Chung sức chống “giặc” Covid-19

Là địa phương đầu tiên trong cả nước ghi nhận có sự xuất hiện của dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, TPHCM đã vào cuộc ngay, huy động cả hệ thống chính trị, tổ chức xét nghiệm rộng rãi, cách ly, khoanh vùng nghiêm ngặt… đồng thời chạy đua tìm phác đồ điều trị.
Các bác sĩ trẻ tại BV điều trị Covid-19 Cần Giờ xung phong lên tuyến đầu tiếp nhận và chăm sóc người bệnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các bác sĩ trẻ tại BV điều trị Covid-19 Cần Giờ xung phong lên tuyến đầu tiếp nhận và chăm sóc người bệnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

1. Ngay sau khi phát hiện 2 bệnh nhân LiDing và LiZhichao (nhập cảnh từ Trung Quốc) nhiễm Covid-19, công tác phòng chống dịch của thành phố bước vào giai đoạn nóng bỏng. TPHCM nâng mức cảnh giác cao và triển khai nhanh chóng các kịch bản đã đề ra. Ngành y tế thành phố bắt đầu có chiến dịch giám sát dịch tễ, kiểm soát cộng đồng bằng các khuyến cáo rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người.

Đặc biệt, khi thành phố xuất hiện các “ổ dịch” phức tạp, tinh thần “chống dịch như chống giặc” được lãnh đạo thành phố đề ra, thực hiện quyết liệt. Với phương hướng hành động dự báo sớm, phát hiện sớm nguy cơ lây nhiễm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dập dịch hợp lý, xử lý triệt để, thành phố đã hạn chế được mức thấp nhất sự lây lan của dịch Covid-19 trên địa bàn. 

GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, cho biết, chỉ với 2 ngày chuẩn bị và thực hiện, thành phố đã sắp xếp, bố trí hai khu cách ly quy mô lớn tiếp nhận hàng ngàn người nhập cảnh trở về. Có những thời điểm dường như bị quá tải bởi làn sóng nhập cảnh ồ ạt, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo tổ chức thêm các điểm cách ly tập trung từ thành phố đến quận, huyện. Trong giai đoạn đầu, có 18 khu cách ly của thành phố và 24 khu cách ly quận, huyện với 17.820 giường, đã tiếp nhận 13.277 người từ các quốc gia đến - về thành phố và từ cộng đồng dân cư trong quá trình giám sát dịch tễ.

Hiện TPHCM cũng sẵn sàng 12 khu cách ly tập trung cấp thành phố và 24 khu cách ly ở quận, huyện với 2.144 giường; 6 bệnh viện (BV) chuyên điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, quy mô 2.300 giường bệnh với đầy đủ trang thiết bị hồi sức, cấp cứu, máy thở, phòng cách ly áp lực âm… Thành phố cũng trong tư thế sẵn sàng mở rộng khi dịch bùng phát, chuẩn bị các phương án nếu dịch xảy ra với quy mô lớn, chủ động trong xét nghiệm, huy động nhân lực, vật lực các cơ sở y tế, để triển khai các hoạt động tầm soát, giám sát trên địa bàn thành phố.

Trong từng giai đoạn, từng thời điểm, thành phố đã tổ chức tầm soát xét nghiệm cho tất cả các nhóm nguy cơ tại cộng đồng, các hành khách, nhân viên tổ bay các chuyến bay quốc tế, tầm soát những người có nguy cơ và biểu hiện nghi nhiễm từ các tỉnh về bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ… với tổng số xét nghiệm được thực hiện là 60.735 mẫu. Từ đó, đã góp phần phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

