Chưa thể an cư

Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc phản ánh: TPHCM đã có nhiều cố gắng thực hiện tái định cư (TĐC) sau khi di dời cư dân để giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án; tuy nhiên thực tế tại nhiều khu tạm cư và TĐC vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khiến người dân khó ổn định cuộc sống và an cư.
Chưa thể an cư

Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc phản ánh: TPHCM đã có nhiều cố gắng thực hiện tái định cư (TĐC) sau khi di dời cư dân để giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án; tuy nhiên thực tế tại nhiều khu tạm cư và TĐC vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khiến người dân khó ổn định cuộc sống và an cư.

        Vất vưởng tạm cư

Nhiều người dân ở khu tạm cư An Phú - Bình Khánh (quận 2) và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) phản ánh: Sau khi chấp hành di dời để giải tỏa mặt bằng đã bị lâm vào cảnh sống vất vưởng tại khu tạm cư, do các dự án TĐC vẫn chưa hoàn tất. Theo quy định, khi giải tỏa, chủ đầu tư phải bảo đảm cho những người bị di dời có cuộc sống tốt hơn hoặc tối thiểu phải ngang bằng so với trước đây. Tuy nhiên thực tế thì khác. Ngồi trong căn nhà chật chội, tối om, ông Nguyễn Văn Nam (60 tuổi) buồn rầu kể: “Gia đình tôi lúc trước sống ở khu phố 1, phường Bình Khánh, quận 2. Do triển khai giải tỏa để xây khu đô thị mới, chúng tôi phải di dời qua khu tạm cư An Phú. Cả nhà gồm 12 người phải sống chung trong căn phòng chỉ vỏn vẹn 20m², mái và vách bằng tôn rất chật chội. Ban ngày nóng không chịu nổi, ban đêm không có chỗ ngủ”.

Hàng xóm của ông Nam là gia đình bà Trần Thị Bích Nhung có 3 thành viên, cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Trước đây, gia đình làm nghề cho thuê áo cưới, từ khi di dời qua đây không thể hoạt động kinh doanh. Bởi khu tạm cư này nằm cách xa đường chính, xung quanh ít dân cư nên đành phải bỏ nghề. Bà Nhung than: “Nơi đây không thể buôn bán làm ăn gì được. Bây giờ cả gia đình tôi phải sống bằng đồng lương công nhân ít ỏi của chồng tôi”.

Người dân ở khu tạm cư An Phú - Bình Khánh (quận 2) đang phải sống trong cảnh tạm bợ, khó khăn.

Người dân ở khu tạm cư An Phú - Bình Khánh (quận 2) đang phải sống trong cảnh tạm bợ, khó khăn.

Trong khi đó, chung cư Bình Khánh (quận 2) - một trong những chung cư nằm trong chương trình 12.500 căn hộ phục vụ nhu cầu TĐC của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm - hiện chỉ có rất ít người dân dọn về sinh sống. Anh Phạm Hoàng Nam, sống ở căn hộ B6 - 13, than về việc cả gia đình anh không thể sống chen chúc trong một căn hộ chỉ vỏn vẹn 36m². Do đó, anh phải cho thuê căn hộ để chuyển về thuê phòng trọ gần nơi ở cũ, thuận tiện cho việc làm ăn. Nhiều người dân ở đây cho biết lý do không chuyển qua nhà TĐC hay chung cư bên cạnh để ở là vì giá nhà quá cao so với mức sống của đa số người dân nghèo.

        Nhọc nhằm mưu sinh

Đến thăm các khu TĐC trên địa bàn TPHCM, dường như giờ nào, ngày nào cũng có thể gặp những người dân độ tuổi lao động đang quá rảnh rỗi nhưng nét mặt lại lắm lo toan. Gặp ai cũng có thể bàn chuyện gẫu nhiều giờ với nhiều người, nhưng ai cũng lo lắng thở dài khi nghe hỏi đến chuyện làm gì để ổn định cuộc sống. Người dân ở các khu TĐC TPHCM chủ yếu là người lao động làm nghề tự do, hơn 80% có trình độ học vấn và trình độ chuyên môn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông hoặc sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Thế nên khi chuyển về định cư ở một chung cư cao tầng hoặc ở các khu dân cư mới nơi tách xa thị tứ, hầu hết không thể duy trì được việc làm cũ. Nhiều người chọn cách mở cửa hàng bán tạp hóa, bán hàng ăn, nước giải khát… để kiếm sống qua ngày, nhưng công việc này cũng không mấy thuận lợi vì sức mua của các hộ TĐC quá thấp.

Chưa đến 10 giờ sáng, chúng tôi đến khu chung cư Thạnh Mỹ Lợi (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) đã thấy những người bán hàng ăn uống dọn dẹp bàn ghế do hết khách. Ai cũng than khách ít, bán ế ẩm. Mà cũng phải thôi, ở đây nhiều người mở quán để kiếm sống qua ngày, nhưng số cư dân có thể làm ra tiền để ăn uống, mua sắm lại quá ít ỏi. Bà Ngô Thị Sen ở khu A6 cho biết, trước khi chuyển về khu chung cư này, gia đình bà bán cà phê, nước giải khát ở khu phố 1 phường An Khánh. Sau khi bị thu hồi đất, gia đình bà thuê một căn hộ tại chung cư Thạnh Mỹ Lợi để buôn bán và làm nơi sinh sống cho 6 người trong gia đình. Bà tiếp tục công việc cũ nhưng thu nhập giảm đi rất nhiều.

“Bây giờ bán cà phê thu nhập không được một phần nhỏ ngày trước, ít khách lắm. Tiền thuê nhà và tiền điện nước mỗi tháng cứ đè nặng, cả gia đình tôi phải xoay xở đủ cách”, bà Sen than thở. May mắn hơn bà Sen, bà Trần Ngọc Ánh ở khu B6 đã trả hết số tiền để nhận một căn nhà trong khu TĐC bằng số tiền đền bù và tiền gia đình tích góp được. Hàng ngày, hai vợ chồng bà Ánh kiếm sống bằng việc bán cơm tấm. Theo bà Ánh, lượng khách ăn ở chung cư chưa bằng một nửa trước đây khi gia đình bà mở quán ăn ở khu chợ Bình Khánh, phường Bình Khánh.

Tại khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), tình cảnh buôn bán, dịch vụ còn thê thảm hơn. Dự án TĐC này được xây dựng vào năm 2008 để giải quyết TĐC cho các hộ giải tỏa ở 10 quận, huyện nhưng hiện nay số hộ dân chuyển về đây sinh sống rất ít. Anh Nguyễn Đặng Hùng ở lô B1 trong chung cư, nhưng rồi cũng phải thuê một căn nhà nhỏ ở ngoài mặt đường mở tiệm sửa xe, vì mở tiệm trong khu TĐC này không có khách. Anh cho biết, trước đây mỗi tháng anh thu nhập gần 10 triệu đồng từ nghề sửa xe, nay chỉ còn 3-4 triệu đồng. Một chủ tiệm tạp hóa ở kế bên nhà anh Hùng cũng lâm vào tình cảnh như vậy: “Mở quán này để kiếm được đồng nào hay đồng đó thôi, chứ chẳng lẽ ở không. Mà bán từ sáng tới giờ khách mua đếm được chưa hết đầu ngón tay”.

PHAN ANH

Tin cùng chuyên mục