Nhiều đôi uyên ương là người lao động nghèo không có khả năng tự tổ chức lễ cưới đã được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM tổ chức lễ cưới tập thể. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, chúng tôi tìm đến, thăm hỏi về cảnh sống của các cặp vợ chồng này hiện nay.
Theo con hẻm ngoằn ngoèo trong đường số 9 (ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TPHCM), chúng tôi đến nhà anh chị Ung Văn Thông và Hoàng Thị Hồng Thảo, một đôi vợ chồng trong lễ cưới tập thể năm 2011. Chị Thảo mới sinh bé trai kháu khỉnh hơn 2 tháng. Vừa dỗ con ngủ, chị vừa kể: “Lúc mang bầu, sức khỏe không ổn, tôi phải xin nghỉ việc sớm, nên không còn tiền cấp dưỡng nuôi con. Giờ đây, mọi chi tiêu trong gia đình một mình chồng gánh vác. Với thu nhập nhân viên xây dựng ít ỏi, nên hết giờ làm, anh Thông lại phải chạy làm thêm rất vất vả. Hàng ngày anh đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà. Cảnh sống vợ chồng thiếu trước hụt sau, phải mượn tiền chỗ nọ đắp chỗ kia. Nhưng rồi cũng vượt qua thôi, chúng tôi dặn nhau vợ chồng phải đồng cam cộng khổ vượt khó”.
Hơn 20 giờ, anh Thông mới đi làm về. Anh tâm sự thân tình: “Hồi đó, chúng tôi yêu nhau đã 3 năm nhưng không có điều kiện tổ chức đám cưới. Chúng tôi dự định chỉ đưa nhau đi đăng ký kết hôn, ra tiệm ảnh chụp chung một tấm ảnh, rồi về nhà làm mâm cơm là xong. Hay tin Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM tổ chức lễ cưới tập thể cho các đôi lứa nghèo, chúng tôi vội vàng đến đăng ký, và may mắn được chọn. Đó là một kỷ niệm đẹp và chúng tôi vẫn tâm niệm xây đắp một gia đình đầm ấm, xứng đáng với tấm lòng ưu ái vun đắp của mọi người”.
Đến thăm anh chị Vũ Như Tường và Lê Thị Mỹ Danh, cũng là một đôi vợ chồng trong lễ cưới tập thể năm 2011, chúng tôi an tâm khi thấy họ đang sống tại một căn hộ chung cư ở quận 2. Tuy nhiên, hỏi ra mới hay có đến 3 cặp vợ chồng sống chung ở căn hộ này. Anh Tường đang làm tài xế, còn chị Danh làm nhân viên một công ty, thu nhập còn thấp nên họ chưa dám tính chuyện sinh con và ra ở riêng. Họ cũng xác định “vạn sự khởi đầu nan”, nên đang rất nỗ lực chung tay vượt khó, xây dựng mái ấm gia đình.
Một đôi uyên ương đặc biệt trong lễ cưới tập thể mà chúng tôi đã rất ấn tượng là Nguyễn Cẩm Tú và Phạm Thị Quý. Họ cùng cảnh ngộ bị khuyết tật điếc câm, đã phải gắng vượt qua sự can ngăn của hai gia đình để đến được với nhau. Gặp lại Tú - Quý, chúng tôi cảm động chứng kiến dù chỉ có thể giao tiếp bằng tay ra dấu, nhưng đôi vợ chồng vẫn đang sống hạnh phúc bên nhau. Làm chung công ty, cứ mỗi buổi sáng, Tú dậy sớm phụ giúp mẹ dọn hàng bán, rồi chở Quý đến Bình Chánh chờ xe của công ty đón đến chỗ làm việc ở Khu công nghiệp Bến Lức (Long An). Hết giờ làm việc, Tú và Quý lại cùng nhau đến Tổ chức Cộng đồng điếc câm TPHCM (ở quận 3) tham gia các hoạt động giúp nhiều người cùng cảnh ngộ khuyết tật điếc câm về khả năng giao tiếp bằng tay để có thể hiểu và hòa đồng với mọi người.
SƠN HẢI