Chuẩn hóa cán bộ quản lý theo chức danh - Yêu cầu cấp thiết

Vừa thừa, vừa thiếu
Chuẩn hóa cán bộ quản lý theo chức danh - Yêu cầu cấp thiết

TPHCM có đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước khá đông, đóng góp quan trọng cho sự phát triển đi lên của TP. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ thì chưa đáp ứng kịp, còn những hạn chế nhất định, đòi hỏi phải có sự nhìn nhận thấu đáo và quan tâm đúng mức.

Vừa thừa, vừa thiếu

Đa số cán bộ quản lý nhà nước ở TP có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được đào tạo chuyên môn, nhất là những ngành đòi hỏi có chuyên môn sâu, một bộ phận có trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, có ngoại ngữ, sử dụng công nghệ thông tin thành thạo, có khả năng đảm đương nhiệm vụ. Công tác quy hoạch được thực hiện tương đối khá ở cấp quận - huyện. Nguồn quy hoạch cán bộ dài hạn, chương trình 500 tiến sĩ, thạc sĩ đã phát huy tác dụng bước đầu.

Nhân viên Cục Thuế TPHCM hướng dẫn người dân kê khai thuế thu nhập. Ảnh: KIM NGÂN
Nhân viên Cục Thuế TPHCM hướng dẫn người dân kê khai thuế thu nhập. Ảnh: KIM NGÂN

Từ khi thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, thu nhập của đội ngũ cán bộ công chức nhìn chung có khá hơn trước. Công cuộc cải cách hành chính gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã có sự chuyển biến, một bộ phận cán bộ công chức tạo được mối quan hệ thân thiện với công dân. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu ở hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước. Kiến thức chung về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, pháp luật, quản lý đô thị, về những vấn đề mới đặt ra trong quá trình phát triển còn hạn chế. Vẫn còn cán bộ chưa được đào tạo chuẩn hóa theo chức danh. Khả năng điều hành, phối hợp trong công tác còn yếu, một bộ phận chưa thạo việc, thiếu kỹ năng. Việc đánh giá hàng năm chưa sát, tiêu chí chưa rõ ràng, chưa đánh giá đúng phẩm chất, năng lực cán bộ, người làm việc năng nổ, nhiệt tình với người làm việc cầm chừng gần như không có sự khác nhau. Một bộ phận chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm và cái tâm phục vụ dân, vẫn còn hiện tượng hách dịch, cửa quyền, lợi dụng chức quyền nhũng nhiễu, làm giàu bất chính. Tiêu chuẩn quy hoạch cán bộ còn chung chung trong khi mỗi chức danh, vị trí có đặc điểm riêng. Cán bộ trẻ vào các vị trí lãnh đạo mới chỉ khoảng 2%. Không ít trường hợp do môi trường làm việc không phù hợp, khó phát huy, khó phát triển nên đã xin chuyển hoặc xin nghỉ việc. Việc thi tuyển cạnh tranh chưa thực hiện. Quy hoạch cán bộ theo hướng mở, liên thông chưa làm tốt. Lương, thu nhập nhìn chung thấp, chưa thu hút người giỏi vào bộ máy nhà nước làm việc. Chưa có chính sách trả lương theo vị trí công việc… Chưa kiên quyết thay thế, bố trí lại công tác đối với các trường hợp trình độ năng lực chưa đáp ứng.

Khắc phục cách nào?

Để có đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chuẩn bị cho việc xây dựng chính quyền đô thị, cần phải có sự quan tâm đầu tư xây dựng, đổi mới về cơ chế, chính sách cùng với việc quản lý, đánh giá một cách thực chất.

Hiện nay, cơ chế, chính sách đối với cán bộ công chức còn nhiều bất cập. Việc đánh giá cán bộ, nhiều trường hợp còn nể nang. Chưa đào tạo, bồi dưỡng sát với yêu cầu công việc. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhưng chưa có chính sách đủ mạnh thu hút những người có trình độ vào bộ máy nhà nước…

Để khắc phục tình hình trên, cấp trên và nhất là người đứng đầu phải là người chịu trách nhiệm chính về công tác quy hoạch cán bộ, cần quan tâm đầy đủ và làm tốt việc này. Việc lấy phiếu về quy hoạch cán bộ tại chỗ và cấp dưới có ý nghĩa tham khảo. Cần tiến hành sớm việc xây dựng tiêu chuẩn theo chức danh và bộ tiêu chí đánh giá cán bộ công chức để việc đánh giá đi vào thực chất, tránh cảm tính. Cho phép người đứng đầu được quyền lựa chọn cấp phó và tuyển cán bộ công chức theo tiêu chuẩn và quy định chung. Tổ chức thi tuyển có cạnh tranh vào cơ quan nhà nước và các chức danh quản lý. Có chương trình bồi dưỡng kiến thức nhất là kiến thức pháp luật, quản lý nhà nước… theo từng chức danh cùng với những kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng vị trí công việc được giao. Trong đó có nội dung về giao tiếp, văn hóa ứng xử, phong cách và thái độ phục vụ dân…

Nghiên cứu đề xuất chính sách thu hút người giỏi vào các chức danh, vị trí cần thiết, thay vì chi tiền đào tạo thì có kinh phí để chi cho những người đã được đào tạo. Nghiên cứu có cơ chế, chính sách cho chuyên gia, chuyên viên để có đội ngũ cán bộ, chuyên viên giỏi, nhà khoa học yên tâm làm việc suốt đời với chuyên môn của mình (nếu không thì lực lượng này luôn bị hụt hẫng và có khi do sắp xếp không hợp lý thì có thể mất những nhà khoa học mà lại được những nhà quản lý yếu kém). Tiếp tục có chính sách và mạnh dạn điều chuyển những cán bộ quản lý không phù hợp đối với công việc được giao để giải quyết cơ bản tình trạng vừa thiếu, vừa thừa trong bộ máy.

Để góp phần làm cho việc tổ chức quản lý, phục vụ dân ngày càng hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại, cần phải quan tâm đúng mức cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước.

Cán bộ công chức sau khi tuyển dụng gần như được bảo lưu suốt đời, không sàng lọc được người không đáp ứng yêu cầu. Trách nhiệm chưa gắn với quyền hạn nên rất khó xử lý người đứng đầu, khó truy đến cùng địa chỉ của những khuyết điểm.

Trong thực tế, nhiều cán bộ lâm vào tình trạng việc của mình thì không đủ thẩm quyền, việc của người khác thì cũng có mình tham gia. Ai cũng có quyền nhưng xét đến cùng thì không ai có quyền, người có quyền thì không chịu trách nhiệm.


PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục