Trong năm 2015, gần 40.000 ha đất nông nghiệp nước ta phải dừng sản xuất do thiếu nước, diện tích cây trồng bị hạn lên tới gần 122.000 ha, cùng hàng chục ngàn người bị thiếu nước sinh hoạt… Tình trạng thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cực đoan này do hiện tượng El Nino gây ra. Dự báo, trên 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài đến hết mùa đông xuân 2015-2016.
Thời tiết diễn biến phức tạp
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, tại khu vực Nam bộ, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 20%-40% so với trung bình nhiều năm vào các tháng đầu mùa khô 2015-2016. Mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ sẽ cao hơn, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ mùa khô năm 2014-2015. Ở các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của mặn từ cuối tháng 11-2015.
Cống đập chống xâm nhập mặn, tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ động thích ứng biến đổi khi hậu tại ĐBSCL. Ảnh Cao Thăng
Đối với khu vực Trung bộ, Tây Nguyên, tính đến ngày 20-10, mực nước hầu hết ở các hồ chứa đều thấp hơn năm 2014 từ 1,5-5m; thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 5-10m. Một số hồ chứa còn thấp hơn nhiều, như tại Cửa Đạt 22,89mm, sông Hinh 12,9m… Bên cạnh đó, nhiệt độ, nắng nóng đang xảy ra trên diện rộng. Nhiệt độ ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ từ tháng 5 đến tháng 9-2015 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 10C. Thống kê nhiều năm của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cho thấy, trong các năm El Nino mạnh, nền nhiệt độ trung bình ở hầu hết các khu vực nước ta có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng. Trong những tháng mùa đông, hiện tượng rét đậm, rét hại thường ít hơn và không kéo dài; mùa mưa đến muộn, kết thúc sớm; tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt ở nhiều khu vực nước ta, nhất là Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng thông tin: Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khả năng xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa đông xuân, xuân hè, cây công nghiệp ngắn ngày, rau màu, làm giảm năng suất hoặc mất trắng do thiếu nước, nhất là các vùng ven biển. Đặc biệt trong năm 2015, do mưa đến muộn khoảng 30 ngày nên một số vùng xuống giống muộn vụ hè thu 2015 dẫn đến khả năng thời kỳ lúa đứng cái - làm đòng. Về nuôi trồng thủy hải sản, nhất là tôm bị thiệt hại hoặc giảm năng suất do không có nguồn nước ngọt pha loãng độ mặn phù hợp, ô nhiễm môi trường tăng, độ mặn quá cao vượt ngưỡng giới hạn của tôm. Tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt cũng xảy ra ở các vùng ven biển, vùng cù lao cửa sông. Bên cạnh đó, ở khu vực miền núi phía Bắc, trung du và đồng bằng Bắc bộ mặc dù có trữ lượng nước tương đối lớn nhưng diện tích phục vụ tưới không lớn, do phần lớn các hồ chứa có diện tích không lớn. Do vậy, các diện tích canh tác lấy nước từ sông, suối (nhờ các đập hồ dâng) hoặc canh tác nhờ nước trời có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước ở vụ đông xuân 2015-2016.
Tiết kiệm từng giọt nước
Hiện tượng El Nino năm 2015 gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Chẳng hạn, tại tỉnh Ninh Thuận, El Nino gây thiệt hại trực tiếp cho gần 6.000 hộ dân, khoảng 2.019 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Còn tại tỉnh Đắk Lắk, El Nino gây thiệt hại cho vụ đông xuân hơn 2.000 tỷ đồng, vụ hè thu 104 tỷ đồng. Theo ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Người dân phải chắt chiu, tiết kiệm từng giọt nước để tưới tiêu cho cây cà phê. Trước đây Tây Nguyên có đủ hai mùa mưa nắng, nhưng giờ đây mùa mưa bị rút ngắn (chỉ còn khoảng 3 tháng), mùa nắng kéo dài, điều này hoàn toàn bất ổn đối với vùng đất chuyên canh cây công nghiệp, nông nghiệp như Tây Nguyên. “Chúng tôi vẫn đùa nhau, ước gì có một vài cơn bão nhỏ nhưng lượng mưa lớn đổ vào Tây Nguyên giúp người dân có nước tưới tiêu cho nông nghiệp thì hay quá. Vì trên thực tế, trữ lượng nước bề mặt và nước ngầm trên địa bàn tỉnh đều khan hiếm. Do thời gian qua mật độ che phủ rừng của tỉnh Đắk Lắk giảm rõ rệt, chỉ còn 39%. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của Trung ương để tăng diện tích rừng, giúp giữ nước, chống hạn hán, phục vụ cho không riêng địa bàn Đắk Lắk nói riêng, mà cả khu vực Tây Nguyên nói chung ”, ông Y Dhăm Ênuôl kiến nghị.
Để ứng phó với hiện tượng El Nino, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, cho rằng, cần phải có những giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn thiết thực, cụ thể. Chẳng hạn, đối với việc bảo đảm cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, cần: thực hiện tăng cường tích trữ nước trong các hồ chứa trên cơ sở theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng - thủy văn. Kiểm tra tổng hợp, cụ thể nguồn nước các hồ chứa, căn cứ thông tin dự báo khí tượng - thủy văn để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý; trong đó ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Đối với ngành chăn nuôi, các địa phương, người dân cần có phương án tăng cường trồng, chế biến cỏ dự trữ (phơi khô, ủ khô); xây dựng chuồng, trại đảm bảo che mát, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ phun thuốc sát trùng diệt vi sinh vật gây bệnh, phát hiện sớm gia súc bị dịch để có biện pháp phòng trừ… ứng phó với biến đổi khí hậu tại TPHCM.
GIA HÂN