Tôi chạy xe máy trên đường đi làm, thấy phía trước có cậu học trò ngồi trên xe máy sau lưng mẹ, đang tranh thủ ăn vội hộp cơm. Khi ăn xong, cậu học trò thản nhiên quăng vỏ hộp xốp vẫn còn sót lại một phần cơm xuống đường khiến cơm văng tung tóe.
Lúc dừng đèn đỏ, tiện đứng gần, tôi nhẹ nhàng góp ý với bà mẹ của cậu bé rằng nên chú ý nhắc con đừng vứt rác bừa bãi ra đường như vậy. Người phụ nữ này không những không tiếp thu mà còn sừng sộ chửi bới lớn tiếng rằng: “Con tôi làm gì kệ con tôi, đừng ngứa miệng!”. Rõ ràng, khi người lớn thiếu ý thức ứng xử văn hóa thì con họ cũng sẽ thiếu ý thức như vậy thôi.
Hàng ngày trên đường đi làm, tôi vẫn thấy nhiều người dân ngụ dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt xả rác trực tiếp xuống miệng cống thoát nước. Có người ngồi trong nhà ăn sáng xong, thay vì mang bịch xốp đựng đồ ăn bỏ vào thùng rác thì họ lại đem ra ngoài đường để thả vào miệng cống thoát nước. Người đi đường mang theo ly nước mía, uống xong, tiện dừng xe chỗ đèn đỏ cũng vứt xuống miệng cống thoát nước. Có nhiều người quét vỉa hè trước nhà mình, cứ tuôn cát xuống rãnh thoát nước, dần dần rãnh thoát nước tắc nghẽn, không thể thoát nước khi trời mưa. Cũng thường thấy trên đường việc hành khách trên xe buýt, xe khách ăn uống xong tiện kéo cửa vứt rác ra ngoài đường mặc cho người đi xe máy phải hứng chịu. Nhiều người bán hàng rong trên vỉa hè cũng hay xả thẳng rác ra đường, chứ không chịu khó bỏ rác vào thùng rác kế bên.
Ngồi kế bên thùng rác nhưng người bán hàng rong trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) vẫn xả rác xuống đường
Những người có lòng tự trọng đều thấy xấu hổ mỗi khi xem các hình ảnh những du khách nước ngoài lui cui nhặt rác trên đường phố, trên bãi biển của chúng ta. Còn nhớ, cách nay không lâu, nhằm kêu gọi người Việt Nam ý thức giữ vệ sinh môi trường, một thanh niên Mỹ đang sinh sống ở Việt Nam đã đưa lên trang Facebook của anh ta hình ảnh người Việt xả rác bừa bãi ngay cả ở những nơi trang nghiêm, nơi có biển cấm. Thế nhưng, sau khi các hình ảnh đó lan truyền trên Facebook, anh này lại bị nhiều bạn trẻ “ném đá” vì cho rằng đây là hành động bươi móc bêu riếu cái xấu của người Việt một cách thiếu thiện chí. Có người còn cho rằng nếu là người tốt thì “ông tây” này hãy đi lượm rác, thay vì đứng đó chụp hình! Lẽ ra chúng ta nên coi đó là một lời góp ý chân thành và biết ý thức hơn, đừng để khách tới nhà chê nhà ta dơ bẩn.
Khi người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi thì đường phố mới có thể sạch đẹp. Mọi người hãy biết ngượng ngùng khi xả rác ra đường, biết khó chịu khi bắt gặp người nào đó xả rác bừa bãi, biết nhặt rác trên đường phố bỏ vào đúng nơi quy định. Đó chính là thái độ tích cực với môi trường và là ứng xử văn hóa. Thành phố không thể sạch đẹp nếu chỉ có sự nỗ lực từ một phía là chính quyền, mà chưa xây dựng được ý thức tự giác giữ vệ sinh của cư dân.
MAI LY (quận 9, TPHCM)