TPHCM đã hợp tác với nhóm Mô hình tích hợp châu Á - Thái Bình Dương (AIM) tại Nhật Bản (gọi tắt là Nhóm nghiên cứu) để nghiên cứu và đề ra 2 kịch bản cho tầm nhìn kinh tế - xã hội của TPHCM năm 2025 với việc dự báo tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực tiêu thụ năng lượng trực tiếp (như sản xuất điện, giao thông vận tải, hộ gia đình, thương mại - dịch vụ, công nghiệp) và các lĩnh vực không tiêu thụ năng lượng trực tiếp (như nông nghiệp và chất thải).
Các giả định
Nghiên cứu này dự đoán rằng dân số thường trú tại TPHCM sẽ tăng 1,9% mỗi năm; đạt 1,26 lần so với năm 2013. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng ước tính rằng GDP của TPHCM trong năm 2025 sẽ tăng 2,91 lần so với năm 2013 (với mức tăng trưởng trung bình hàng năm trong cả giai đoạn 2013-2025 là 9,3%), tăng từ 764.560 tỷ đồng trong năm 2013 lên 2.227.495 tỷ đồng trong năm 2025 (dựa theo mục tiêu tăng trưởng đề cập trong kế hoạch tổng thể phát triển TPHCM).
Do sự gia tăng dân số và các hoạt động công nghiệp, nhu cầu vận tải trong năm 2025 cũng tăng nhanh chóng với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 3,8%, tăng 1,57 lần so với năm 2013 trong nhu cầu vận tải hành khách; và mức tăng trưởng trung bình hàng năm trong nhu cầu vận tải hàng hóa là 8,6%, tăng 2,68 lần so với năm 2013.
Với sự tăng nhanh của các yếu tố như dân số, nhu cầu vận tải, và hoạt động công nghiệp; tổng tiêu thụ năng lượng tăng 2,56 lần (từ 6.972 ngàn tấn dầu tương đương trong năm 2013 tăng lên 17.859 ngàn tấn dầu tương đương trong kịch bản phát triển bình thường năm 2025) và phát thải khí nhà kính từ hoạt động tiêu thụ năng lượng tăng 2,72 lần so với năm 2013 (từ 28.094 ngàn tấn CO2 tương đương trong năm 2013 lên 76.316 ngàn tấn CO2). Ngoài ra, phát thải khí nhà kính từ hoạt động không tiêu thụ năng lượng tăng 1.52 lần (từ 1.833 ngàn tấn CO2 tương đương trong năm 2013 lên 2.787 ngàn tấn CO2).
Về mặt cấu trúc tiêu thụ năng lượng, có sự chuyển đổi từ tiêu thụ than và dầu sang khí tự nhiên, với mức giảm trong tiêu thụ than và dầu từ 68,2% trong năm 2013 và 65,9% trong kịch bản phát triển bình thường 2025 xuống còn 45,6% trong kịch bản phát triển có biện pháp giảm thiểu 2025. So với kịch bản phát triển bình thường 2025, tiêu thụ than và dầu giảm 50% và tiêu thụ khí tự nhiên tăng 10,85 lần trong kịch bản phát triển có biện pháp giảm thiểu 2025. Tuy nhiên, than và dầu vẫn là những nguồn năng lượng chính, đặc biệt trong các hoạt động sản xuất công nghiệp. Tiêu thụ điện được ước tính tăng 2,7 lần so với năm 2013, từ 17.651 GWh (1.518 ngàn tấn dầu tương đương) trong năm 2013 lên 47.713 GWh (4.103 ngàn tấn dầu tương đương) trong kịch bản phát triển bình thường 2025 và 39.961 GWh (3.436 ngàn tấn dầu tương đương) trong kịch bản phát triển có biện pháp giảm thiểu 2025, đóng góp vào khoảng 22,3% tổng tiêu thụ năng lượng.
