Luật Cạnh tranh
Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp (DN) không thể tự bảo vệ sản phẩm của mình trước hàng ngoại nhập vì Luật Cạnh tranh đang bị chồng chéo và không rõ ràng. Còn trên thị trường thế giới, DN Việt Nam lại phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện phòng vệ thương mại. Điều đáng nói, những nỗ lực từ phía chính sách nhằm hỗ trợ DN tăng cường khả năng tự vệ còn rất yếu.
Nguy cơ bị kiện chùm và kiện domino
Không chỉ riêng Mỹ và châu Âu, tại một số thị trường mới và tiềm năng như Canada, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Australia, Philippines…, DN Việt Nam đều đang phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Bà Phạm Hương Giang, Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), cho biết trung bình mỗi tháng, DN nước ta gặp 1 vụ kiện phòng vệ thương mại trên thị trường thế giới. Tính cho đến nay, DN Việt Nam đang phải đối mặt với 56 vụ kiện. Điểm nhắm của các vụ kiện tập trung vào những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cụ thể, sản phẩm lốp xe, tôn lạnh, thủy sản, thép các loại, nhựa, dệt may, giày dép, đèn huỳnh quang, gỗ… Và dù là thắng hay thua trong vụ kiện, DN Việt Nam đều bị tổn thất rất nặng nề.
Trường hợp để thắng, DN phải tiêu tốn khoản kinh phí không nhỏ để đeo đuổi vụ kiện và thuê luật sư quốc tế. Còn trường hợp thua thì DN không chỉ bị mất thị trường mà còn ảnh hưởng chung đến các DN cùng ngành. Bà Phạm Hương Giang nhấn mạnh, lo ngại nhất của các DN hiện nay là đối mặt với tình trạng kiện chùm - đơn kiện đồng thời nhiều nước hoặc kiện domino theo kiểu nước này kiện thì nước khác cũng theo đó đi kiện. Hiện thời hạn sản phẩm của DN thua kiện bị áp thuế 5 năm, chưa tính thời gian gia hạn áp thuế. Điều này sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh, kim ngạch xuất khẩu, kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng. Trường hợp DN bị buộc phải thay đổi thị trường thì vẫn có nguy cơ bị đối mặt với những vụ kiện mới hoặc bị ép giá…
Đèn huỳnh quang sản xuất trong nước đã từng bị kiện phá giá (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Ảnh: Cao Thăng
Vấn đề đáng nói là tỷ lệ thắng kiện của DN nước ta trong các vụ kiện phòng vệ thương mại lại rất thấp. Chỉ tính riêng 5 vụ kiện chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ, có 4 vụ là DN nước ta bị xử thua và đang bị áp mức thuế chống bán phá giá rất cao, lên đến vài chục phần trăm. Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, trong bối cảnh quá trình tự do hóa thương mại ngày càng sâu rộng, các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan được dỡ bỏ thì chủ nghĩa bảo hộ thương mại có xu hướng ngày càng tăng.
Rối rắm với phòng vệ thương mại trong nước
Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Tôn Hoa Sen, thừa nhận, hiện công ty đang phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá tôn lạnh, tôn màu tại thị trường Malaysia và Thái Lan. Còn quá sớm để có thể nhận định chúng ta có thể thắng vụ kiện này hay không. Các DN nước sở tại thường có lợi thế về chính sách hỗ trợ từ chính phủ của họ. Cũng không ngoại trừ khả năng cho dù lý lẽ của chúng ta đúng nhưng vẫn không thể thắng được DN nước sở tại, vì nhiều lý do khách quan khác nhau về điều kiện hoạt động sản xuất. Còn nhận định về trường hợp xấu nhất là công ty bị thua kiện thì ông Lê Phước Vũ cho biết, sẽ khó để sản phẩm của DN có thể trụ lại được ở thị trường này, vì không thể cạnh tranh về giá do bị áp mức thuế rất cao. Do vậy, để chủ động giảm thiểu những tổn hại có thể xảy ra đối với hoạt động sản xuất, song song với việc theo đuổi vụ kiện thì công ty cũng triển khai tìm kiếm thị trường tiềm năng mới.
Không chỉ gặp khó tại thị trường xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, DN cũng không thể tự bảo vệ mình vì Luật Cạnh tranh trong nước chưa hoàn thiện. Ông Phùng Văn Thành, Phó Trưởng phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh, thừa nhận: Luật Cạnh tranh dù đã được ban hành từ năm 2004 nhưng cho đến nay, việc vận dụng còn nhiều bất cập. Những quy định liên quan đến vấn đề độc quyền, can thiệp thị trường khi DN có thị phần phân phối chiếm hơn 30% không linh hoạt và không phù hợp với thực tế. Những trường hợp DN nước ngoài hoạt động thông qua văn phòng đại diện hoặc công ty thứ ba không được điều chỉnh trong luật. Những hành vi liên quan đến thỏa thuận làm hạn chế cạnh tranh của DN bằng các thông tin điện tử chưa được cân nhắc trong quy định cần phải xử lý… Việc chồng chéo quản lý giữa các cơ quan chức năng trong quy định của Luật Cạnh tranh cũng khiến cho việc thực thi luật này không hiệu quả. Và quan trọng hơn, dù Luật Cạnh tranh đã ra đời hơn 10 năm nhưng rất ít DN biết đến và vận dụng luật này để bảo vệ hoạt động sản xuất cũng như thị trường ngay trên sân nhà.
Theo ý kiến của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc hỗ trợ DN tiếp cận và ứng dụng Luật Cạnh tranh trong hoạt động phòng vệ thương mại trong nước. Về thị trường nước ngoài, cần hỗ trợ DN tiếp cận thông tin, dự đoán tình hình. Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch cũng như quỹ tài chính để ứng phó kịp thời với vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại. Quỹ tài chính này phải được đưa vào như là chi phí của hoạt động sản xuất. Đặc biệt, cần nâng cao vai trò kết nối thành viên là DN của các hiệp hội, nhất là với những DN vừa và nhỏ, để tạo sức mạnh liên kết ứng phó kịp thời với các vụ kiện phòng vệ thương mại, bảo vệ thị phần xuất khẩu trong bối cảnh mới hiện nay.
ÁI VÂN