Con đường xanh Tây Nguyên

Chưa nên vóc nên hình

Chưa nên vóc nên hình

“Con đường xanh Tây Nguyên” là chương trình hành động du lịch nhằm phát huy tiềm năng kinh tế – xã hội Tây Nguyên và tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch nước nhà. Nhưng sau hơn 2 năm khởi động, “con đường” vẫn chưa hình thành.

  • Cơ hội đánh thức Tây Nguyên

Sáng kiến khởi động chương trình “Con đường xanh Tây Nguyên” (CĐXTN) của Văn phòng Tổng cục Du lịch Việt Nam (TCDL) tại miền Trung-Tây Nguyên là một sáng kiến hay để tạo thêm sản phẩm du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Mục tiêu của Văn phòng TCDL tại miền Trung là nối CĐXTN với Con đường di sản - vốn đã gặt hái thành công, để hình thành nên các tour du lịch xuyên quốc gia, mang lại sức hấp dẫn mới, tầm vóc mới cho ngành du lịch Việt Nam.

Chưa nên vóc nên hình ảnh 1

Khách quốc tế đến Đà Lạt – Tây Nguyên qua sân bay Liên Khương ngày càng tăng.

Đối với các tỉnh trong khu vực, đây là cơ hợi tốt để đánh thức tiềm năng du lịch còn rất tiềm tàng. Riêng với các địa phương ở đầu và cuối “con đường” như Kon Tum và Đắc Nông, đây có thể là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh vốn còn rất mới mẻ, phát huy tiềm năng du lịch; trong đó Kon Tum có sức hấp dẫn của một nền văn hóa dân gian lâu đời của các tộc người bản địa như Xê-Đăng, Ba–Na, còn Đắc Nông là một hệ thống các thác ngàn hùng vĩ như Drây Sáp, Gia Nghĩa cùng một nền văn hóa M’nông giàu sức sống. Ngay cả với Đắc Lắc, nếu có CĐXTN đi qua, chắc chắn khách quốc tế sẽ đến nhiều hơn.

Việc triển khai một con đường di sản nối dài từ trung tâm di sản của Việt Nam xuyên qua Tây Nguyên cũng được Ban chỉ đạo Tây Nguyên ủng hộ mạnh mẽ vì nó sẽ giúp xây dựng một vùng kinh tế động lực theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.

Không chỉ có ý nghĩa với Tây Nguyên, việc mở ra CĐXTN sẽ giúp kéo dài thêm thời gian lưu trú của khách du lịch, tăng thêm sức thu hút cho không chỉ ngành du lịch khu vực mà cho cả quốc gia. Trong mùa du lịch hè đang diễn ra, với khách trong nước, sức hút từ rừng xanh là rất lớn, không thua kém biển xanh.

Nhiều hãng lữ hành và các công ty du lịch đã tung ra các tour du lịch rừng - biển TPHCM – Phan Thiết – Đà Lạt hoặc TPHCM – Ninh Chữ – Đà Lạt khá ăn khách vì nó tạo được sự liên kết vùng, giảm được giá tour, tạo hứng thú mới. Hiện trung tâm di sản với Huế – Hội An – Quảng Bình đang là khu vực thu hút đông nhất khách quốc tế đến Việt Nam nên có thể thu hút họ nối tuyến đến với Tây Nguyên.

  • Cần một đầu tàu

Ngay từ đầu, ý tưởng và những phác thảo ban đầu của TCDL rất được các địa phương hưởng ứng. Tuy vậy, việc khởi động có vẻ rất chậm chạp, thậm chí có nơi đang “dậm chân tại chỗ”. Ngay từ đầu, Lâm Đồng rất hào hứng, Công ty Dịch vụ du lịch Đà Lạt đã sớm hình thành tuyến chở khách du lịch chất lượng cao từ Đà Lạt đi Buôn Ma Thuột và Pleiku, nhưng sau hơn 1 năm gồng mình đã phải tạm ngưng vì quá đơn lẻ, khách vắng nên không đủ chi phí.

Một số tour xuyên Tây Nguyên để khám phá đường Hồ Chí Minh với Đà Lạt là điểm cuối cho du khách nghỉ ngơi trước khi kết thúc tour đã được tổ chức trong năm 2004 nhưng vẫn chỉ là sự tự phát của các công ty du lịch tại TPHCM. Các tỉnh đều cử cán bộ đi khảo sát chọn các điểm tham quan để đưa vào chương trình nhưng chờ mãi mà vẫn chưa thấy “con đường xanh” đi qua địa phương mình nên… cùng chờ.

Lâu nay, việc đi tour xuyên Tây Nguyên mới chỉ dừng lại ở mức độ tự phát do chính người nước ngoài thuê xe Honda từ Đà Lạt qua Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum hay từ Đà Lạt qua Đắc Lắc, Đắc Nông rồi quay về lại Đà Lạt hoặc do một số ít hướng dẫn không chuyên là tài xế xe Honda ôm chở Tây theo kiểu “dẫn đâu đi đó”.

Ông Hồ Việt (Trưởng đại diện Văn phòng TCDL Việt Nam tại miền Trung – Tây Nguyên) cho biết: từ tháng 12-2004, chúng tôi đã có báo cáo khoa học về chương trình CĐXTN nhưng đến nay vẫn chưa thấy lãnh đạo TCDL ra lệnh “khởi công” con đường; các tỉnh trong khu vực CĐXTN đi qua lại chưa liên kết, phối hợp với nhau và cử người đại diện để chủ động làm việc với nhóm các hãng lữ hành, công ty du lịch ở TPHCM nên “con đường” vẫn khởi động một cách chậm chạp.

Trong khi đó, hiện có khoảng 10 công ty du lịch hàng đầu ở TPHCM đang rất muốn liên kết với các tỉnh Tây Nguyên để mở ra các tour nối liền vào Con đường Di sản nhưng vẫn còn đang chờ tín hiệu từ phía TCDL và các tỉnh. 

Văn Phong

Tin cùng chuyên mục