Sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế tuyên bố sẽ siết chặt việc chuyển viện, Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến phản hồi nhiều chiều từ bạn đọc. Để rộng đường dư luận, Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến nhằm giúp ngành y tế cân nhắc khi áp dụng những quy định mới để việc chuyển viện phù hợp với thực tiễn.
- Tôi tin chuyên môn ở bệnh viện tuyến trên hơn
Vợ tôi bị bướu cổ và đã điều trị ngoại trú ở bệnh viện huyện Cần Giuộc (Long An) suốt cả năm trời nhưng không thấy bớt. Dù vậy, bác sĩ điều trị không tư vấn chuyển viện lên tuyến trên. Mới đây, phát hiện cục bướu nổi to hơn, đè thanh quản rất đau, nên tôi phải đưa vợ đến Bệnh viện Bình Dân khám và được xếp lịch mổ liền. Thử hỏi nếu tôi không quyết định tự chuyển viện cho vợ tôi thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra? Hơn nữa, nếu tôi để vợ tôi điều trị ở bệnh viện huyện, khi phát bệnh nặng, họ cũng chỉ chuyển bệnh nhân lên tuyến bệnh viện tỉnh Long An - nơi cách nhà hơn 30km, trong khi đó đưa lên bệnh viện ở TPHCM chỉ cách 20km.
Nguyễn Văn Ba (Huyện Cần Giuộc, Long An)
- Không muốn lên bệnh viện xa vì tốn kém
Tôi phải nuôi mẹ đang mổ sỏi thận ở Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) và phải xin cơm từ thiện để sống qua ngày. Mẹ tôi đã mổ hở 2 lần và phải tán sỏi nhiều lần, tốn chi phí cả chục triệu đồng. Vì mẹ bị bệnh nặng nên phải chuyển lên bệnh viện chuyên khoa tại TPHCM, chứ gia đình tôi đâu muốn đi xa nuôi bệnh bởi rất tốn kém. Đối với nông dân, đã nghèo lại càng nghèo hơn khi có người nhà bệnh nặng, vì lên bệnh viện tuyến trên điều trị tốn kém, chi phí ăn nhiều hơn bệnh viện gần nhà.
Huỳnh Thị Châu (Huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre)
- Bao giờ chất lượng khám chữa bệnh đồng đều?
Hồi con gái tôi còn nhỏ, chạy nhảy, bị té sưng bàn tay nên phải đưa vào bệnh viện gần nhà để khám. Bác sĩ kêu con tôi đưa tay lên xem rồi nói không sao, cho thuốc về uống là hết. Ngày hôm sau thấy bàn tay cháu sưng vù, tấy đỏ, tôi vội đưa con đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM để chụp phim và được chuẩn đoán bị nứt xương cánh tay. Nhờ bó bột kịp thời, con tôi không bị tật ở tay. Điều này cho thấy vì sao Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM luôn trong tình trạng quá tải. Chỉ khi nào chất lượng khám chữa bệnh đồng đều, đảm bảo chuyên môn, kỹ thuật, người dân không phải chọn phương án chuyển viện tốn kém, mất công như hiện nay.
Thanh Nguyên (Huyện Bình Thạnh, TPHCM)
- Bệnh viện quê tôi đã tốt hơn
Vài năm trước đây, Bệnh viện huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa, nay là Bệnh viện Thị xã Ninh Hòa) rất nghèo nàn về cơ sở hạ tầng lẫn phương tiện khám chữa bệnh, nên khi bị bệnh, nhiều người dân ở đây tìm đến bệnh viện tỉnh hoặc vào TPHCM để khám và điều trị.
Thời gian gần đây, bệnh viện được đầu tư xây mới, trang thiết bị hiện đại, phòng bệnh có đầy đủ máy thở ôxy, hút đàm… và có cả thang máy, nên người dân quê tôi đã yên tâm đến đây khám chữa bệnh, kể cả những trường hợp bị bệnh nặng. Mới đây, mẹ tôi bị đột quỵ cùng nhiều bệnh già khác như viêm phổi, suy tim, thay vì chuyển vào bệnh viện tỉnh điều trị, gia đình tôi đã chọn Bệnh viện Thị xã Ninh Hòa và yên tâm với sự tận tình, trình độ chuyên môn của các bác sĩ ở đây. Nhờ điều trị gần nhà, gia đình tôi ít tốn kém tiền bạc.
Nguyễn Thị Thủy (Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa)
- Đầu tư nâng cấp tuyến y tế cơ sở
Việc ép người bệnh phải khám chữa bệnh ở cơ sở y tế tuyến dưới - nơi vừa thiếu cơ sở hạ tầng, điều kiện, phương tiện dụng cụ y tế có thể coi là mệnh lệnh hành chính. Vì thế, việc tạo điều kiện để người dân được chăm sóc sức khỏe định kỳ sẽ góp phần phòng ngừa bệnh tật, giảm tải bệnh viện tuyến trên.
Để làm được điều này, ngành y tế phải đầu tư một cách công bằng về kỹ thuật, phương tiện y tế và chuyển giao chuyên môn cho tuyến cơ sở để họ đủ sức làm nhiệm vụ gác cửa sức khỏe cho cộng đồng và tạo sự tin tưởng của người bệnh khi điều trị các loại bệnh thông thường. Suốt một thời gian dài vừa qua, nhà nước và ngành y tế chỉ chú trọng đầu tư cho hệ thống bệnh viện tuyến trên và xem nhẹ tuyến y tế dự phòng, y tế cơ sở. Vì thế không chỉ dịch bệnh bùng phát nhiều hơn mà số bệnh nhân bị bệnh nặng, hiểm nghèo gia tăng dẫn đến việc phải đổ về tuyến trên gây quá tải là điều khó tránh khỏi.