Chống vi phạm bản quyền phần mềm - Chưa được như mong đợi

Chống vi phạm bản quyền phần mềm - Chưa được như mong đợi

Không khó để nhận thấy chiến dịch tuyên truyền, vận động bản quyền phần mềm vừa được phát động tại Hà Nội và TPHCM không có gì đột phá, nhưng chiến dịch này bám sát các điểm bán máy vi tính và thêm một bước vận động người tiêu dùng tập nói “không” với phần mềm không bản quyền.

Vi phạm tràn lan

Các chuyên gia cho rằng nơi cung cấp máy vi tính đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền phần mềm. Nếu các nhà cung cấp nghiêm túc chấp hành Luật Sở hữu trí tuệ, không cài sẵn hoặc hỗ trợ cài đặt các phần mềm không có bản quyền vào máy tính khi bán cho người sử dụng thì dần dần người sử dụng sẽ thay đổi được nhận thức, từ bỏ thói quen sử dụng phần mềm không có bản quyền… Chính vì thế Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) vừa khởi động chiến dịch tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp kinh doanh phần mềm trong việc tôn trọng bản quyền phần mềm (BQPM) tại Hà Nội và TPHCM...

Điểm bán máy tính Phong Vũ (quận 1 TPHCM) đồng ý treo biển khuyến cáo về bản quyền phần mềm.

Điểm bán máy tính Phong Vũ (quận 1 TPHCM) đồng ý treo biển khuyến cáo về bản quyền phần mềm.

Từ đầu năm đến nay Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với C15 tiến hành thanh tra tới 21 doanh nghiệp, phát hiện các vụ vi phạm phần mềm bản quyền khá nghiêm trọng, như trong cuộc kiểm tra vào sáng ngày 11-3-2011 tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Q3, TPHCM), đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra 36 máy tính và phát hiện rất nhiều phần mềm không có bản quyền.

Trước đó, sáng ngày 10-3, lực lượng thanh tra liên ngành đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế và Quản lý dự án Atelier Việt Nam (Q1, TPHCM), đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra 42 máy tính và phát hiện số lượng lớn các phần mềm vi phạm bao gồm: 22 phần mềm AutoCAD, Adobe Acrobat Pro, 19 phần mềm từ điển Lạc Việt và hơn 80 phần mềm của Microsoft. Theo tính toán của chủ sở hữu, số lượng phần mềm vi phạm của Công ty Atelier ước tính lên tới hơn 1 tỷ đồng…

Thực tế cho thấy nhiều vụ sai phạm bản quyền phần mềm được phát hiện, đã được xử lý, tuy nhiên vẫn chưa đạt nhiều kết quả như mong đợi trong cuộc chiến chống phần mềm bản quyền bất hợp pháp. Đại diện thanh tra cho biết: “Mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm BQPM đối với khối người tiêu dùng sẽ thực hiện theo từng bước. Trước tiên là việc tuyên truyền, vận động các nhà cung cấp máy tính tôn trọng BQPM. Tiếp đó, nếu các doanh nghiệp kinh doanh máy tính này vẫn không tự giác chấp hành thì các biện pháp thực thi mạnh tay hơn như thanh kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc sẽ được áp dụng”.

Tập trung vào nhóm máy tính cá nhân

Ông Đào Anh Tuấn, đại diện Liên doanh Phần mềm doanh nghiệp tại Việt Nam, cho biết trong nhiều năm qua, với sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ VH-TT-DL và BSA, cuộc chiến chống lại nạn vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Kết quả thanh tra trong những năm gần đây cho thấy việc tuân thủ pháp luật về bản quyền phần mềm tại khối doanh nghiệp đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại khối người tiêu dùng lại tăng nhanh do tốc độ tăng trưởng nhanh của máy tính cá nhân. Theo điều tra của IDC trong năm 2009, tỷ lệ tăng trưởng khối máy tính cá nhân lên tới 41% và hầu hết các máy tính cá nhân đều cài đặt phần mềm không có bản quyền. “Đó chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam vẫn ở mức cao”, ông Tuấn nói.

Theo ông Hà Thân, Tổng giám đốc Công ty Lạc Việt: Với các công ty sản xuất phần mềm đóng gói như Lạc Việt thì sự siết chặt về BQPM sẽ tác động tích cực ngay tới kết quả kinh doanh. Năm 2009, riêng phần mềm từ điển Lạc Việt đã đem về doanh thu 10 tỷ đồng cho Lạc Việt bằng các hợp đồng với các công ty sản xuất điện thoại và máy tính. Tuy vậy, theo ước tính, năm ngoái từ điển Lạc Việt đã mất khoảng 58 tỷ đồng vì nạn vi phạm BQPM. Ông Hà Thân cho rằng, nếu BQPM được siết chặt hơn sẽ giúp cho các doanh nghiệp phần mềm trong nước thu được lợi nhuận cao hơn, từ đó họ có thể tái đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Có thể nói “đụng đâu dính đó” khi thực tế kiểm tra vi phạm BQPM, cho nên mục tiêu của chiến dịch lần này là đẩy lùi nạn xâm phạm BQPM tại nhóm máy tính cá nhân thông qua việc tuyên truyền cho các đơn vị kinh doanh máy tính và phần mềm về sự cần thiết phải tôn trọng BQPM cũng như các hậu quả mà hành vi xâm phạm BQPM có thể gây ra cũng là một cách làm cần thiết. Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhận định, việc cài đặt sẵn phần mềm không có bản quyền vào máy tính mới để bán cho khách hàng là một hành vi khuyến khích người mua máy tính mới sử dụng phần mềm lậu. Việc này cũng làm cho nhiều khách hàng không biết là họ đã mua phải máy tính đã có cài đặt sẵn phần mềm vi phạm bản quyền.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục