Suốt thập kỷ qua, Việt Nam đã, đang triển khai hàng loạt chính sách quốc gia, các hoạt động cụ thể về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đối khí hậu. Điều này thể hiện sự tích cực, chủ động chung tay góp sức của nước ta với cộng đồng quốc tế. Theo các chuyên gia, với gần 14 triệu ha rừng, ước tính Việt Nam có thể nhận được từ 80-100 triệu USD/năm thông qua bán quyền phát thải khí nhà kính cho các nước công nghiệp.
Đến năm 2030 nước ta phấn đấu đạt ít nhất 90% dân cư thành thị và 80% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. Ảnh: Cao Thăng
Nỗ lực thực hiện
Tính đến hết tháng 6-2015, Việt Nam có 254 dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) được Ban chấp hành quốc tế về CDM (EB) công nhận. Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về số lượng dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, với tổng lượng tiềm năng giảm khoảng 137,4 triệu tấn CO2 tương đương trong thời kỳ tín dụng. Trong số 254 dự án, các dự án về năng lượng chiếm 87,6%; xử lý chất thải chiếm 10,2%; trồng rừng và tái trồng rừng chiếm 0,4%; các loại khác chiếm 1,8%. Số chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận (CER) do EB cấp đến nay trên 12 triệu, đứng thứ 11 trên thế giới.
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, như: “Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” (năm 2006), Luật “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” (năm 2010). Chính phủ cũng có chính sách ưu tiên, như: Phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng, điều kiện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. Các chính sách này khuyến khích sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, sinh hoạt thông qua các công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, nước ta có nhiều nỗ lực trong bảo vệ rừng, trồng rừng và là một trong những quốc gia tham gia thực hiện Chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+). Thêm nữa, Việt Nam cũng tham gia INDC (dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định) gồm hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm các đóng góp vô điều kiện và có điều kiện. Các đóng góp vô điều kiện là các hoạt động sẽ được thực hiện bằng nguồn lực trong nước; ngược lại đóng góp có điều kiện có thể được thực hiện nếu nhận được nguồn hỗ trợ tài chính mới và bổ sung, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lượng từ quốc tế. INDC Việt Nam xác định lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn từ năm 2021-2030 như sau: Đến năm 2030 sẽ giảm 8% (cần số tiền khoảng 3,2 tỷ USD) lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản thông thường (BAU); có thể tăng lên 25% (khoảng 21 tỷ USD) nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế.
Nâng chất lượng sống cho người dân
Thống kê của Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu cho thấy, trong giai đoạn 2001-2010, nước ta có gần 10.000 người chết và mất tích liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu; gây thiệt hại kinh tế khoảng 1,5% GDP mỗi năm. Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình nước ta tăng khoảng 0,5oC, mực nước biển dâng khoảng 20cm. Các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai có xu hướng ngày một gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ. Biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai, nhất là bão, lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt. Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2012, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam có thể tăng từ 2-3oC, lượng mưa tăng vào mùa mưa, giảm vào mùa khô, nước biển dâng từ 78-100cm.
Các lĩnh vực, khu vực và đối tượng dễ bị tổn thương phải kể tới: nông nghiệp, các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng và hạ tầng kỹ thuật; đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung; người nghèo, dân tộc thiểu số, người già, phụ nữ và trẻ em, người bệnh tật… Trước những khó khăn, thách thức trên, các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 của Việt Nam phấn đấu đạt các tiêu chí cụ thể, gồm: Đạt ít nhất 90% dân cư thành thị và 80% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. 100% dân số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Giảm 2% mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước, riêng các huyện xã nghèo giảm 4% mỗi năm. Hoàn thành 100% các khu xây dựng neo đậu tàu - thuyền tránh trú bão, 100% tàu - thuyền đánh bắt xa bờ có đủ thiết bị thông tin liên lạc. Nâng độ che phủ rừng lên 45%, nâng diện tích rừng phòng hộ ven biển lên 380.000ha…
Hiện Việt Nam là một trong số 19 nước thực hiện Chương trình REDD+ nhận được tài trợ từ Quỹ đối tác các bon toàn cầu. Theo đó, từ năm 2016-2020, nước ta sẽ triển khai thực hiện REDD+ trên cả nước để bán quyền phát thải khí nhà kính cho các nước phát triển. Khi đó, các nước phát triển sẽ chi trả cho hoạt động trồng rừng để hấp thụ khí CO2 thông qua các thông số kỹ thuật đo đạc. Theo các nhà khoa học, với gần 14 triệu ha rừng, ước tính Việt Nam có thể nhận được từ 80-100 triệu USD mỗi năm thông qua bán quyền phát thải khí nhà kính cho các nước công nghiệp.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng - Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc Việt Nam nỗ lực chung tay giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu mở ra nhiều cơ hội. Cụ thể, các ưu tiên trong INDC chính là ưu tiên của nước ta từ nay đến năm 2030. Khi đã đưa vào nội dung này, thì quốc gia trước hết phải ưu tiên nguồn lực để thực hiện. Qua đó giúp cho Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế của mình, tạo ra tính cạnh tranh trong nền kinh tế; đồng thời cũng là cơ hội để tiếp nhận những trang thiết bị tiên tiến trên thế giới.
GIA HÂN