2. Cả nước đồng lòng, chung sức chống dịch là cảm nhận chung của rất nhiều người trong thời gian qua. Người dân đã bình tĩnh hơn và có những hành động phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 và hơn hết là hình ảnh những bác sĩ áo trắng có chuyên môn cao tại các viện, bệnh viện khắp cả nước đã không ngại khó ngại khổ, lên đường “chia lửa” cho vùng tâm dịch. Cảm động nhất là có những người xông ra “tiền tuyến” với lá đơn tình nguyện trên tay hay có người lên đường nhận nhiệm vụ ngay chỉ sau một cuộc điện thoại của cấp trên mà không kịp chia sẻ với gia đình, người thân…

Nhớ lại những ngày cùng đồng nghiệp trắng đêm với ca trực, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới cho biết, điện thoại anh không dám để hết pin, không được để chế độ rung, bất kể mọi lúc. Các cuộc gọi đến rất nhiều, kể cả việc tư vấn hội chẩn hỗ trợ các BV khác. Khi có tình huống đặc biệt, anh phải chạy vào BV, dù đêm hôm. Còn đối với anh Trần Văn Thông, Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu BV Ung bướu, khẳng định chắc nịch “xong dịch sẽ trở về” khi đăng ký tự nguyện hỗ trợ tuyến đầu kiểm soát dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Những ngày thành phố tạm yên, tưởng chừng đội ngũ y bác sĩ được nghỉ ngơi sau những ngày vất vả thì các tỉnh miền Trung lại trở thành tâm dịch mới. Như một mệnh lệnh của trái tim “lên đường khi Tổ quốc cần” hàng chục y bác sĩ từ thành phố mang tên Bác lại tình nguyện xin ra mặt trận với quyết tâm “bao giờ hết dịch mới trở về”.

Th.S-BS Nguyễn Phú Quốc, BV Nhân dân 115 chia sẻ, hôm đó, khi chuẩn bị báo cáo đề tài với bệnh viện thì anh nhận được thông báo đi công tác Đà Nẵng. Buổi chiều, anh về nhà chuẩn bị và sáng hôm sau ra sân bay đi Huế rồi xe đón vào Đà Nẵng. Bác sĩ Quốc chia sẻ: “Ngày đầu tiên ra đây, nhìn thấy đồng nghiệp và mọi người ngoài này làm việc cực nhọc, bản thân tôi tự dặn mình phải chung tay chia sẻ công việc và hỗ trợ hết mình chứ không lo lắng hay hoảng sợ. Mọi người ở đây đang nỗ lực làm việc rất vất vả thì chuyện mình xa nhà không đáng là gì hết”.

3. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 thể hiện rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố khi công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành được xuyên suốt, xử lý kịp thời diễn biến thực tế, đều đặn vào cuối mỗi ngày. Ít nhất vào thứ hai hàng tuần, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND TP đều tham gia giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM với các sở ngành, quận huyện để có những định hướng, chỉ đạo quan trọng. 

Cùng với các lực lượng xung kích - các y, bác sĩ, công an, quân đội thì tại các địa phương, sự quyết liệt của các đảng viên đã góp phần vào thành công bước đầu của thành phố trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Những bí thư chi bộ tổ dân phố, tổ trưởng tổ dân phố đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát những trường hợp đi - về từ vùng dịch, những trường hợp tiếp xúc với người bệnh; vận động họ thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe và khai báo y tế.

Khi thành phố thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn đã bỏ qua lợi ích kinh tế, tự giác, nghiêm túc chấp hành. Đặc biệt, trong những ngày dịch bệnh hoành hành, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã chung sức, đồng lòng ủng hộ thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh và giúp đỡ những người khó khăn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Đến nay, về cơ bản TPHCM đã khống chế thành công dịch Covid-19, bước vào giai đoạn vừa phát triển kinh tế vừa tiếp tục phòng chống dịch. Dù đất nước đã tạm yên khi 41 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, thế nhưng cùng với cả nước, ngành y tế TPHCM vẫn đang trong tư thế sẵn sàng, bởi dịch bệnh nguy hiểm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài và cuộc chiến chống Covid-19 sẽ còn dài đến khi nào có vaccine, thuốc đặc trị.

Tin cùng chuyên mục