Chưa đồng tình sửa đổi nhiều nội dung về bảo hiểm xã hội

(SGGPO).- Thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng nay, 29-5, nhiều ý kiến tại tổ ĐBQH TPHCM còn rất phân vân về nhiều nội dung.
Chưa đồng tình sửa đổi nhiều nội dung về bảo hiểm xã hội

(SGGPO).- Thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng nay, 29-5, nhiều ý kiến tại tổ ĐBQH TPHCM còn rất phân vân về nhiều nội dung.

Đại biểu Trần Thanh Hải nhận xét: “Để ngăn ngừa vỡ quỹ bảo hiểm lại chất thêm gánh nặng lên vai người lao động là không thích hợp”.

Đại biểu Trần Thanh Hải

Đại biểu Trần Thanh Hải

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh chia sẻ quan điểm này, ông nói: “Cuộc sống ngày càng phát triển, xã hội văn minh, pháp luật tiến bộ hơn nhưng dự thảo luật BHXH lại thấy… kém đi. Tôi cho rằng việc vỡ quỹ là do quản lý chứ không phải do người đóng, không phải do người hưởng nhiều. Chi phí cho đội ngũ làm bảo hiểm xã hội lên tới 3-4% tổng quỹ là quá lớn”. Vẫn theo ông Ánh, giải pháp quan trọng nhất hiện này là khắc phục cho được tình trạng nợ đọng bảo hiểm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nhận xét, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. “Dường như ở ta vẫn có sự nương tay, chưa xử lý nghiêm việc này. Luật phải ghi rõ một số điều cấm, phải quản lý quỹ chặt chẽ, tránh đem đi đầu tư rồi gây thiệt hại”, ông Trương Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Liên quan đến quy định của dự thảo Luật về xử lý vi phạm liên quan đến bảo hiểm xã hội, vẫn ông Huỳnh Ngọc Ánh nêu vấn đề: “Công đoàn có quyền khởi kiện để đòi quyền lợi của người lao động, nhưng liệu công đoàn có dám kiện giám đốc (người sử dụng lao động) hay không?".

ĐB Ngô Ngọc Bình thì cho rằng, việc mở rộng đối tượng điều chỉnh bao gồm cả lao động có hợp đồng làm việc 3 tháng là không hợp lý.

Không nên nâng tuổi nghỉ hưu, bởi Bộ Luật Lao động vừa được sửa đổi đã quy định rõ về vấn đề này, sau khi có sự cân nhắc kỹ - đó là quan điểm của đại biểu Lê Trọng Sang. ĐB Trần Du Lịch tán thành và lưu ý thêm rằng, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu còn ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, bởi số người có nhu cầu có việc làm mới mỗi năm lên tới khoảng 1,5 triệu người...

“So sánh với các nước khác thì phải phân tích cả số giờ lao động, năng suất lao động, thu nhập… mới có thể đưa ra kết luận đúng đắn được. Tôi cho gốc rễ của vấn đề ở đây là chúng ta đang làm ít mà mong hưởng nhiều, bộ máy cán bộ công chức thì ngày càng phình ra, lương tăng nhanh hơn năng suất lao động”, ông Trần Du Lịch thẳng thắn.  

Theo ông Trần Du Lịch: Cần xây dựng quy chế quản lý tài chính đối với Quỹ bảo hiểm xã hội chặt chẽ hơn, minh bạch hóa chi phí quản lý quỹ lên tới 3,5% tổng quỹ là cao hay thấp, từ đó có giải pháp phù hợp.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục