Công tác chống ngập trên địa bàn TPHCM thời gian qua dù đạt được một số thành tựu nhất định nhưng nhìn chung kết quả giảm ngập nước vẫn chưa bền vững, khả năng tái ngập cao, dẫn đến nhiều bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh TP.
Quá trình đô thị hóa và bê tông hóa làm giảm độ thấm nước mưa là một trong những nguyên nhân gây ngập. Ảnh: HUY ANH
Chưa chuyển biến mạnh mẽ
Tuy nhận thức được những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng nhưng những động thái về mặt thể chế, chính sách của TP cũng chưa có chuyển biến mạnh mẽ trên thực tế. Các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của TP thường được triển khai rất chậm, do liên quan đến nhiều sở - ban - ngành nên việc đi đến thống nhất sẽ mất nhiều thời gian điều chỉnh và bổ sung.
Kết quả giảm ngập chưa bền vững do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu tập trung ở một số nhóm nguyên nhân. Cụ thể, nhóm nguyên nhân khách quan là do BĐKH, nước biển dâng gia tăng vũ lượng mưa và mức đỉnh triều, do đô thị hóa tăng dẫn đến dân số gia tăng nhanh chóng vượt ngoài khả năng đáp ứng của hệ thống thoát nước. Nhóm nguyên nhân về mặt kỹ thuật là do tình trạng lấn chiếm kênh rạch làm hẹp dòng chảy làm giảm khả năng thoát nước; quá trình đô thị hóa đã san lấp phần lớn các ao hồ điều tiết, các ao hồ kênh rạch bị san lấp thành đất xây dựng làm mất đi vùng đệm là nơi chứa nước mưa và nước triều nhưng không có giải pháp thay thế; quá trình đô thị hóa và bê tông hóa đã làm giảm độ thấm nước mưa; mạng lưới thoát nước hạn chế do chưa được đầu tư đúng mức trong những năm qua…
Nhóm nguyên nhân còn lại là do cơ chế, chính sách. Hiện nay, các cơ chế chính sách chưa thực hiện triệt để quy định về bảo vệ hệ thống thoát nước, kênh rạch, vùng đệm, vùng trũng điều tiết nước; chưa có những quy định phù hợp về bù đắp diện tích mặt nước bị san lấp và ngăn chặn việc gia tăng hệ số chảy tràn; chưa quan tâm và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát trong và sau khi hoàn thành các công trình, dự án thoát nước, chưa kiên quyết trong việc kiểm tra, xử phạt, ngăn chặn tình trạng san lấp, lấn chiếm trái phép và xả rác trên kênh rạch… Ngoài ra, còn có sự bất cập trong công tác phối hợp, chỉ đạo, triển khai và thực hiện các dự án thoát nước trên toàn địa bàn thành phố cũng như trong mối quan hệ liên vùng. Bất cập trong cơ chế quản lý, duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước. Việc phân cấp một phần hệ thống thoát nước cho quận - huyện quản lý nhưng chưa quan tâm đầu tư đúng mức về nhân lực và kinh phí, kỹ thuật trang thiết bị đã làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả, chủ trương phân cấp, làm mất đi tính liên thông và đồng bộ của một hệ thống thống nhất từ cống nội bộ nhà dân, cống hẻm (cấp 4), cống cấp 3, cấp 2, cửa xả và kênh rạch (cấp 1). Tiến độ thực hiện của các dự án thoát nước, đặc biệt các dự án ODA, còn quá chậm, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy hoạch đã đề ra. Cơ quan chức năng không xác định được tuổi thọ của cống và sửa chữa kịp thời cống bể hay hư hỏng dẫn đến tình trạng hố lún sụp.
Với thực tế, quản lý hệ thống thoát nước của TP còn phân tán trong nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, công tác chống ngập chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản khác, chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý. Cụ thể, còn nhiều chủ thể tham gia quản lý các tuyến cống; nhiều ngành quản lý về thoát nước; trách nhiệm quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông kênh, rạch cũng phân tán theo vai trò của các sở - ngành và UBND quận - huyện.
Theo đó, việc nhiều cơ quan cùng quản lý hệ thống thoát nước thể hiện sự bất cập về mặt thể chế, tạo cơ sở cho sự bất cập, không đồng bộ, không thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác chống ngập trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án thoát nước trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, quy trình thủ tục phức tạp, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, công tác đề xuất, lập, trình duyệt và bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án thoát nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Cần chính sách đặc thù
Với thực trạng trên, trong điều kiện hiện tại, cần có một số thay đổi về thể chế, chính sách với 3 nội dung tập trung như sau:
Thứ nhất là rà soát lại chức năng, nhiệm vụ quản lý của các ngành, các cấp có liên quan đến công tác chống ngập nước và ứng phó với BĐKH, nước biển dâng để thống nhất đầu mối quản lý. Theo đó, trước mắt cần rà soát toàn bộ các quy định liên quan, rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị để xây dựng cơ chế phân cấp, phân công, phối hợp quản lý trong công tác chống ngập, từ quản lý hệ thống thoát nước đến việc triển khai các dự án. Đây là cơ sở để tập trung đầu mối, thống nhất về tổ chức quản lý hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và các công trình kiểm soát triều để quản lý ngập lụt đô thị do BĐKH từ TP đến quận, huyện trên cơ sở xác định rõ sự phân cấp quản lý, các hợp đồng quản lý, vận hành với các đơn vị quản lý thoát nước trên địa bàn để hệ thống thoát nước được quản lý, duy tu bảo dưỡng vận hành hợp lý, tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất về tiêu thoát nước và xóa giảm ngập.
Thứ hai là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho lĩnh vực thoát nước. Theo đó, ưu tiên nguồn vốn ODA cho đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước, thu gom nước thải, các công trình hồ điều tiết, đê bao và các cống kiếm soát triều. Hàng năm ngân sách nhà nước bố trí tỷ lệ hợp lý để đầu tư hệ thống thoát nước đô thị. Ưu tiên sử dụng ngân sách làm nguồn vốn đối ứng của các dự án ODA cho các dự án quy mô lớn có khó khăn về nguồn vốn. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào hệ thống thoát nước đô thị theo các hình thức khác nhau.
Thứ ba là xây dựng các chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông về vai trò của hệ thống thoát nước mưa, nước thải đối với môi trường; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thoát nước; về ứng phó BĐKH và nước biển dâng; thông tin các chính sách của Nhà nước về lĩnh vực thoát nước, các chế tài trong việc quản lý hệ thống thoát nước và xả nước thải ra môi trường; xây dựng các cơ chế phối hợp liên Vùng trong việc thích ứng với BĐKH, nước biển dâng. Tăng cường vai trò công tác thông tin, dự báo.
HOÀNG MINH TRÍ (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM)