Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó

Hơn 4 tháng triển khai thực hiện, chương trình “Đồng hành vượt cạn” do Báo SGGP phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM, Hội Hộ sinh TPHCM và sự đồng hành tài trợ của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE), Quỹ Công tác xã hội Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Trọng Bình đã hỗ trợ hơn 1.710 thai phụ hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Ngày 14-1, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) tổ chức tổng kết chương trình “Đồng hành vượt cạn”. Tham dự chương trình có Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Phan Kiều Thanh Hương; PGS.TS Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức TPHCM; BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Chủ tịch Hội Hộ sinh TPHCM; ThS. ĐD Nguyễn Thị Tuyết Hằng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hộ sinh TPHCM; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM Cao Thị Ngọc Dung; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nữ Doanh nhân TPHCM Nguyễn Thị Hạnh; Trưởng Ban điều hành Quỹ CTXH Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Trọng Bình - bà Phan Hương Giang…

Về phía đơn vị tổ chức, có Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh.

Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 1 Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh trao hỗ trợ cho các thai phụ tại lễ tổng kết chương trình “Đồng hành vượt cạn”. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Hành trình ý nghĩa

Phát biểu tại chương trình, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh cho biết, với mong muốn góp sức cùng Đảng bộ và chính quyền nhân dân TPHCM, thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, Báo SGGP đã tổ chức nhiều chương trình trợ giúp người nghèo như: Xe gạo nghĩa tình, Một gia đình trợ giúp một gia đình… Trong đó, chương trình “Đồng hành vượt cạn” được chú trọng tổ chức xuyên suốt những ngày khó khăn đó để hỗ trợ kịp thời đến phụ nữ mang thai có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 4 tháng qua, chương trình “Đồng hành vượt cạn” đã đến với chị em phụ nữ mang thai như một sự thông cảm, sẻ chia kịp lúc. 

“Chương trình đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, được triển khai nhanh chóng, kịp thời, mang ý nghĩa thiết thực, nhân văn sâu sắc, được dư luận, đồng nghiệp và người dân đánh giá cao. Đến nay, chương trình trao hỗ trợ cho 1.710 thai phụ, với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng. Đây là sự cố gắng rất lớn của Báo SGGP, đơn vị tài trợ và các đơn vị đồng hành trong bối cảnh nhiều khó khăn vì dịch bệnh”, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ. 

Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 2 Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh phát biểu tại chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nhớ lại hành trình ý nghĩa suốt 4 tháng qua của chương trình, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh xúc động: Những ngày tháng cả thành phố tăng cường giãn cách nghiêm ngặt, đội ngũ thực hiện chương trình đã lặn lội xuống huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, quận 7… đến trực tiếp từng xã, phường, từng ngôi nhà trọ để trao hỗ trợ. “Chúng tôi không sao quên được những giọt nước mắt trên gương mặt các thai phụ nhận hỗ trợ. Họ có lẽ cũng bất ngờ, giữa khó khăn chồng chất khi cả thành phố gồng mình chống dịch, lại có những người xa lạ tìm đến an ủi, cùng sẻ chia gánh nặng cho kỳ sinh nở”, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh bày tỏ. 

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh, thành công của chương trình còn là sự nỗ lực rất lớn của Hội LHPN TPHCM và các cấp hội ở địa phương cũng như sự tận tâm của các thành viên Hội Hộ sinh TPHCM. Các chị không quản vất vả, khó khăn, thường xuyên gắn kết, trao đổi với Báo SGGP, đội ngũ thực hiện chương trình để sắp xếp thời gian, thống nhất cách thức đi thăm, trao hỗ trợ cho thai phụ kịp thời và an toàn nhất có thể.

“Nếu không có sự nhiệt tâm, tận tình ấy, chương trình chắn chắn sẽ khó hoàn thành mục tiêu như mong muốn ban đầu. Nói như chị Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty PNJ, sự chia sẻ không chỉ là tiền, mà đó là sự chăm sóc tận tình, chu đáo”, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh.

Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 3
Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 4 Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong trao hoa và thư cảm ơn đến các đơn vị phối hợp, đồng hành cùng chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 5 Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân trao quà cho các thai phụ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM, trao quà cho các thai phụ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
“Thông qua chương trình, đã có 1.710 thai phụ sinh nở mẹ tròn con vuông. Các cháu sẽ là mầm non hy vọng của thành phố. Khi các cháu lớn lên, chắc chắn rằng trong ký ức, qua lời kể của mẹ cha, các cháu sẽ thấy ấm lòng bởi mình đã được sinh ra giữa vòng tay yêu thương của biết bao người trong cơn đại dịch mà cả nhân loại phải dồn sức đối phó” - Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh. 

