Có lẽ đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Chống lãng phí phải đồng bộ ảnh 1

Các dự án giao thông thi công chậm thường làm kẹt xe, gây lãng phí cho người dân. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Lãng phí được thể hiện trên nhiều bình diện, vì đầu tư sai mục đích, vì không đạt mục tiêu; lãng phí vì đầu tư không đúng thời điểm, bỏ phí các cơ hội; lãng phí vì chậm trễ nên chi phí tăng cao; lãng phí vì công trình kém chất lượng; lãng phí được nhiều người biết là lãng phí vì giá của công trình cao hơn so với giá trị thực của nó. Để ngăn chặn lãng phí, cơ quan quản lý đã đưa các quy định về quản lý đầu tư. Tiếc rằng các quy định hết sức chặt chẽ này lại chủ yếu tập trung vào việc làm sao cho công trình phải có giá thấp nhất. Nhưng lãng phí vì giá cao của công trình thực ra lại rất nhỏ và có thể nói là nhỏ nhất trong tất cả các dạng lãng phí kể trên.

Một cây cầu, nếu được đưa vào sử dụng sớm sẽ đem lại lợi ích có giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của cả một vùng đất, lợi ích này lớn hơn rất nhiều so với một vài chục tỷ đồng được cắt giảm trong quá trình xét duyệt, làm phải kéo dài tới 2-3 năm. Một nhà máy điện đưa vào sử dụng kịp thời sẽ làm cho sản xuất không bị đình đốn, sinh hoạt của người dân không bị ảnh hưởng. Rất nhiều người, rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả giá điện cao hơn để được sử dụng điện liên tục. Thất thoát trong thực hiện các dự án về công nghệ thông tin trong thời gian qua không thể so sánh với việc sự thất bại của nó, vì đã làm cho chúng ta chậm mất 10 năm so với các nước trong khu vực. 10 năm không tiến lên, nghĩa là tụt hậu nhiều chục năm.

Chống lãng phí bằng cách nào?

Còn sử dụng ngân sách là còn lãng phí. Nói như vậy không có nghĩa là không dùng ngân sách nữa. Chúng ta chỉ có thể giảm nhưng không thể triệt tiêu được lãng phí. Vậy giảm lãng phí bằng cách nào?

1. Giảm đầu mối ra quyết định

Nước ta có nhiều cấp và trong một cấp lại có rất nhiều đầu mối có thể quyết định được việc chi tiêu ngân sách. Với việc chia tách tỉnh, huyện thì số đầu mối này lại tăng lên rất nhiều. Với hạn chế về nhân lực (số lượng và chất lượng) và về vật lực thì nhiều đầu mối sẽ phân tán nguồn lực và giảm sự chính xác khi ra quyết định. Ở những nước đông dân như Trung Quốc cũng chỉ có 32 tỉnh, Mỹ cũng chỉ có 50 bang. Giảm đầu mối quyết định ngân sách sẽ có điều kiện để tập trung được ngân sách và lựa chọn cán bộ giỏi cho các đầu mối này. Cán bộ giỏi sẽ giúp ban hành các quyết định đầu tư đúng mục đích, phân bổ ngân sách một cách tối ưu. Giảm đầu mối cũng là giảm số lượng “con của cha chung”.

2. Giảm số lượng dự án sử dụng vốn ngân sách

Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực tư nhân không được làm hoặc không làm được. Đối với các công trình, dự án có khả năng sinh lợi trực tiếp thì không nên đầu tư bằng ngân sách. Người dân, doanh nghiệp sử dụng vốn của mình để đầu tư các công trình này sẽ không lãng phí như đã nói ở trên. Nhà nước đầu tư vào các công trình mang ý nghĩa xã hội và kinh tế lớn nhưng không có lợi nhuận trực tiếp như giao thông, y tế, trường học,… ở các vùng khó khăn. Một ví dụ cho việc này là trường hợp Phú Mỹ Hưng, nhà nước không tốn tiền, không tốn bộ máy quản lý, không mất thời gian cho các cuộc họp nhưng vẫn được một khu đô thị khang trang, hiện đại và văn minh.

Giảm số lượng dự án sẽ giảm được gánh nặng cho các chủ đầu tư, cho các ban quản lý dự án. Một ban quản lý dự án phải quản lý tới hàng chục, hàng trăm dự án thì không thể đảm bảo được chất lượng và khả năng thất thoát là vô cùng lớn.

3. Tăng cường giám sát

Việc giảm đầu mối ra quyết định và giảm số lượng dự án sẽ thuận lợi hơn cho việc tăng cường giám sát. Giám sát phải thực hiện ngay từ giai đoạn ra quyết định. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều điều kiện để xem xét trước khi thông qua danh mục các dự án, khi mà số lượng dự án không quá lớn và đã được chuẩn bị kỹ trước khi trình. Sự giám sát khắt khe và chặt chẽ của những đại biểu của dân sẽ giúp cho các công trình được đầu tư đúng mục tiêu. Với khối lượng dự án khổng lồ như hiện nay khó có thể chuẩn bị và xem xét kỹ lưỡng.

Giám sát cũng cần được thực hiện trong quá trình triển khai dự án. Hiện nay mới chỉ chú trọng khâu thẩm định và phê duyệt dự án, việc giám sát hầu như thả nổi. Một ví dụ dễ thấy là, với các công trình có tư vấn giám sát nước ngoài thì thường chất lượng và thời gian thi công đều đảm bảo. Theo quy định hiện nay chi phí cho giám sát các dự án đầu tư từ vốn ngân sách rất thấp. Tiết kiệm kinh phí giám sát nhưng gây lãng phí lớn hơn gấp nhiều lần vì chất lượng công trình kém và thời gian thi công kéo dài. Hãy làm điều ngược lại: chi phí thỏa đáng cho giám sát để tiết kiệm được nhiều hơn.

4. Thay đổi phương thức đầu tư

Nên thực hiện việc mua sản phẩm hơn là tự mình làm ra sản phẩm đó. Chính phủ của nhiều nước cũng thực hiện phương thức này và có được sản phẩm chất lượng cao và được giao đúng thời hạn, giảm được lãng phí rất lớn. Lấy trường hợp ứng dụng công nghệ thông tin tại thành phố Hồ Chí Minh làm ví dụ. Sở BCVT đã thực hiện mua phần mềm thay vì xây dựng phần mềm từ đầu như tất cả các đơn vị khác vẫn đang làm và đang bế tắc. Kết quả là các phần mềm được triển khai có hiệu quả, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.

Thực hiện phương thức này cũng sẽ giảm được đáng kể các ban quản lý dự án, một mô hình trung gian và không hiệu quả trong đầu tư hiện nay.

LÊ MẠNH HÀ
Giám đốc Sở Bưu Chính, Viễn Thông

Tin cùng chuyên mục