LTS: Trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông ở nước ta vẫn liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, cho thấy việc vận chuyển hành khách đang rất thiếu an toàn. Bạn đọc đã có nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp bảo đảm an toàn vận chuyển hành khách.
- Hiểm họa từ sự bất cẩn
Liên tục trong những tháng gần đây đã xảy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc do tài xế xe tải, container gây nên, nhiều vụ tài xế xe khách bất cẩn cố vượt đường ray nên bị xe lửa tông khiến nhiều người tử vong. Có nhiều vụ TNGT xảy ra do tài xế ngủ gật, như trường hợp một người bị chết khi đi hợp tác lao động ở nước ngoài, thi hài được đưa bằng xe cấp cứu từ sân bay Nội Bài về nhà, trên đường vận chuyển chiếc xe này tông một xe tải, làm có thêm 4 người chết, nguyên nhân là do tài xế buồn ngủ, muốn dừng xe nghỉ chốc lát nhưng người nhà của người chết yêu cầu tiếp tục chạy nên tai nạn xảy ra.
Qua kết quả điều tra các vụ TNGT, lỗi do tài xế gây ra có nguyên nhân phổ biến nhất thường do tài xế mất ngủ, phải tranh thủ chạy xe suốt nhiều giờ không nghỉ. Mà khi có thời gian nghỉ, cánh tài xế thường thức tụ tập đánh bài, nhậu nhẹt, có người còn sử dụng ma túy, nên không đảm bảo sức khỏe khi điều khiển xe, tai nạn ắt sẽ xảy ra.
Việc không khó mua được giấy phép lái xe giả đã dẫn đến vấn nạn có không ít tài xế chưa lái xe rành rẽ và chưa thông hiểu Luật Giao thông đường bộ. Qua lời khai của người sử dụng giấy phép lái xe giả và các “cò” chuyên chạy chọt mua bán giấy phép lái xe giả, giá giấy phép lái xe giả dao động từ 13 đến 18 triệu đồng. Đã đến lúc ngành giao thông vận tải phải có biện pháp chấn chỉnh đạo đức của giới tài xế để hạn chế tối đa tai nạn giao thông xảy ra mà lỗi do thiếu ý thức, chủ quan của con người.
Trần Văn Tám (Củ Chi, TPHCM)
- TNGT đường sắt đáng lo ngại
Các vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng cũng làm chết nhiều người, thường là người điều khiển xe gắn máy, ô tô cố tình vượt qua rào chắn dân sinh, hoặc lơ là không quan sát khi tàu sắp đến. Không thể chấp nhận hành động vi phạm luật giao thông và trái đạo đức của tài xế khi đang chở khách trên xe lại ngủ gật hoặc vừa lái xe vừa nghe điện thoại, hoặc cố tình phóng nhanh vượt ẩu qua đường ngang dân sinh để rồi gây ra tai nạn thảm khốc, kinh hoàng. Bên cạnh đó, có một thực tế ngành đường sắt cần phải lưu tâm, đó là sự lạc hậu, cũ kỹ, xuống cấp của các phương tiện bảo vệ đường dân sinh. Đang có rất nhiều đường ngang dân sinh tại các địa phương không có gác chắn, không có tín hiệu hoặc có tín hiệu nhưng không có tác dụng khi tàu đi ngang qua. Tại nhiều đường ngang dân sinh, gác chắn chỉ là những thanh tre, thanh gỗ do dân tự tạo.
Để hạn chế TNGT đường sắt, cần phải nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cũng như đạo đức của những người tham gia giao thông gần đường sắt. Trong đó không thể không nói đến trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua, cần thiết phải có những biện pháp chấn chỉnh, hành động kịp thời để hạn chế đến mức thấp nhất TNGT đường sắt.
Nguyễn Đước (Quận 5, TPHCM)
- Nâng cao ý thức trách nhiệm
Tình trạng TNGT đường bộ vẫn xảy ra với mức cao có nguyên nhân trực tiếp là do các nhà xe, tài xế thiếu tôn trọng pháp luật về giao thông đường bộ. Các lỗi cơ bản nhất vẫn là các nhà xe chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành các quy định, biển báo để giành khách, tài xế lái xe liên tục nhiều giờ (theo quy định, tài xế làm việc không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ). Ngoài ra, tình trạng chất lượng của xe khách không đảm bảo cũng là một trong các nguyên nhân xảy ra TNGT. Hiện nay, do có những quy định nghiêm về việc kiểm định xe nên các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải hành khách đã quan tâm đầu tư các phương tiện vận chuyển hành khách ngày càng hiện đại. Tuy vậy vẫn còn một số không nhỏ xe dù, xe kém chất lượng, không thường xuyên duy tu bảo dưỡng nhưng vẫn “qua mặt” được các cơ quan kiểm định, do vậy đã xảy ra những TNGT vì các sự cố kỹ thuật.
Còn có một nguyên nhân khách quan khác rất quan trọng là sự thiếu kiên quyết của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trong việc xử lý các vi phạm. Đảm bảo lưu thông an toàn thông suốt trên các tuyến đường là một công việc vất vả và nặng nhọc. Tuy lực lượng CSGT đã tổ chức các trạm, chốt, tổ tuần tra, kiểm soát để đảm bảo lưu thông, nhưng cũng có lúc, có nơi vẫn còn những cá nhân, đơn vị làm chưa đúng chức trách, thậm chí nhận “tiền mãi lộ” khiến các tài xế xem thường pháp luật.
Từ thực trạng đó, để giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường bộ, cần phải nâng cao ý thức của các đơn vị vận chuyển hành khách và nâng cao trách nhiệm của lực lượng CSGT, kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật của các tài xế, chủ xe. Mặt khác, ngành giao thông phải tăng cường kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường để đảm bảo an toàn. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về vận tải hành khách, kiểm tra xử lý các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách vi phạm an toàn giao thông, nâng cao chất lượng kiểm định các loại xe vận tải hành khách.
Huỳnh Đắc Nhất (Quận 5, TPHCM)