Có lần, mới 4 giờ 30 sáng, tôi ra đầu ngõ đón xe đi công tác, đã thấy 6 - 7 thiếu niên ngồi nhậu ở vỉa hè, có cả con gái nữa. Tôi ngạc nhiên, hỏi ra mới biết các cháu đã ngồi đó nhậu từ nửa đêm. Rõ ràng đang có tình trạng nhiều phụ huynh thờ ơ vai trò quản lý giáo dục của gia đình đối với con cái. Ngoài xã hội, về đêm đang có nhiều sinh hoạt không lành mạnh. Con cái ra đường tụ tập nhậu từ khuya đến sáng, đàn đúm đua xe, cha mẹ có biết không? Trong khi đó, nội dung chương trình giáo dục đạo đức và pháp luật của nhà trường còn nhiều hạn chế, chưa xuyên suốt, hoàn chỉnh từ mầm non đến phổ thông. Khi đánh nhau, đâm nhau, nhiều bạn trẻ không cần biết hệ lụy sẽ ra sao, vì thiếu văn hóa ứng xử và thiếu hiểu biết pháp luật. Cũng cần nói thêm, trường học nào cũng nêu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng do chương trình học quá tải, nên phải dồn sức “học văn” nhiều hơn, không còn thời gian “học lễ”.
Giải pháp cho vấn đề xã hội này, theo tôi, nên bắt đầu từ những điều đơn giản, thiết thực. Gia đình và xã hội nên hết sức quan tâm tạo thêm nhiều việc làm cho giới trẻ. Có đi làm mới không lâm vào cảnh “nhàn cư vi bất thiện”. Ngành giáo dục nên tăng cường giáo dục kỹ năng sống và giao tiếp cho học sinh. Trường tôi đã tổ chức nhiều buổi ngoại khóa, mời các tiến sĩ tâm lý, nhà giáo đến nói chuyện trao đổi với học sinh về cách ứng xử từ trong nhà ra ngoài đường. Tôi thấy cách này “thấm” lắm. Giáo dục đạo đức phải đa dạng, sinh động. Phải giảm tải chương trình giáo dục hiện nay để dành thêm tiết cho giáo dục đạo đức, rèn nhân cách qua các hoạt động ngoại khóa. Nhà trường tăng cường giáo dục đạo đức thì gia đình phải chung tay góp sức. Sinh hoạt tổ dân phố phải đưa chuyện này ra bàn, để từng gia đình đều có ý thức và trách nhiệm giáo dục con cái. Có như vậy mới góp phần hình thành và phát triển nhân cách, giúp giới trẻ có lối ứng xử đẹp khi giao tiếp với cộng đồng.
NGUYỄN ĐẶNG HƯƠNG
Hiệu trưởng Trường THCS Bàn Cờ (quận 3, TPHCM)