Cải thiện sử dụng hiệu quả các thiết bị nung và thu hồi nhiệt giúp giảm tiêu thụ năng lượng. Ảnh: CAO THĂNG
Lượng giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ các hoạt động tiêu thụ năng lượng của TPHCM là 13.460 ngàn tấn CO2 tương đương so với kịch bản phát triển bình thường 2025, không tính đến giảm thiểu từ lưới điện (5.080 ngàn tấn CO2 tương đương). Ngoài ra, TPHCM còn có thể giảm 554 ngàn tấn CO2 tương đương phát thải khí nhà kính từ các hoạt động không tiêu thụ năng lượng. Chính vì thế, tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính của TPHCM trong kịch bản phát triển có biện pháp giảm thiểu 2025 là 14.014 ngàn tấn CO2 tương đương (không tính tới lượng giảm 5.080 ngàn tấn CO2 tương đương từ lưới điện), đạt mức giảm 17,7% so với tổng phát thải 79.103 ngàn tấn CO2 tương đương trong kịch bản phát triển bình thường 2025 (nằm trong mức 10%-20% của mục tiêu quốc gia đã được ban hành trong Quyết định số 1393/QĐ-TTg). Để đạt được mục tiêu này, Nhóm nghiên cứu đề xuất 7 nhóm hành động.
Các chương trình hành động
Công nghiệp xanh (giúp giảm 6.055 ngàn tấn CO2 tương đương)
Biện pháp giảm thiểu chính là cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong các hoạt động công nghiệp chính như đồng phát sinh năng lượng và lò nung gạch liên tục kiểu đứng (2.328 ngàn tấn CO2 tương đương), kiểm soát quá trình nung và thu hồi nhiệt thừa (424 ngàn tấn CO2 tương đương), động cơ hiệu suất cao (336 ngàn tấn CO2 tương đương từ các nhóm ngành khác trong công nghiệp và 2,4 ngàn tấn CO2 tương đương từ nhóm ngành “Nông, lâm, ngư nghiệp”). Lượng giảm thiểu này được ước tính dựa vào giả định rằng 40% công nghệ hiện hữu sẽ được thay thế. Giả định này dựa trên hiện trạng hiện hữu của các công nghệ tiên tiến trên thế giới và khả năng được chuyển giao vào TPHCM trong năm 2025. Một biện pháp giảm thiểu quan trọng khác trong lĩnh vực công nghiệp là chuyển đổi sử dụng nhiên liệu từ than và dầu sang khí tự nhiên với tổng lượng giảm thiểu 2.964 ngàn tấn CO2 tương đương. Với biện pháp này, Nhóm nghiên cứu giả định rằng 50% tiêu thụ than sẽ chuyển sang khí tự nhiên và 20% tiêu thụ dầu sẽ chuyển sang khí tự nhiên.
Nhà ở và tòa nhà xanh (giúp giảm 4.983 ngàn tấn CO2 tương đương)
Trong đó, việc sử dụng các thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả và chuyển đổi sử dụng nhiên liệu là hai biện pháp chính với lượng giảm thiểu 2.447 ngàn tấn CO2 tương đương trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ và giảm thiểu 2.536 ngàn tấn CO2 tương đương trong lĩnh vực hộ gia đình. Chúng tôi cũng giả định rằng 40% công nghệ hiện hữu sẽ được thay thế cho các thiết bị như máy điều hòa, bếp nấu, máy nấu nước, đèn chiếu sáng, tủ lạnh, và những thiết bị gia dụng khác và 30%-50% tiêu thụ dầu sẽ được chuyển sang khí tự nhiên và điện do đóng góp của các thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng này.
Hệ thống giao thông thông minh (giúp giảm 1.458 ngàn tấn CO2 tương đương)
Trong vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, việc sử dụng phương tiện sử dụng năng lượng hiệu quả là biện pháp giảm thiểu chính, đóng góp giảm lần lượt là 336 ngàn tấn CO2 tương đương và 957 ngàn tấn CO2 tương đương, với giả định rằng 40% công nghệ hiện hữu sẽ được thay thế (tương tự như trong lĩnh vực công nghiệp), đóng góp của phương tiện chạy bằng điện trong vận tải hành khách là 10% và đóng góp của xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG) là 30% trong vận tải hàng hóa. Chúng tôi cũng xét đến đóng góp từ việc quản lý hoạt động chuyên chở hiệu quả và cải thiện hệ thống đường xá dẫn tới việc cải thiện hiệu quả nhiên liệu.