Đến với từng hoàn cảnh lúc ngặt nghèo

Dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ tư, bắt đầu cuối tháng 4-2021. Trong điều kiện TPHCM thực hiện giãn cách dài ngày để chống dịch, biết bao người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt phụ nữ có thai gặp nhiều gian nan từ việc thăm khám định kỳ đến quá trình sinh nở. Càng xót xa hơn đối với các thai phụ là công nhân, người lao động đơn thân xa nhà, người không có nơi ở ổn định. Các chị, em bị mất việc làm, không có thu nhập, tiền ăn, tiền thuê nhà trọ còn không lo nổi, bữa cơm mỗi ngày phải trông chờ sự trợ giúp, chia sẻ của chính quyền và cộng đồng. Đến kỳ sinh nở đúng vào những ngày thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, giữa lúc túi đã cạn tiền, viện phí không biết lấy gì để đóng, chi phí cho một đứa trẻ sơ sinh cũng không hề nhỏ… nhiều chị em rơi vào tình cảnh rất ngặt nghèo. 
Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 7 Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân trao quà cho các thai phụ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Từ những trăn trở đó, chương trình “Đồng hành vượt cạn” có được nguồn lực khá mạnh mẽ từ các đơn vị, tổ chức để trợ giúp kịp thời 1.710 thai phụ vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông giữa thời điểm khó khăn nhất của đại dịch Covid-19. Chính sự chung tay đóng góp vô điều kiện, trên tinh thần tất cả vì người dân TPHCM của các tổ chức, doanh nghiệp, của nhiều cá nhân trong và ngoài TPHCM đã giúp chương trình tạo được sự thành công. 

Phát biểu tại lễ tổng kết, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân cho biết, chương trình “Đồng hành vượt cạn” đã tổ chức xác minh từng hoàn cảnh ở khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức; lần lượt trao hỗ trợ theo từng đợt, ưu tiên trao trước cho các trường hợp sắp đến ngày sinh. Vận hành trong bối cảnh thành phố cùng cả nước nỗ lực phòng chống Covid-19, chương trình là cầu nối những tấm lòng sẻ chia trong giai đoạn khó khăn cho phụ nữ đang mang thai phải chống chọi với dịch bệnh, kịp thời hỗ trợ các thai phụ đảm bảo sức khỏe và các điều kiện sinh nở được “mẹ tròn, con vuông”.

Chủ tịch Hội LHPN TPHCM đánh giá cao các đơn vị tổ chức, phối hợp và đồng hành thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chương trình, có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời. Các đơn vị tiếp nhận, khảo sát đúng đối tượng theo tiêu chí của chương trình, thực hiện các thủ tục để chuyển kinh phí hỗ trợ đến tận tay các thai phụ được nhanh chóng. Ngoài ra, công tác chuyên môn, tư vấn và các thủ tục cần thiết trong trường hợp các thai phụ thuộc chương trình cần giúp đỡ hoặc có vấn đề phát sinh trong quá trình sinh nở và hỗ trợ xe cho thai phụ đi sinh được thực hiện chu đáo, kịp thời.

Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 8 Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Từ ý nghĩa nhân văn và hiệu quả đạt được, chương trình tiếp tục nhận được sự đồng hành hỗ trợ của các nhà hảo tâm, những tấm lòng chia sẻ được lan tỏa nhiều hơn, số thai phụ có hoàn cảnh khó khăn trong lúc ngặt nghèo được thụ hưởng nhiều hơn so với mục tiêu ban đầu của chương trình. Cụ thể, hỗ trợ 1.710/1.000 trường hợp, đạt 170%. Các đơn vị đã đồng hành phụ nữ và trẻ em thành phố trong giai đoạn đang còn nhiều khó khăn trong thực hiện công tác phòng chống dịch, góp phần tiếp thêm sức mạnh, đẩy lùi dịch bệnh, mang lại bình an, sức khỏe cho người dân và ổn định thành phố”, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân chia sẻ. 

Tại lễ tổng kết, ban tổ chức chương trình “Đồng hành vượt cạn” cũng trao những phần hỗ trợ đợt cuối đến các thai phụ dự sinh trong tháng 1 và 2-2022. Đến tham dự chương trình, ngoài các thai phụ nhận hỗ trợ còn có các chị em đã được chương trình đồng hành, trợ giúp trong quá trình vượt cạn “mẹ tròn, con vuông”. 

Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 9
Các thai phụ đến tham dự lễ tổng kết chương trình “Đồng hành vượt cạn”. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Dịp này, ghi nhận tâm huyết, công sức của các đơn vị, cá nhân tham gia thực hiện chương trình “Đồng hành vượt cạn”, Hội LHPN TPHCM trao tặng bằng khen cho 5 tập thể là Báo SGGP, Công ty PNJ, Hội Nữ Doanh nhân TPHCM, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương và 9 cá nhân đã có những đóng góp tích cực cho chương trình. 

Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 11 Hội LHPN TPHCM trao bằng khen cho Báo SGGP. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 12  Hội LHPN TPHCM trao tặng bằng khen cho 5 tập thể là Báo SGGP, Công ty PNJ, Hội Nữ Doanh nhân TPHCM, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương
Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 13
Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 14  Hội LHPN TPHCM trao tặng bằng khen cho 5 tập thể là Báo SGGP, Công ty PNJ, Hội Nữ Doanh nhân TPHCM, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương và 9 cá nhân đã có những đóng góp tích cực cho chương trình

* Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong: Sự chung tay ươm mầm của những tấm lòng nhân ái

4 tháng vừa rồi là thời gian ý nghĩa của thành phố. Đối với người bình thường trải qua dịch bệnh đã rất khó khăn thì nỗi nhọc nhằn ấy ở các thai phụ chắc chắn gấp nhiều lần hơn. Do đó, chương trình “Đồng hành vượt cạn” với sự chung tay của các đơn vị phối hợp, đồng hành mang tính nhân văn rất cao, mang lại hỗ trợ kịp thời, thiết thực.

Hơn 1.710 chị em đã vượt qua thời gian khó khăn vừa rồi, vượt qua sự kiện lớn lao trong đời người là chừng đó các hoàn cảnh được quan tâm, chăm lo. Từ chuyện có thêm chút kinh phí thăm khám rồi đi sinh, có thêm các hộp sữa cho mẹ bầu, cho bé đến có thêm xe đưa đến nơi sinh an toàn… Đó là những điều thật sự ý nghĩa.

Thay mặt Báo SGGP và các chị em phụ nữ được hỗ trợ tận tình, chúng tôi cảm ơn các đơn vị đồng hành, các doanh nghiệp. Chương trình thành công chính là từ sự chung tay ươm mầm của tất cả những tấm lòng nhân ái. 

Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 15 Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong phát biểu tại chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

* Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM: Đồng cảm sâu sắc với những khó khăn của thai phụ

PNJ cũng như Hội Nữ doanh nhân TPHCM luôn quan tâm các hoạt động vì cộng đồng. Nhất là trong đợt dịch vừa qua, nhiều chị em phụ nữ mắc kẹt tại TPHCM, mất thu nhập và cũng không thể về quê để sinh con. Là phụ nữ, chúng tôi đồng cảm sâu sắc với những khó khăn ấy. Khi chương trình “Đồng hành vượt cạn” được thực hiện, trực tiếp đến thăm, tặng quà các thai phụ, tôi xúc động khi có chị em gần ngày sinh nở mà chưa biết sinh đâu vì không còn tiền. Nhìn niềm vui qua ánh mắt của các thai phụ, chúng tôi thấy ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình mà Báo SGGP đã kịp thời triển khai thực hiện. Cảm ơn chương trình đã giúp chúng tôi có cơ hội được tiếp sức cho các thai phụ khó khăn. 

Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 16 Bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ cùng 1 thai phụ tại chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

* Chị Phan Thị Tố Như (quận 4): Động lực để bước tiếp trên con đường phía trước

Ngày tôi đi sinh ở bệnh viện, trong túi chỉ có vài trăm ngàn. Chồng tôi mất vì Covid-19, nên hành trình "vượt cạn" của mình, tôi chỉ "bước tiếp" một mình. Trong thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời, chương trình “Đồng hành vượt cạn” đã đến giúp sức cho tôi. Nhờ sự giúp sức này, tôi có chi phí mua tã, sữa cho con cũng như thêm động lực để bước tiếp trên con đường phía trước. Với tôi, đây là cái ơn mình sẽ mãi ghi nhớ. Bởi nhờ đó, con tôi mới có điều kiện ra đời khỏe mạnh. 

Chương trình “Đồng hành vượt cạn”: Cùng thai phụ đi qua những ngày gian khó ảnh 17  Chị Phan Thị Tố Như chia sẻ tại chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục