Chưa thấu tình!

Mấy ngày qua, dư luận đang tập trung chú ý về vụ việc thầy giáo Trần Anh Tuấn, giáo viên trẻ của Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đánh hai học trò của mình ngay trên bục giảng. Bất bình, phẫn nộ là tâm lý chung của nhiều người trước hành vi phản sư phạm như vậy.

Tuy nhiên, sau khi truyền thông đưa ra những thông tin thầy Tuấn chỉ có chưa đầy 5 tháng kinh nghiệm đứng trên bục giảng, dù thầy đã phạm sai lầm khó tha thứ nhưng tập thể học sinh và giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ vẫn bày tỏ nguyện vọng Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định cho thầy cơ hội sửa sai.

Ngay cả học sinh Nguyễn Phước Nghĩa, người đã có màn ẩu đả, xô xát với thầy Tuấn ngay trên bục giảng cũng bày tỏ sự hối hận, mong các cấp lãnh đạo cho em thêm một cơ hội tiếp tục được học với thầy giáo Tuấn. Song, quyết định xử phạt mới nhất của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định đã ghi rõ, thầy giáo Trần Anh Tuấn chính thức bị sa thải, hai học sinh Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Phước Nghĩa bị phạt cảnh cáo và nhắc nhở.

Đây được xem là một trong những động thái cứng rắn thể hiện sự quyết tâm bài trừ những nhân tố có hành vi tiêu cực ra khỏi hoạt động giáo dục của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, nói như lời của cô Quách Nguyễn Hiền Trân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, giá như có một hình thức xử phạt linh hoạt, mềm dẻo hơn để thầy Tuấn có cơ hội sửa chữa sai lầm, đứng lên từ chính chỗ mình đã vấp ngã thì sự việc có lẽ đã không có kết cuộc đau lòng đến như vậy.

Thiết nghĩ mục tiêu lâu dài của ngành giáo dục không phải chỉ là truyền thụ cho học sinh về mặt tri thức mà còn góp phần rèn giũa, uốn nắn nhân cách giáo viên. Khi một cá nhân phạm phải sai lầm, dù bản thân đã chân thành nhận lỗi nhưng vẫn bị “đá” ra khỏi ngành giáo dục không phải là cách làm thấu tình đạt lý của những người có tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Đào tạo một con người mới khó chứ sa thải là chuyện rất dễ dàng, chưa kể việc sa thải đó sẽ khiến ngành giáo dục gánh chịu thêm một thiệt thòi: thiếu giáo viên, thiếu sự tâm phục khẩu phục của ngay chính những người trong cuộc. Không làm thầy giáo nữa, thầy Tuấn có trăm ngàn công việc khác để theo. Tên tuổi người ra đi một lúc nào đó sẽ bị lãng quên, có chăng là sự tiếc nuối, một vết nhơ không còn cơ hội rửa sạch của tập thể sư phạm Trường THPT Nguyễn Huệ.

Một bài học chung cho ngành giáo dục 63 tỉnh, thành. Sự cố mang tên “thầy giáo Trần Anh Tuấn” đã chính thức khép lại, có chăng đâu đó chỉ là chút dư âm buồn bã của một lỗi lầm…

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục