Trước tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng trên sông Sài Gòn - Đồng Nai và ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của người dân, các đơn vị liên quan hiện đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Tình trạng xâm nhập mặn đang tăng cao trên sông Sài Gòn ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ảnh: HUY ANH
Mặn tấn công nguồn nước TPHCM
Những năm gần đây, tình trạng mặn xâm nhập nguồn nước mặt cung cấp cho TPHCM, từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, ngày một gia tăng khiến các chỉ tiêu hữu cơ, vi sinh… đã vượt quy chuẩn chất lượng nước mặt dùng cho sản xuất và sinh hoạt. Chưa đến 2 tháng, hồ Dầu Tiếng đã phải xả nước 4 lần để chống xâm nhập mặn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế vì nước trong các kênh, hồ đang cạn dần do hạn hán. Dự báo, El Nino sẽ còn kéo dài đến tháng 5 nên TPHCM vẫn còn phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nước sinh hoạt.
Theo số liệu quan trắc đo được của Sở NN-PTNT TPHCM, từ ngày 8 đến 14-3, tại mũi Nhà Bè trên sông Đồng Nai, độ mặn cao nhất 13,67%0, cao hơn năm 2015 là 9,04%0; tại Thủ Thiêm trên sông Sài Gòn là 6,27%0, cao gấp đôi so với 2015; tại khu vực huyện Bình Chánh, độ mặn cũng tương đương mũi Nhà Bè. Trong khi đó, nguồn nước được cho là “cứu tinh” để đẩy mặn là hồ Dầu Tiếng, mặc dù đã xả nhiều lần nhưng cũng không thấm vào đâu. Tính đến ngày 15-12-2015, hồ này tích được 1.282 triệu m³ nước, mực nước thấp hơn năm 2014 là 1,28m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 1,40m, thiếu hụt khoảng 300m³ nước. Đến ngày 21-3 năm nay, hồ Dầu Tiếng chỉ còn tích được 789,67m³.
Trước thực trạng thiếu hụt nguồn nước, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Long An cùng cam kết thực hiện chặt chẽ các giải pháp tiết kiệm, tưới có kiểm soát nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân trên địa bàn thành phố với diện tích 23.397,7ha, trong đó, diện tích trồng lúa 4.562 ha, cây trồng khác 18.835ha. Tuy nhiên, hiện nay khoảng 300ha diện tích nuôi trồng thủy sản tại xã Tân Nhựt, xã Phong Phú, thuộc huyện Bình Chánh đã bị mặn xâm nhập.
Mặn xâm nhập không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu người dân trên địa bàn thành phố. Mặn xâm nhập tăng cao khiến nhiều nhà máy nước lấy nước thô từ sông Sài Gòn phải ngừng lấy nước nhiều đợt.
Lấy nước trực tiếp từ các hồ
Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty Dịch vụ Thủy lợi TPHCM cho biết, TPHCM không có lượng nước tích trữ riêng, không có hồ, đập, toàn bộ nguồn nước thành phố đang sử dụng chảy về từ các địa phương khác qua hệ thống các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ Đông. Ngành thủy lợi thành phố phối hợp với ngành cấp nước sạch vừa trình UBND TPHCM xem xét triển khai dự án xây dựng hồ tích trữ nước thô, với nhiệm vụ trữ nước trong mùa mưa để giảm lũ, điều tiết nước cho tưới tiêu, ưu tiên cấp nước thô cho các nhà máy nước sạch trong mùa khô… Theo ông Đam, hồ điều tiết này dự kiến có quy mô trên 400ha, có khả năng chứa trên 20 triệu m³ nước, vị trí xây dựng hồ nằm ở khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn.
Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hiện Sawaco đã có kết quả khảo sát, đề xuất ban đầu từ các chuyên gia Hà Lan cho phương án xây hồ trữ nước nói trên. Vị trí xây hồ chứa theo đề xuất ban đầu của các chuyên gia dự kiến nằm tại huyện Củ Chi, có thể dự trữ nước bổ sung nguồn nước thô thiếu hụt cho thành phố trong vòng 3 tháng. Việc xây hồ tích trữ nước thô cho TPHCM xem ra cần sớm triển khai thực hiện bởi hiện tượng El Nino đang gây hạn hán, tác động nghiêm trọng đến nguồn nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, gây thiếu nước, xâm nhập mặn. Hoạt động sản xuất của hàng loạt nhà máy nước sạch đang gặp nhiều khó khăn.
Giải pháp cứu các nhà máy nước sạch lâu nay là dùng nước thượng nguồn từ hồ Dầu Tiếng xả về hạ nguồn, nhưng hiện nay lượng nước tích trữ hồ Dầu Tiếng đang ở mực nước “chết”, chỉ còn khoảng 789,67m³, tương đương 76% mức trung bình nhiều năm và kể cả hồ Trị An trên sông Đồng Nai hiện cũng chỉ trữ đạt 80% so với trung bình hàng năm. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc TPHCM tìm nguồn nước tích trữ từ tr ên thượng nguồn như hồ Dầu Tiếng và tính đến phương án lấy nước trực tiếp từ các hồ về các nhà máy nước nhằm trách thất thoát cũng như chủ động được nguồn nước thô.
| |
QUỐC HÙNG