Chủ động phòng tránh nguy cơ trẻ em chết đuối

Chủ động phòng tránh nguy cơ trẻ em chết đuối

LTS: Báo SGGP ngày 20-7 có bài “3.500 trẻ em chết đuối hàng năm - Đừng thờ ơ”, đề cập hiểm họa trẻ em bị chết đuối do tắm sông, tắm biển, trượt chân hoặc do chìm ghe, thuyền, trong khi việc phổ cập bơi lội cho học sinh tiểu học còn nhiều bất cập. Nhiều bạn đọc đã góp thêm ý kiến về vấn đề này.

Hiện nay rất ít trường tiểu học có hồ bơi để phổ cập bơi lội cho học sinh.

Hiện nay rất ít trường tiểu học có hồ bơi để phổ cập bơi lội cho học sinh.

  • Dạy trẻ bơi, chẳng lẽ quá khó?

Theo Liên đoàn Cứu sinh Quốc tế, tỷ lệ trẻ em chết đuối ở Việt Nam cao gấp 2-3 lần so với tỷ lệ bình quân trên thế giới. Đó là điều đáng báo động. Trong khi học sinh các nước đều được dạy bơi từ nhỏ, ở nước ta vẫn chưa xem đây là môn học bắt buộc, cần thiết. Đã có rất nhiều cuộc hội thảo của các ngành chức năng liên quan về hiểm họa trẻ em chết đuối và đề ra những giải pháp hạn chế.

Thế nhưng, dù đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, phòng tránh, những năm gần đây con số trẻ em bị chết đuối vẫn không giảm, thậm chí năm sau luôn cao hơn năm trước. Gốc rễ của vấn đề là chúng ta chỉ mới xới các biện pháp trên giấy, còn thực tế phải đầu tư dạy bơi, trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng phòng tránh, sơ cấp cứu người bị nạn… chưa được quan tâm đúng mức.

Thật không thể tin được ở những vùng nông thôn có nhiều sông suối, ao hồ… nhưng hầu như học sinh không được học bơi và các kỹ năng phòng tránh tai nạn sông nước, sơ cứu người ngạt nước. Ngành giáo dục nên dành thêm thời lượng cho môn học quan trọng này để tất cả học sinh tiểu học đều được học bơi. Cái khó hiện nay là rất ít trường học hội đủ cơ sở vật chất đạt chuẩn, trong đó có hồ bơi.

Cũng không nhất thiết phải đầu tư xây dựng hồ bơi tại trường học vì thiếu mặt bằng, kinh phí duy trì bảo dưỡng. Cách hay nhất là phối hợp với các cơ sở có hồ bơi và thuê huấn luyện viên chuyên nghiệp dạy. Như thế kinh phí dành cho khoản phổ cập bơi lội này phải nằm trong chi phí thường xuyên của nhà trường.

Phước Thanh (quận 12, TPHCM)

  • Kinh nghiệm cho trẻ tập bơi

Ở các vùng quê và vùng ven nhiều sông suối, ao vũng, việc tập bơi cho trẻ em là hành động tích cực, hiệu quả nhất để phòng tránh nguy cơ trẻ em chết đuối. Tôi có một kinh nghiệm tập cho trẻ bơi với các cọc cắm dưới nước, từng tập cho con em mình bơi khi mới 5-6 tuổi, hiệu quả nhanh chóng sau vài ngày tập, xin chia sẻ cùng các bậc phụ huynh vùng sông nước tham khảo, vận dụng tập cho con em.

Nguyên tắc bắt buộc của phương pháp này là phải có người lớn luôn kèm bên trẻ cho đến khi trẻ bơi lội giỏi, để khi trẻ tập đạp phóng và lội từ cọc này sang cọc khác có quá đà thì kịp thời giúp đỡ. Nên hướng dẫn để trẻ tự ôm cọc, biết chủ động tự nín thở rồi lặn ngập đầu và lặn sâu xuống nước tại chỗ cho quen, trẻ sẽ dạn dĩ và cố gắng tập.

Trước lúc tập, người lớn chỉ cần dùng tay đỡ ngực, chỉ cho trẻ điều tiết hơi thở để tự nổi dần, tự tập bơi tới bằng tay, chân đạp nước. Khi đã nhuần nhuyễn thì mới cho tự ôm cọc đạp từ cọc này sang cọc khác, khoảng cách xa dần theo khả năng bơi tới của trẻ cho đến khi lội giỏi không cần cọc.

Chỉ cần dùng cọc bằng tre, trúc hay thứ cây gì vừa tay trẻ nắm, cắm chặt xuống đáy, nhô khỏi mặt nước 50 - 70cm, cọc đầu tiên cách cọc kế tiếp từ 1,5 - 2 lần tay với của trẻ, những cây sau nới xa dần ra theo khả năng lội tới của trẻ. Tập bơi với các cọc như thế này, trẻ biết bơi nhanh hơn tập với áo phao, bè chuối, can nhựa...

Ở vùng sâu, vùng xa, nếu cứ trông chờ ngành giáo dục phổ cập bơi lội cho học sinh trong điều kiện rất thiếu hồ bơi đạt chuẩn và không đủ thầy hướng dẫn, e chậm mất! Mỗi phụ huynh hãy chủ động dạy cho con em mình biết bơi.

Nguyễn Văn Thước (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau)

Tin cùng chuyên mục