Việc giải ngân của các địa phương cũng rất khó khăn. Trong 5 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân mới bằng 1,73% dự toán. Đáng lưu ý, trong 63 tỉnh, thành phố có đến 37 địa phương chưa giải ngân vốn.
Nguyên nhân của sự chậm trễ này do nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, thậm chí chưa hoàn thành thủ tục đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay nhưng đã được bố trí vốn; dự án đã được bố trí vốn, hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai việc sẵn sàng cho đầu tư (như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư); nhiều dự án vướng mắc trong khâu đấu thầu, chưa phê duyệt hợp đồng; dịch Covid-19 làm chậm tiến độ giải ngân của các địa phương bởi nhiều hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi gắn với nhập máy móc, thiết bị và huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu, tư vấn giám sát; ban quản lý dự án còn yếu kém, chưa có nhiều kinh nghiệm; các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn nước ngoài khi có điều chỉnh về chủ trương đầu tư, hiệp định vay, tỷ lệ thanh toán ngoại tệ/nội tệ thủ tục phức tạp hơn dự án sử dụng vốn đầu tư trong nước…
Tương tự, thời điểm này của năm 2020, việc giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài cũng khá chậm, tuy nhiên tỷ lệ vẫn cao hơn hiện nay. Cụ thể, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 24-6-2020, các bộ ngành giải ngân đạt trên 15% dự toán; địa phương giải ngân đạt gần 12%. Tuy nhiên, năm 2020, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các đoàn công tác, giải ngân đầu tư công, trong đó có giải ngân nguồn vốn nước ngoài vẫn trở thành điểm sáng kinh tế năm 2020.
Về vốn đầu tư công nói chung, theo Bộ KH-ĐT, tiến độ giải ngân cũng chậm. Đến hết tháng 5, các bộ ngành, địa phương mới giải ngân được 102.000 tỷ đồng, đạt hơn 22% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 là gần 26%).
Có 7 bộ ngành và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn 40%; có 13 bộ ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn… Bộ KH-ĐT dự báo, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt gần 35%).
Đầu tư công là một trong ba trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021 (bên cạnh xuất khẩu và tiêu dùng). Do đó, giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài chậm sẽ là một thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Việc chậm giải ngân sẽ gây ảnh hưởng đến đóng góp của động lực này cho phát triển kinh tế.
Trong khi đó, việc giải ngân đầu tư công càng đóng vai trò quan trọng khi dịch Covid-19 đã xuất hiện ở nhiều địa phương và xâm nhập vào các trung tâm sản xuất. Việc giải ngân chậm sẽ khiến chất lượng thực hiện dự án bị ảnh hưởng cũng như chất lượng hiệu quả sử dụng vốn vay.
Nguyên nhân của sự chậm trễ bên cạnh yếu tố khách quan là dịch Covid-19 thì nguyên nhân chính vẫn là yếu tố chủ quan như nhận định của lãnh đạo Bộ Tài chính. Do đó, theo các chuyên gia, cần thiết phải quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc để giải ngân chậm; điều chuyển vốn từ các bộ ngành, địa phương không giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân ở nơi khác…
Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cần quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư triển khai thực hiện và sát sao, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh; thường xuyên họp giao ban để xem xét các nguyên nhân làm chậm giải ngân, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm cán bộ lãnh đạo, cá nhân liên quan; tăng cường vai trò của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Nếu những biện pháp này được triển khai quyết liệt thì mới giải quyết được tình trạng đầu năm đủng đỉnh, chậm chạp để rồi tạo sức ép giải ngân căng thẳng vào cuối năm.