
Ngành điện đã cảnh báo, năm 2006 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 770 triệu kWh điện của Trung Quốc, nhưng từ tháng 3 đến tháng 6, chúng ta vẫn bị thiếu hụt ít nhất từ 262 triệu kWh đến 399 triệu kWh. Để ứng phó tình hình trên, nhiều doanh nghiệp và các hộ gia đình tại TPHCM đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ nhằm giảm thiểu tối đa nhu cầu sử dụng điện.
Ông Trần Hùng Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho biết, công ty hiện đang có 15 khách sạn hoạt động với công suất trung bình đạt 80%. Do các khách sạn được đầu tư xây dựng từ lâu nên phần lớn các trang thiết bị phục vụ chiếu sáng, hệ thống máy lạnh, tắm nước nóng là những thiết bị công nghệ cũ - mỗi năm tiêu tốn hàng tỷ đồng tiền điện, muốn thay thế bằng thiết bị tiết kiệm năng lượng đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn.

Vận hành bộ biến tần điều khiển hệ thống lạnh tại khách sạn Palace. Ảnh: Cao Thăng
Do đó, từ cuối năm 2003, một mặt công ty vừa thay thế dần các thiết bị tiêu hao ít năng lượng, mặt khác phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố triển khai thực hiện kiểm toán năng lượng, tập huấn cho nhân viên quản lý hiệu quả các thiết bị sử dụng điện.
Kết quả thực hiện sau 2 năm cho thấy, mặc dù số lượng du khách tăng 15%-50% nhưng suất tiêu thụ điện tại các đơn vị lại giảm từ 5%-10%, tiết kiệm hơn 1 triệu kWh điện, tương đương khoảng 2 tỷ đồng. Sức tiêu thụ nước giảm khoảng 15%, tiết kiệm gần 12.500m3 nước, trị giá 100 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị cũng giảm khoảng 160 triệu đồng từ chi phí giặt ủi do giảm tần suất thay khăn và drap giường…
Tương tự, Khách sạn Sài Gòn đã cho cải tạo lại mặt bằng sân thượng, thay thế hệ thống máy làm nóng nước bằng điện sang máy làm nóng nước sử dụng năng lượng mặt trời. Sự thay đổi trên giúp khách sạn tiết kiệm khoảng gần 200 triệu đồng/năm chi phí tiền điện.
Còn Công ty Sản xuất và Kinh doanh Dụng cụ Thể thao tiến hành lắp đặt một bộ thu hồi nhiệt khói thải lò hơi 2,5tấn/giờ nhằm tận thu lại nhiệt từ khói thải để gia nhiệt thêm cho dầu FO trước khi đưa vào lò đốt. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm công ty có thể tiết kiệm 15.000 kWh, tương đương 13.000.000 VND và giảm 11,5 tấn khí CO2. Tổng số vốn đầu tư lắp đặt bộ phận này chỉ mất 9 triệu đồng, số tiền tiết kiệm được giúp công ty hoàn vốn đầu tư chỉ trong 8 tháng.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố cho biết, từ đầu năm 2005 đến nay, đơn vị đã tiến hành khảo sát, tư vấn, tập huấn tiết kiệm năng lượng cho hơn 70 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như khách sạn, dệt may, luyện thép, bao bì nhựa và thủy tinh, chế tạo máy, bóng đèn, chế biến hải sản...
Thực trạng chung là việc sử dụng điện năng còn rất lãng phí; còn trong ngành dệt nhuộm, điện năng sử dụng cho lò hơi là rất lớn. Nếu đầu tư một số công nghệ như dàn gia nhiệt, dàn trao đổi nhiệt để tận dụng lại nhiệt lượng sinh ra trong quá trình sản xuất gia nhiệt cho nước dệt nhuộm, dầu FO trước khi đưa vào lò đốt, sẽ giảm đáng kể lượng điện sử dụng…
Còn theo bà Dương Thị Thanh Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nhiệt và năng lượng mới thì việc sử dụng thiết bị tiết kiệm điện hoặc năng lượng thay thế đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều hộ gia đình ở TPHCM và các tỉnh lân cận. Chỉ tính từ đầu năm 2005 đến nay, đơn vị đã lắp đặt hơn 150 máy tắm nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình, hệ thống sử dụng năng lượng gió làm thành điện hay xạc bình ắc quy…
Việc lắp đặt các công nghệ mới này không ảnh hưởng đến năng suất, chi phí đầu tư thấp,tiết kiệm được chi phí tiền điện nhưng trên thực tế số lượng doanh nghiệp ứng dụng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp thiếu chủ động trong việc tiếp cận thông tin, tâm lý sợ phát sinh chi phí đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đơn vị và hộ gia đình nào đầu tư các thiết bị phụ trợ hoặc thay đổi công nghệ mới đều mang lại hiệu quả kinh tế. Đây là điều mà các doanh nghiệp cần cân nhắc để tính toán trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt và tình trạng thiếu điện còn diễn ra lâu dài.
ÁI VÂN