Ngoài ra, trong vận tải hành khách, chuyển đổi sử dụng phương tiện từ xe máy sang phương tiện công cộng giúp giảm 165 ngàn tấn CO2 tương đương. Lượng giảm thiểu này được ước tính dựa trên giả định rằng đóng góp của xe buýt và MRT trong kịch bản phát triển có biện pháp giảm thiểu 2025 lần lượt là 25% (5% trong năm 2013 và 21% trong kịch bản phát triển bình thường 2025) và 5% (không đóng góp trong năm 2013 và 3% trong kịch bản phát triển bình thường 2025), dựa trên mục tiêu đề ra trong kế hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đô thị của TPHCM (đóng góp trung bình của phương tiện công cộng khoảng 30%). Đóng góp của xe máy giảm từ 76% trong năm 2013 xuống còn 53% trong kịch bản phát triển bình thường 2025 và còn 47% trong kịch bản phát triển có biện pháp giảm thiểu 2025.
Sự phổ biến của ý thức tiết kiệm năng lượng (giúp giảm 951 ngàn tấn CO2 tương đương)
Việc cải thiện cường độ dịch vụ năng lượng thông qua việc sử dụng thiết bị phù hợp và hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả đóng góp giảm 461 ngàn tấn CO2 tương đương trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ và giảm thiểu 490 ngàn tấn CO2 tương đương, với giả định rằng trong kịch bản phát triển có biện pháp giảm thiểu 2025, cường độ dịch vụ năng lượng sẽ được cải thiện 5% so với kịch bản phát triển bình thường 2025.
Quản lý chất thải rắn xanh (giúp giảm 447 ngàn tấn CO2 tương đương)
Biện pháp giảm thiểu chủ chốt trong lĩnh vực chất thải là “Tạo năng lượng từ chất thải”, nghĩa là phát thải khí nhà kính từ hoạt động quản lý và xử lý chất thải rắn sẽ được chuyển hóa thành năng lượng. Cụ thể, với giả định rằng 30% lượng Mêtan phát thải từ chôn lấp chất thải rắn sẽ được chuyển hóa thành khí sinh học, lượng giảm thiểu sẽ là 245 ngàn tấn CO2 tương đương. Ngoài ra, nếu giả định rằng 30% lượng Mêtan phát thải từ ủ phân compost chất thải rắn sẽ được chuyển hóa thành khí sinh học, lượng giảm thiểu sẽ là 57 ngàn tấn CO2 tương đương. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng giả định rằng 30% lượng CO2 phát thải từ đốt chất thải rắn bằng lò đốt sẽ được chuyển hóa thành điện sẽ có lượng giảm thiểu là 144 ngàn tấn CO2 tương đương.
Nông nghiệp xanh (giúp giảm 107 ngàn tấn CO2 tương đương)
Trong các hoạt động nông nghiệp không sử dụng năng lượng, một biện pháp giảm thiểu là sự thu hồi và sử dụng khí Mêtan từ chất thải chăn nuôi với lượng giảm thiểu 76 ngàn tấn CO2 tương đương. Chúng tôi giả định rằng 80% lượng khí Mêtan phát thải từ hoạt động quản lý chất thải chăn nuôi sẽ được chuyển thành khí sinh học thông qua bể kị khí và thu hồi khí Mêtan. Biện pháp giảm thiểu khác là việc giảm lượng Nitơ trong đất nông nghiệp thông qua việc cải thiện hiệu quả sử dụng phân bón, sử dụng phân bón hữu cơ. Với giả định rằng 30% tổng lượng Nitơ trong đất nông nghiệp sẽ được giảm thiểu, lượng giảm thiểu sẽ là 31 ngàn tấn CO2 tương đương.
Gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo (cụ thể là năng lượng mặt trời, giúp giảm 14 ngàn tấn CO2 tương đương)
Phát điện từ năng lượng mặt trời với công suất phát điện là 7,5MW giúp giảm 7 ngàn tấn CO2 tương đương trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ và giảm 7 ngàn tấn CO2 tương đương trong lĩnh vực hộ gia đình.
Yuzuru Matsuoka, Junichi Fujino, Trần Thanh Tú, Yuki Ochi
Viện Nghiên cứu Môi trường quốc gia, Nhật Bản