
Mekong Festival lần 2 sẽ diễn ra quy mô tại hai địa điểm là TP Long Xuyên và thị xã Châu Đốc (An Giang) từ ngày 23 đến 26-2-2006. Với tư cách là đơn vị bảo trợ thông tin, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với bà Bùi Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh An Giang, Phó ban Thường trực Ban tổ chức.

Bà Bùi Thị Hồng Hà.
- PV: Xin bà cho biết du khách và các nhà doanh nghiệp có thể tìm thấy gì ở Festival lần này?
- Bà Bùi Thị Hồng Hà: Phát huy kết quả của Mekong Festival lần thứ nhất tổ chức tại Cần Thơ, Tổng cục Du lịch đã đồng ý tổ chức sự kiện này tại An Giang. Đây là sự kiện lớn với các hoạt động văn hóa, du lịch, ẩm thực, thương mại… thu hút 12 tỉnh ĐBSCL, Tây Ninh, TPHCM và một số đơn vị bạn của Campuchia.
Mục đích cuối cùng của Mekong Festival nhằm quảng bá, giới thiệu đến với du khách trong ngoài nước về vùng đất lịch sử có nền văn minh lúa nước, phong tục tập quán của người Nam bộ, văn hóa ẩm thực dân gian, cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú, các làng nghề truyền thống…
Ngoài ra, Mekong Festival còn là dịp để các doanh nghiệp du lịch hợp tác liên kết và tìm kiếm cơ hội đầu tư; còn là dịp các nhà sản xuất kinh doanh quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình thông qua hội chợ thương mại.
Cụ thể là sáng 23-2, Hội chợ triển lãm ngành Du lịch Thương mại sẽ khai mạc, thu hút trên 350 gian hàng với các ngành nghề đa dạng trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ; sản phẩm của các làng nghề nổi tiếng ở Nam bộ như bánh tráng Mỹ Lồng (Bến Tre), bánh pía Sóc Trăng, dệt chiếu, mỹ nghệ dừa, dệt lụa Tân Châu, làng nem Lai Vung… Bên cạnh đó có một hội thảo chủ đề “Tiềm năng và sản phẩm du lịch sông nước Cửu Long”. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp du lịch ĐBSCL tìm tiếng nói chung.
Trước đêm diễn ra lễ khai mạc (23-2-2006), đoàn đua xe đạp tay cầm ngang (xuất phát ngày 18-2-2006) sẽ di chuyển từ An Giang sang tỉnh Kandal (Campuchia) rồi vòng về Vĩnh Long - Cần Thơ, Hậu Giang - Rạch Giá để tuyên truyền cho lễ hội. Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức giải việt dã, giải đua thuyền truyền thống và hai cuộc thi ấn tượng là “Ẩm thực miệt vườn” và “Hướng dẫn viên du lịch duyên dáng”.
Ngoài đêm khai mạc và bế mạc (truyền hình trực tiếp) tái hiện lịch sử khẩn hoang của ông cha ta, các đêm diễn nghệ thuật khác sẽ trải đều trên 3 sân khấu ở hai địa điểm (TP Long Xuyên và TX Châu Đốc) với phần ca múa nhạc đặc sắc mang đậm dấu ấn các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer; trình diễn thời trang lụa Tân Châu và các tiết mục của ca sĩ nổi tiếng đến từ Hà Nội, TPHCM. Các tour du lịch hấp dẫn của các tỉnh ĐBSCL và An Giang cũng đang chờ thời điểm đón khách tham gia Festival.
- Du khách thu được khá nhiều thứ trong Festival, thế còn ngành du lịch An Giang và ĐBSCL sẽ được gì?
- Không như ngành thương mại mau chóng thu hồi vốn, ngành du lịch An Giang nói riêng và ở ĐBSCL chủ yếu là tự phát triển và chưa được đầu tư đúng mức. Muốn “thu hoạch” từ du lịch, chúng ta phải quy hoạch lâu dài các tuyến điểm, đội ngũ hướng dẫn viên và có chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Festival lần này, cơ sở vật chất ở An Giang đáp ứng được 60% nhu cầu vì đây cũng là thời điểm du lịch tâm linh hàng năm (Lễ hội Bà chúa xứ), mỗi ngày An Giang đón đến hơn 20.000 du khách. Tuy nhiên, du khách sẽ không chỉ chọn cố định các địa danh ở An Giang mà sẽ “vươn ra” các tỉnh xung quanh như Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp bởi các địa phương bạn đều có đủ biển, núi, rừng, sông nước.
Sau Festival, ngành du lịch các tỉnh sẽ liên kết lại để xây dựng chương trình dài hơi hơn có đủ “hương vị” và “món ngon” đa dạng, tránh trùng lắp. Làm sao “giữ chân” du khách lâu hơn bằng các tour lên rừng xuống biển, thăm làng nghề, du lịch tâm linh… chứ không ai “đổ đường” xuống Kiên Giang chỉ để tắm biển; đến An Giang chỉ để leo núi, viếng Bà; đến Bến Tre, Vĩnh Long chỉ để dạo sông nước; đến Cà Mau, Đồng Tháp chỉ để vào rừng ngập mặn. Họ cần sản phẩm đa dạng, không trùng lắp và chúng ta cần ngồi lại với nhau tạo ra nó, đó là sự sống còn của ngành du lịch ĐBSCL!
- Xin cảm ơn bà.
MINH ANH (thực hiện)