Chủ động phòng tránh lũ, sạt lở, trượt đất…

Chủ động phòng tránh lũ, sạt lở, trượt đất…

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu toàn cầu. Các hiện tượng thời tiết thất thường gây mưa lớn, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng trượt lở đất đá, phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng, đe dọa đến an sinh cộng đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hệ thống bản đồ cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt đất đá tại các vùng miền núi, trung du làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững; đồng thời nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các tỉnh miền núi đều đã có bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trên cơ sở kết quả điều tra và sơ bộ đánh giá các điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội của toàn khu vực. Đề án đã khoanh định các vùng nguy hiểm, tiềm ẩn các nguy cơ trượt lở đất đá có thể ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế, giao thông, dân cư và kế hoạch phát triển kinh tế địa phương.

Xây dựng các công trình chống sạt lở đất bảo vệ các khu dân cư dưới chân núi giúp người dân sống an toàn. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… khiến kết cấu địa chất ở khu vực miền núi thay đổi. Có thể lấy các ví dụ: Một bản A, được đồng bào dân tộc sinh sống nhiều đời. Gần đây, do dân số của bản tăng lên, nơi ở đó không còn phù hợp, đồng bào có nhu cầu chuyển đến nơi ở mới rộng hơn. Tuy nhiên, do nhu cầu ở gần nhau nên đồng bào không chuyển đến nơi ở mới do chính quyền địa phương lựa chọn mà lại xây dựng nhà cửa ở gần những khu vực ven đồi, ven suối. Vì vậy, khi mưa lớn, lũ quét xảy ra, họ là những người có nguy cơ nhất.

Một tình trạng nữa, đó là việc người dân ở khu vực miền núi thường làm nhà ngay chân đồi. Điều nguy hiểm ở chỗ, người dân đều muốn đất của mình rộng ra nên họ dùng máy móc đào múc khiến phần đồi ngay sau nhà họ trở nên dựng đứng, mất phần chân thoai thoải mà mỗi khu đồi cần có. Vì vậy khi có mưa lớn, nguy cơ trượt lở gây nguy hiểm là thường trực, các khu đồi, núi sau nhà có thể đổ ụp bất cứ khi nào.

Dù công tác dự báo lũ quét, sạt lở của nước ta được các chuyên gia trong nước và thế giới đánh giá rất cao. Tuy nhiên, do điều kiện kính tế - xã hội rất đặc thù của các địa phương miền núi phía Bắc nên để đối phó với trận sạt lở thường xảy ra bất ngờ, cách tốt nhất là địa phương phải làm tốt công tác phòng tránh.

Cụ thể, các địa phương cần tích hợp được kết quả bản đồ cảnh báo vào trong công tác quy hoạch tại địa phương để phòng ngừa từ xa. Trong việc xây dựng công trình giao thông, nhà ở cho người dân phải hết sức để ý đến sự ổn định của các sườn dốc. Đối với người dân, các chuyên gia khuyến cáo rằng, nước chính là tác nhân nguy hiểm số một gây nên trượt lở đất đá nên người dân sống gần các dòng nước chảy, khối nước trên cao cần sơ tán đến nơi an toàn khi có cảnh báo về nguy cơ trượt lở đất trong mùa mưa.

Đặc biệt, chính quyền cần kiên quyết đối với người dân bằng cách khi có dự báo lũ quét, trượt lở thì dứt khoát phải di dời dân đến vùng an toàn. Và sau cơn lũ, khi nào đảm bảo an toàn thực sự mới cho người dân về dọn dẹp nhà cửa bởi nếu thấy nắng lên người dân về nhà sớm chỉ 1 đến 2 ngày mà đất đai đồi núi chưa ổn định, trượt lở xảy ra thì nguy cơ thiệt hại về người là rất cao.

TS LÊ QUỐC HÙNG,
Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường

HẢI NGỌC - CHÂU TUẤN (ghi)

Tin cùng chuyên mục