Chẳng cần phải tìm hiểu xa xôi. Cũng không cần tra cứu trên mạng internet. Chuông đồng hồ dĩ nhiên ra đời sau khi có đồng hồ cơ khí.
Đồng hồ cơ khí đến Hà Nội hẳn phải có nguồn gốc từ người Pháp mang sang hoặc người Việt mang từ Pháp về. Cửa ngõ đến với nền văn minh cơ khí châu Âu của người Việt ban đầu chỉ có thế. Trước khi có đồng hồ cơ khí, người Việt phải dùng đồng hồ cát hoặc đồng hồ nước có xuất xứ từ Trung Hoa. Đấy là hạng giàu có. Bình dân chỉ nhìn mặt trời đã lên quá ngọn tre nửa con sào… để biết thời khắc. Tai em nghe giọt đồng hồ nó kêu thánh thót…, liền chị quan họ xứ Kinh Bắc hát như thế và người ta dựa một phần vào lời ca để suy ra rằng quan họ ít nhất có lịch sử từ thời đồng hồ nước. Kể ra suy luận ấy cũng đẫm đầy tinh thần tự hào gốc tích xa xưa của quan họ. Rất có thể “… giọt đồng hồ…” ở câu hát ấy là nói đến chiếc đồng hồ đeo tay Willer chưa cổ lắm của Thụy Sĩ. Tiếng máy của nó ban đêm nghe như nước nhỏ giọt trong veo thánh thót buồn.
Giờ thì ta có thể biết chính xác chiếc đồng hồ công cộng có chuông đầu tiên ở Hà Nội ra đời cùng với việc xây dựng Nhà Thờ Lớn vào năm 1886. Chiếc đồng hồ mặt số La Mã tráng men sứ vẫn lành lặn đẹp đẽ và chạy đúng giờ cho đến tận hôm nay. Không biết hệ thống cơ khí đấu nối đồng hồ với gác chuông thế nào, lũ trẻ gần nhà thờ tin rằng có người túc trực kéo chuông đúng giờ suốt ngày đêm. Chỉ lạ là tiếng chuông phát ra không phải từ một mà khá nhiều quả chuông có âm sắc khác nhau. Lũ trẻ cãi nhau chuyện có bao nhiêu người đánh chuông suốt cả thời đi học cấp I.
Những đồng hồ điện tử công cộng ra đời sau này ở Bưu điện, bến xe điện Bờ Hồ, Ga Hà Nội, Cửa Nam duy nhất chỉ đồng hồ Bưu điện có chuông. Dĩ nhiên không phải là tiếng chuông thật. Chuông của nó là vài chục chiếc loa nén đặt dưới chân đồng hồ chĩa ra bốn hướng. Tiếng chuông giả nghe chóng chán. Và quên. Kể như nó ở xa chuông Nhà Thờ Lớn hơn tí nữa thì có lẽ cũng không đến nỗi nào. Lâu lắm rồi không mấy ai để ý đến tiếng chuông loa nữa.
Vài tay chơi Hà Nội có thú sưu tầm đồng hồ quả lắc treo tường cổ. Tiếng chuông được thiết kế gõ một đoạn nhạc cổ điển sang trọng lên dàn gons thép đặt trong hộp cộng hưởng gỗ vỏ đồng hồ. Trò chơi cũng tinh vi li kỳ như chơi chim hót. Không phải hai chiếc đồng hồ cùng nhãn hiệu nào cũng có tiếng chuông hay như nhau. Và cứ thế ỏm tỏi chuông ông chuông tôi y như cánh chơi chim tranh luận chim ông chim tôi vậy.
Đồng hồ chuông để bàn thịnh hành nhất vào những năm chiến tranh và bao cấp. Có nhiều nguyên nhân khiến người ta ngủ quên không tiện nói ra làm gì. Nhưng con đường đã chọn cũng chẳng thể vừa ngủ vừa đi. Nhà nào cũng phải có một chiếc đồng hồ báo thức. Đồng hồ Jaz chạy cót để bàn còn lại từ thời Pháp vẫn chạy tốt. Gia đình Hà Nội cũ thường có đồng hồ này. Chuông của nó kêu váng nhà đủ đánh thức ít nhất hai hàng xóm. Đồng hồ bàn Slava của Nga có hai loại bán phân phối. Cán bộ to được mua đồng hồ nhỏ và ngược lại. Dĩ nhiên chuông đồng hồ nhà cán bộ nhỏ gióng giả giục giã hơn và cũng ngược lại. Chuông kêu vang nhưng nắp đáy nhanh gỉ và bưởng máy cũng chóng mòn. Phải mang thuê thợ dồn lại cho chạy tiếp. Người thợ đồng hồ thủ công lúc ấy có cách dồn lỗ bưởng cho nhỏ lại khít với chân trục bánh xe rất tinh vi. Diêm dúa nhất là đồng hồ Trung Quốc có con gà mổ thóc hoặc vệ tinh ba đuôi quay quanh mặt số màu xanh thăm thẳm da trời. Cùng màu với mặt số chiếc đài bán dẫn Xiongmao và chiếc ví nhựa mềm có in hình quảng trường Thiên An Môn. Chiếc đồng hồ này có hai nắp chuông mạ vàng trên nóc. Tiếng kêu cũng óng ả nuột. Chỉ phải mỗi tội cót chuông rất hay đứt nên phần lớn trở thành đồng hồ câm sau vài tháng réo rắt. Tuy thế nó vẫn là báu vật. Ở nông thôn người ta luôn cất trong tủ ly kính lùa đặt ngay cạnh bàn uống nước.
Thật ngạc nhiên bây giờ chẳng ai là người còn thích tiếng chuông đồng hồ báo thức nữa. Ở nhà thường dùng đồng hồ điện tử treo tường. Chọn loại không phát ra tiếng động mà mua. Nhiều người mất ngủ sợ cả tiếng cọt kẹt kim giây đồng hồ pin trên tường. Và thực ra còn không cần cả đến chiếc đồng hồ nữa. Giờ giấc hiện diện trên rất nhiều đồ vật sinh hoạt hàng ngày đến mức không đeo đồng hồ cũng chẳng sao. Vào bếp có đồng hồ ở lò vi sóng. Đi ngủ có đồng hồ hẹn giờ ti vi. Ra đường có đồng hồ ở điện thoại cầm tay. Ngồi ô tô có đồng hồ trên xe. Đến cơ quan có đồng hồ trên màn hình máy vi tính. Xông hơi có đồng hồ cát trong phòng Sauna kín mít. “Ông hoàng” ca nhạc sẵn sàng nhường cả ngai vàng nhưng đeo đồng hồ chỉ để báo mất. Hoa hậu người mẫu đeo đồng hồ tiền tỷ để cho người khác xem. Hẹn gặp người lề mề thì đồng hồ có cũng như không. Giống như đi máy bay của hãng Delay Airline vậy.
Cứ như vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài. Con người bây giờ hết sức tỉnh táo chẳng cần chuông báo thức. Rồi cũng đến lúc tiếng chuông đồng hồ chỉ còn ngân nga trong ký ức…
9-2013
ĐỖ PHẤN