Chưa chốt được phương án tăng lương tối thiểu cho người lao động

Sau 1 ngày họp bàn, tranh luận căng thẳng,  chiều 5-8, Hội đồng tiền lương quốc gia vẫn chưa thể chốt được phương án tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động năm 2016.
Chưa chốt được phương án tăng lương tối thiểu cho người lao động

(SGGP).- Sau 1 ngày họp bàn, tranh luận căng thẳng,  chiều 5-8, Hội đồng tiền lương quốc gia vẫn chưa thể chốt được phương án tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động năm 2016.

Ngay sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân, cho biết, hội đồng bao gồm các thành viên của Bộ LĐTB-XH (đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho những người lao động), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI (đại diện cho giới sử dụng lao động) và Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam đã không thể tìm được tiếng nói chung do chưa thống nhất về mức tăng được đề xuất.

Sản xuất bóng đèn compact xuất khẩu tại Công ty CP bóng đèn Điện Quang. Ảnh: CAO THĂNG

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, đại diện VCCI đã đưa ra mức tăng là 7,2% tương đương với mức bình quân tối đa là 250.000 đồng nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị mức tăng 16,8%, tương đương 350.000-550.000 đồng.

Ông Phạm Minh Huân nhận xét, những phương án mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra hoàn toàn hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhưng các doanh nghiệp cũng đang chịu nhiều áp lực trong bối cảnh cạnh tranh, sản xuất gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tăng hơn. Đặc biệt là, ngoài mức lương tối thiểu tăng, các doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực từ chính sách bảo hiểm xã hội có sự thay đổi, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2016, theo cách tính mới làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Sau 1 ngày phân tích, bàn bạc... cuối cùng giữa các bên đã có điều chỉnh, phía VCCI đề xuất nâng mức tăng từ 7,2% như đưa ra ban đầu lên 10% nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn chưa nhất trí, vì cho rằng mức tăng như vậy còn thấp. “Tôi là chủ tịch hội đồng mặc dù cố gắng điều hành để các bên có thể đưa đến một phương án gần nhau hơn nhưng đến phút cuối, đại diện phía người sử dụng lao động đã quyết định tạm dừng thông qua” - ông Phạm Minh Huân cho biết.

Dự kiến phải sau khoảng nửa tháng nữa cuộc họp mới được nối lại để bộ phận kỹ thuật, các bên xem xét, phân tích các yếu tố, căn cứ xác định phương án cũng như tác động của việc tăng lương tối thiểu.

Ông Phạm Minh Huân cho biết cũng chưa chắc chắn cuộc họp lần sau sẽ có kết quả về chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động theo lộ trình năm 2016. “Tuy nhiên, trong trường hợp giữa các bên không thể đưa ra được tiếng nói chung sau nhiều cuộc họp thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ phải quyết định lựa chọn phương án cuối cùng”- ông Phạm Minh Huân nói.

Từ chối đưa ra mức đề nghị về tiền lương tối thiểu cho năm 2016 với tư cách là Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, song ông Phạm Minh Huân cho rằng, mức hợp lý nhất để chốt là trên 10% có thể sẽ tìm được tiếng nói chung giữa các bên trong hội đồng tiền lương.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phân tích: “Chúng tôi không đồng ý với mức đề xuất của phía sử dụng lao động vì mức tăng là quá thấp. Như năm 2014 đề xuất và chốt phương án tăng lương tối thiểu cho năm 2015 mặc dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn đảm bảo tăng và không có ảnh hưởng. Năm nay kinh tế đã khởi sắc hơn nên chúng tôi đề nghị mức tăng ít nhất phải bằng năm ngoái, mà chỉ tăng bằng mức năm 2014 cũng đã là giảm so với thực tế rồi. Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại 60 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp (chủ yếu là FDI) đều cho rằng việc tăng mức lương tối thiểu năm 2015 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục