Đại đức Thích Tâm Kiên, Trụ trì chùa Một Cột - Diên Hựu vừa có đơn gửi UBND TP Hà Nội và một số cơ quan báo chí về việc trùng tu tôn tạo chùa. Trong đơn đưa ra thông điệp rõ ràng: “Kể từ hôm nay (tức 2-5), sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ Chùa và nhà Mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.
Tượng choàng áo mưa
Thông tin này đưa ra khiến nhiều người thật ngỡ ngàng bởi lẽ, với gần 1.000 năm lịch sử, chùa Một Cột - Diên Hựu không chỉ là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội, mà năm 2012, ngôi chùa này còn được Tổ chức kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất”. Đây là kỷ lục châu Á đầu tiên của Việt Nam ở lĩnh vực kiến trúc tôn giáo. Vậy vì lý do gì mà vị Trụ trì của chùa lại có những thông điệp cứng rắn vậy.
Trong lá đơn gửi cơ quan chức năng của nhà chùa có ghi rõ: “Chùa Một Cột - Diên Hựu là ngôi cổ tự, danh lam thắng tích được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông đến nay đã được 964 năm lịch sử - Chùa tọa lạc cùng Bảo tàng và Lăng Bác hàng ngày đón rất đông khách, đồng bào phật tử trong và ngoài nước đến tham quan, lễ bái. Chùa Một Cột - Diên Hựu là hình ảnh thân thương, biểu tượng quan trọng của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Mấy năm trở lại đây chùa đã xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì thế, trước mùa mưa bão đang tới gần nhà chùa sau nhiều lần kêu cứu nay lại một lần nữa làm đơn kính mong UBND TP Hà Nội và các cấp chính quyền quan tâm và nhanh chóng tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các cấp các ngành, các nhà khoa học, lịch sử… để nhanh chóng trùng tu tôn tạo chùa Một Cột - Diên Hựu”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, từ năm 2008, UBND quận Ba Đình đã lập kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Một Cột - Diên Hựu với kinh phí hơn 31 tỷ đồng. Theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành vào đầu năm 2013, song đến nay, các bước tiến hành để trùng tu ngôi cổ tự vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong những lần gặp gỡ báo chí trước đây, Đại đức Thích Tâm Kiên đã nhiều lần than thở rằng trong khi chùa đang xuống cấp từng ngày thì dự án tu bổ có nhiều lúc như đang dậm chân tại chỗ.
Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, phần mái đã bị mục nát nên cứ mưa là dột. Những ngày mưa, nhiều bức tượng phải “mặc” áo mưa, hay đội nón, để tránh bị hỏng. Đã vậy, chùa lại nằm ở vùng trũng trong khu vực, nên mỗi khi mưa, nước lại dồn về, khiến chùa bị ngập và bị hư hỏng thêm. Đã nhiều năm, nhà chùa đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng phản ánh, cũng đã có nhiều cuộc họp, nhiều đợt kiểm tra hiện trạng của chùa, nhưng đến nay, mọi việc vẫn chưa thay đổi, dù ai cũng hiểu, trùng tu ngôi chùa cho khang trang, sẽ là niềm tự hào về di sản của dân tộc và các thế hệ người dân Việt Nam trong và ngoài nước.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay lại là thủ tục tiến hành dự án. Vì UBND quận Ba Đình dự kiến tổ chức 3 cuộc hội thảo trưng cầu ý kiến các nhà khoa học, lịch sử để thống nhất phương án bảo tồn tối ưu cho ngôi chùa gần ngàn năm tuổi này. Tuy nhiên, dự án rục rịch đã nhiều năm, nhưng đến nay, hội thảo cần thiết vẫn chưa diễn ra và không biết đến bao giờ mới có, để mở đường cho việc trùng tu, trong khi ngôi chùa vẫn phải đối mặt với sự xuống cấp từng ngày? Đây chính là lo âu không chỉ của Đại đức Thích Tâm Kiên, mà còn của nhiều người nặng lòng với di tích quan trọng này.
Bài học từ chùa Trăm Gian
Sự việc chùa Một Cột - Diên Hựu xuống cấp đã được dư luận, đồng bào phật tử, khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm và bức xúc. Đã có rất nhiều cơ quan thông tấn báo chí lên tiếng kêu cứu cho “ngôi chùa kiến trúc độc đáo nhất châu Á” này. Nhà chùa rất lo lắng khi mùa mưa bão sắp tới. Ngay sau khi có thông tin về lá đơn đề nghị được hạ giải chùa của Đại đức Thích Tâm Kiên chúng tôi tìm đến chùa nhưng cửa đóng im ỉm. Người bán hàng trước chùa cho biết, các sư đang đi vắng. Liên lạc bằng điện thoại với sư thầy cũng không được.
Thời gian không chờ đợi hàng ngày, mưa nắng vẫn dội xuống ngôi chùa cổ. Bài học đắt giá về việc xâm hại di tích chùa Trăm Gian (Hà Nội) xuất phát từ sự chậm trễ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiến hành các thủ tục trùng tu, tôn tạo di tích vẫn chưa kịp nguội. Liệu điều đó có tiếp tục xảy ra ở chùa Một Cột - Diên Hựu?
| |
MAI AN