Chùm khế ngọt

– Di tích dinh tỉnh trưởng ở Gò Công bị cho thuê làm nơi nuôi chim yến. Lạ không?

– Có gì mà lạ? Ông phải thấy đó là cái may chứ. Vì nếu không cho thuê nuôi chim yến, biết đâu người ta đã biến nó thành chỗ bán bia hơi hay khu trò chơi con nít? Tệ hơn nữa là lấy cớ trùng tu để dỡ ra xây mới và mất toi di tích.

– Nói đâm hơi quá. Di tích là tài sản công, mà tài sản công thì đâu có xài tùy tiện được.

– Ông nói y như sách. Ở Hà Nội hàng loạt cơ quan mang đất công cho thuê xoành xoạch kiếm tiền xài. Đất nhà nước cho họ thuê 3 năm, họ thản nhiên cho thuê lại 30 năm. Rồi người thuê cất cao ốc hoành tráng ở đó cho thuê, kinh doanh tiếp. Ở TPHCM, hàng loạt nhà kho thuộc đất nhà nước để trống, đơn vị quản lý cũng ngon lành cho thuê lại kiếm chênh lệch. Rồi tỉnh nào cũng có chuyện biến đất công thành của riêng, hoặc vĩnh viễn hoặc có thời hạn.

– Hà rầm vậy mà không ai rờ à. Kẹt nhỉ.

– Chả thấy kẹt gì cả vì chỗ nào cũng làm sai mới thông, còn làm đúng thì... tắc! Bằng cớ là đất công ngày càng ít vì người ta đã lấy “xài đỡ” hết rồi.

– Vậy nếu ai cũng giành, cũng giựt, cũng nhào vô lấy cho mình thì tài sản công là cái gì?

– Là chùm khế ngọt, bị trèo hái mỗi ngày!


TƯ QUÉO 

Tin cùng chuyên mục