Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động trường đại học
(SGGP). – Sau khi nghe Bộ GD-ĐT báo cáo về đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với 4 trường đại học trực thuộc bộ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập vừa có văn bản chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì thành lập tổ công tác liên ngành để phối hợp với các bộ, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện nội dung đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với 4 trường đại học trực thuộc bộ, trình Thủ tướng xem xét trước 30-4-2014 và phê duyệt trước ngày 30-5-2014.
Riêng về vấn đề tài chính của các trường thực hiện đổi mới, đề án cần quy định rõ những công việc được thu tiền dịch vụ và những công việc nào không được thu thêm tiền ngoài học phí. Phân biệt rõ việc thu lệ phí và việc thu tiền để thực hiện các dịch vụ đào tạo ngoài học phí. Lệ phí cần thực hiện theo quy định chung của nhà nước. Các chính sách thu của trường phải được công bố công khai, quản lý chặt chẽ, phục vụ đúng mục đích. Về học phí, căn cứ vào các quy định hiện hành, thực tiễn chi phí và khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo để tính toán và đề ra được quy định về mức thu học phí đối với các đơn vị thí điểm theo từng nhóm ngành theo hướng có quy định cụ thể về khung học phí được phép thu đối với từng nhóm ngành hoặc gắn với tiêu chí đáp ứng điều kiện phục vụ dạy và học trong từng giai đoạn. Đối với các chương trình chất lượng cao được thu học phí tương xứng chi phí đào tạo theo yêu cầu và sự thỏa thuận giữa người học và cơ sở đào tạo.
Về cơ chế cấp phát, Phó Thủ tướng yêu cầu có quy định phù hợp theo hướng hạn chế tối đa việc giao cho các trường thực hiện việc miễn, giảm các khoản thu đối với học sinh, sinh viên diện chính sách, đối tượng ưu tiên (nhà nước cấp phát phần miễn, giảm để người học nộp cho trường). Bộ Tài chính đề xuất về việc thay đổi cơ chế cấp phát từ ngân sách để hỗ trợ cho các đối tượng người học.
Theo đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với 4 trường trực thuộc Bộ GD-ĐT là Đại học Ngoại thương, Đại học Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TPHCM. Sau đó sẽ tiếp tục triển khai mở rộng tới các đơn vị khác. Trong dự thảo tờ trình Thủ tướng, Bộ GD-ĐT kiến nghị các trường được tự chủ được thu mức học phí không vượt quá 3 lần khung học phí theo quy định hiện hành (Nghị định 49 của Chính phủ) cho từng ngành đào tạo, dự kiến cho cả khóa học và công khai trước khi tuyển sinh...
* Ngày 28-3, tại TPHCM, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Bộ GD-ĐT và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) tổ chức lễ phát động và triển khai dự án “Nón bảo hiểm đạt chuẩn cho gia đình”. Dự kiến trong năm đầu tiên triển khai dự án sẽ có hơn 20.000 nón bảo hiểm đạt chuẩn được trao tặng miễn phí cho học sinh và giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM. Ngoài ra, sẽ có hơn 4.000 nón bảo hiểm đạt chuẩn được trợ giá (mức trợ giá lên đến 65%) được trao tận tay phụ huynh.
Cùng ngày, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Trường Trung cấp Đại Việt tổ chức hội thảo về công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, hiện nay mới có 99/294 trường TCCN hoàn thành tự đánh giá chất lượng, chiếm khoảng 33,67%.
Ngày 28-3, hơn 1.500 học sinh đến từ 20 trường tiểu học trên địa bàn quận 1 đã tham gia ngày hội học sinh tiểu học năm 2014 với chủ đề “Âm vang ký ức Điện Biên”.
Cùng ngày, Hội Khuyến học TPHCM đã triển khai kế hoạch về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”.
NHÓM PV
|