TPHCM đang nỗ lực xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Thế nhưng, tại quận Bình Thạnh, trong các hẻm sâu có rất nhiều xóm trọ nhếch nhác, xây dựng chắp vá bằng các vật liệu dễ cháy.
Cơi nới bằng vật liệu dễ cháy
Xóm trọ trong hẻm 148 đường Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh) luôn bốc mùi ẩm mốc và có nhiều muỗi. Cả khu trọ có hàng trăm phòng cũ kỹ với vài trăm người ở, chỉ có một lối vào duy nhất nhưng rất hẹp. Từ đầu hẻm đi vào là 2 dãy nhà trọ được xây úp mặt vào nhau. Mỗi căn phòng trọ chỉ rộng chừng 7m2. Phía dưới nhìn lên gác là sàn gỗ ọp ẹp, dây điện chồng chéo, xen lẫn với quần áo được phơi phóng la liệt. Hỏi các cư dân rằng ở đây có bình chữa cháy không, mọi người nhìn nhau rồi lắc đầu nói không biết, phải hỏi chủ nhà, nhưng… chủ nhà thì ở nơi khác!
Tại xóm trọ sâu hun hút trong con hẻm 27 đường Điện Biên Phủ (phường 15, quận Bình Thạnh), cư dân chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, buôn bán lặt vặt. Nguyễn Thị Mỏng (sinh viên Đại học Ngoại thương TPHCM) và người bạn cùng quê thuê căn phòng trọ trong hẻm này với giá 700.000 đồng/tháng (bao luôn điện nước). Gọi là phòng trọ, nhưng thực ra chỉ là một khoảnh được cơi nới bằng ván ép trên tầng 1, rộng chừng 5m2, vừa đủ trải chiếc chiếu đôi và để vali quần áo, bếp gas mini nấu ăn. Để lên phòng trọ, phải đi sâu vào phía sau căn nhà, leo lên một chiếc cầu thang nhỏ bằng gỗ. Phòng chỉ có 1 cửa chính rộng 40cm để ra vào, ngoài ra không có cửa sổ, lúc nào cũng tối tăm, ngột ngạt. Bên cạnh đó còn một phòng trọ tương tự, cũng bằng gỗ, nhà vệ sinh sử dụng chung với chủ nhà. Điều thật đáng lo là chủ nhà vẫn cho phép người thuê trọ được nấu ăn bằng bếp gas mini, bất chấp hiểm họa cháy nổ. Thăm các phòng trọ ở các nhà lân cận, thấy hầu hết các phòng trọ đều là dạng cơi nới nhà như vậy để cho thuê có thêm chút thu nhập.
Dãy nhà trọ tại hẻm 27/203 Điện Biên Phủ (phường 15, quận Bình Thạnh) được cơi nới bởi nhiều vật dụng dễ cháy
Cách đó không xa, trong hẻm 27/203 Điện Biên Phủ (phường 15) có gần 20 phòng trọ sơ sài làm bằng nguyên liệu gỗ, bạt nhựa và bao dứa. Do chỉ cần tìm nơi trọ giá rẻ, giá điện nước phải chăng, nên nhiều sinh viên và người lao động từ các tỉnh đến TPHCM mưu sinh không quan tâm vấn đề tiện nghi và an toàn.
Tại quận Bình Thạnh có nhiều khu dân cư trong đường hẻm nhỏ hẹp và sâu hun hút, không an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Chị Hoàng Thúy Hằng ngụ tại khu phố 4, đường Phan Văn Hân (phường 17), lo ngại: “Những dãy nhà trong các hẻm nhỏ được chắp vá tạm bợ bằng đủ loại vật liệu dễ cháy. Vậy mà nhiều người vẫn thản nhiên đun nấu bằng bếp than. Mỗi chiều, họ đem bếp than ra cửa nấu, trong khi tứ bề là vách bằng bao, giấy, nhựa rất dễ cháy. Khu này hẻm nhỏ, chỉ đi lọt 1 chiếc xe máy, nếu chẳng may có hỏa hoạn thì người dân sẽ gặp nguy hiểm”.
Phát hiện sơ sót và khắc phục ngay
Đại tá Nguyễn Văn Quyên, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Thạnh, cũng thừa nhận: “Trên địa bàn quận có nhiều khu nhà trọ và hộ gia đình ngăn phòng cho người lao động, sinh viên ở các tỉnh về thuê mướn. Qua các đợt kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC quận đã phát hiện khá nhiều sơ sót gây mất an toàn PCCC và tổ chức khắc phục ngay. Ngoài việc hướng dẫn cho người dân biết cách phòng ngừa và sử dụng thiết bị, bình chữa cháy, Đoàn TNCS của Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Thạnh đã phối hợp với Điện lực Gia Định tổ chức đi lại đường dây điện, thay thế thiết bị an toàn. Chính quyền địa phương cũng vận động các hộ cho thuê phòng trọ trang bị thêm bình chữa cháy để kịp thời đối phó khi xảy ra cháy. Tính đến thời điểm này, cả thành phố còn 3 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, trong đó có 1 khu dân cư tại quận Bình Thạnh. Đó là tại các tổ 2, 52, 60, khu phố 4, đường Phan Văn Hân (phường 17). Khu vực này có nhiều hẻm sâu, nhỏ hẹp, xe chữa cháy không thể nào tiếp cận được. Tại đó vẫn còn khoảng 30 căn nhà xây dựng tạm bợ bằng vật liệu nhẹ, dễ cháy và đang trong tình trạng mục nát. Có thể nói cả hệ thống chính trị tại phường và quận đã dồn sức để cải tạo, chuyển hóa khu vực này, như cải tạo đường điện, xây dựng bể chứa nước, lắp đặt máy bơm, bình chữa cháy… Năm nào chúng tôi cũng tổ chức diễn tập và hàng tháng đều cử cán bộ xuống địa bàn tổ chức kiểm tra, hướng dẫn bà con cẩn trọng phòng cháy. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên trong nhiều năm qua khu vực này chưa xảy ra sự cố cháy, tuy nhiên, chúng tôi vẫn không được chủ quan, lơ là. Hiện nay thành phố đang thi công và gấp rút hoàn thành việc lắp đặt cống hộp rạch Phan Văn Hân. Khi công trình được đưa vào sử dụng, chúng tôi bớt lo hơn, vì sẽ có đường vào, dễ cơ động, tiếp cận khi có sự cố”.
ĐOÀN HIỆP - THU HƯỜNG