Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2015, các giáo viên, học sinh khối lớp 12 đã có thể hình dung diện mạo mới của kỳ thi hai trong một. Thế nhưng, trước nhiều điểm mới của kỳ thi quan trọng này, tâm trạng lo lắng, băn khoăn, kể cả hoang mang vẫn đè nặng những người trong cuộc.
Lo nhiều hơn…
“Đón nhận thông tin từ dự thảo quy chế kỳ thi THPT, chúng tôi cảm thấy phần nào yên tâm hơn với những quy định mới sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, trước quá nhiều ý kiến của dư luận và ý kiến tư vấn, định hướng của các chuyên gia, Bộ GD-ĐT, nhà trường vẫn tiếp tục theo dõi, cập nhật để tư vấn cho học sinh lớp 12. Trong khi chờ đợi quy chế chính thức của Bộ GD-ĐT, nhà trường đã chủ động kế hoạch ôn luyện, động viên học sinh ổn định tâm lý, học tốt, nắm vững kiến thức và tư vấn chọn môn thi thêm phù hợp với năng lực, ngành học” - thầy Lương Ngọc Duy, Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng, chia sẻ như thế. Tương tự, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ quận 4 - thầy Lê Xuân Giang, cũng cho biết, nhà trường trong tâm thế sẵn sàng thích ứng với đổi thay của kỳ thi này và đã tổ chức ôn luyện theo môn học mà học sinh đăng ký để xét thi tốt nghiệp, tuyển sinh CĐ, ĐH, trong đó có môn Sử, Địa. Theo cô Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, từ đầu năm học trường đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học sinh theo khối, chọn môn thi ngoài 3 môn bắt buộc. Tuy nhiên, thầy và trò đều mong chờ quy chế mới ban hành để biết rõ phải làm gì nhằm thích ứng nhanh.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT cùng nhau ôn bài trước giờ thi môn Văn. Ảnh: MAI HẢI
Khảo sát ở một số trường THPT cho thấy, tuy tăng tốc với kế hoạch ôn tập, cho học sinh chọn môn đăng ký thi theo nhu cầu nhưng nhiều hiệu trưởng vẫn “đứng ngồi không yên”, lo lắng nhiều hơn những năm trước. Theo họ, dù Bộ GD-ĐT trấn an là đề thi vẫn ra như cũ - tương tự năm 2014, kiến thức chủ yếu ở lớp 12… nhưng với một kỳ thi có quá nhiều thay đổi như dự thảo, cả thầy lẫn trò đều hồi hộp, bối rối. Những câu hỏi thắc mắc chung là “cơ cấu đề thi như thế nào, độ mở, liên hệ thực tế và phân hóa đến đâu…”? Một giáo viên dạy môn Văn bộc bạch: “Vẫn biết các môn xã hội sẽ ra đề theo hướng mở, vận dụng thực tế cuộc sống nhưng ôn luyện thế nào để học sinh làm bài đạt điểm cao không phải dễ”. Rồi xung quanh dự thảo về thang điểm 20 cũng có nhiều ý kiến khác nhau và tâm lý lo âu trước nguy cơ điểm liệt (2 điểm) sẽ tăng, học sinh sẽ rớt nhiều hơn đối với những trường có đầu vào thấp, chất lượng đào tạo không đảm bảo. Không những thế, nhiều hiệu trưởng cũng tỏ ra bối rối trước hàng loạt câu hỏi mà học sinh thắc mắc và khẳng định không thể nhớ hết tổ hợp thi… Trước nhiều biến động của kỳ thi, nhiều hiệu trưởng nói thẳng: “Kỳ thi THPT quốc gia có thể giảm áp lực cho thí sinh vì phải thi số môn ít hơn nhưng ban giám hiệu, thầy cô cực hơn nhiều vì phải tăng cường ôn luyện, phụ đạo, tăng tiết các môn thi để giúp học sinh vững kiến thức, tự tin vượt qua thử thách đổi mới tuyển sinh”.
Sớm giải tỏa băn khoăn
Vấn đề khiến nhiều trường băn khoăn là việc xét tốt nghiệp THPT dựa vào 50% điểm bình quân năm học lớp 12 thể hiện sự thiếu công bằng, vì mặt bằng, chất lượng đào tạo giữa các trường, khu vực, giữa công lập và ngoài công lập chưa đồng đều. Việc ra đề thi, cho điểm ở các trường chuyên, lớp chọn, trường có thương hiệu chắc chắn sẽ khó hơn, yêu cầu cao hơn những trường có đầu vào thấp, giữa thành phố lớn và vùng sâu vùng xa. Như thế, việc xét tuyển sinh CĐ, ĐH dựa vào tiêu chí xét học bạ ở bậc THPT vô tình tước mất cơ hội của không ít học sinh có năng lực học tốt hơn. Thầy Lê Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu TPHCM, bộc bạch: “Nhiều trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia, Ngoại thương, Sư phạm… công bố lấy điểm 8 đối với các môn thi THPT quốc gia và xét điểm học lực trung bình 2 năm lớp 10+11 và học kỳ 1 của lớp 12 đang gây hoang mang cho học sinh, phụ huynh của chúng tôi. Bởi lẽ, nhiều năm qua, học sinh học phân ban - thể hiện học lệch, nay xét điểm bình quân các năm học ở THPT như thế sẽ bất lợi cho nhiều thí sinh”. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi phương án tuyển sinh CĐ, ĐH phải có lộ trình để học sinh định hướng học tập và thích ứng dần với thay đổi chứ không thể “đột ngột” phát pháo như hiện nay.
Xung quanh quy định miễn thi môn ngoại ngữ đối với những học sinh có chứng chỉ quốc tế và được quy đổi điểm thi cao nhất là 10 điểm cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Một hiệu trưởng trường chuyên Anh ngữ ở TPHCM không đồng tình với chủ trương miễn thi môn ngoại ngữ vì lý do nhiều học sinh có chứng chỉ quốc tế hay chủ quan, lơ là, không học môn này tại trường. Nên chăng vẫn bắt buộc tất cả học sinh phải thi môn ngoại ngữ và chỉ dùng chứng chỉ đạt chuẩn quốc tế này cho việc xét tuyển sinh vào CĐ, ĐH thì phù hợp hơn.
Về phía học sinh khối 12, nhiều em cũng cho rằng theo dõi thông tin trên báo chí góp ý cho dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia và định hướng, tư vấn tuyển sinh CĐ, ĐH có quá nhiều điểm mới cũng “gây nhiễu”. Một số học sinh còn phân vân, dao động chưa biết chọn bao nhiêu môn thi thêm để đăng ký tuyển sinh CĐ, ĐH. Chính vì thế, nhiều trường vẫn để thời gian co giãn, cho phép học sinh thay đổi môn tự chọn theo sở trường, nhu cầu. Khảo sát thực tế cho thấy, số lượng học sinh đăng ký môn tự chọn để xét tốt nghiệp THPT và môn thi thêm để tuyển sinh là Sử, Địa không nhiều. Theo cô Đỗ Thị Bích Duyên, năm ngoái, Trường THPT Lê Quý Đôn không có học sinh nào chọn môn thi tốt nghiệp là môn Sử. Còn năm nay, ban đầu có một số học sinh đăng ký học môn Sử, Địa, nhưng mới đây nghe bộ thông báo sẽ không cho dùng Atlat nên chuyển hướng chọn môn thi khác.
Có thể nói trước nhiều “biến động” của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh CĐ, ĐH, tâm lý lo lắng, băn khoăn, rối bời vẫn đè nặng thầy cô lẫn học sinh. Vì thế, để đổi mới thi cử ít gây xáo trộn nhất, đảm bảo quyền lợi cao nhất của thí sinh, Bộ GD-ĐT nên tham khảo ý kiến của dư luận, người trong cuộc để ban hành quy chế thi phù hợp, đảm bảo tính khoa học và công bằng.
Khánh Bình