Theo dự báo của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương), ước tính doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 sẽ đạt trên 4 tỷ USD.
Thị trường béo bở này đang được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam nhân rộng, phát triển rầm rộ. Trong đó, có hình thức kinh doanh sản phẩm tiêu dùng trực tuyến. Mặc dù chế tài xử phạt đã quy định chặt và mạnh tay, nhưng việc quản lý, giám sát kinh doanh hàng trực tuyến còn khá lỏng lẻo.
Đặt hàng xịn, nhận hàng bèo
Một số bạn đọc gọi điện tới đường dây nóng Báo SGGP phản ánh về việc mua trúng đồ dỏm, đồ kém chất lượng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến. Thậm chí không mua được hàng cũng phải mất phí, tiền hoa hồng. Bạn đọc Mai Thị Lụa (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) kể lại: “Cách nay 2 tuần, tôi đặt mua 2 chiếc đầm kiểu dáng Hàn Quốc (giá 700.000 đồng) từ website quảng cáo trên Facebook. Người bán tên Ngọc Khánh, ngụ tại TPHCM. Thỏa thuận xong kiểu dáng, màu sắc, tôi quyết định chuyển trước cho Khánh 500.000 đồng vào tài khoản. Hai bên đồng ý khi nào bên mua nhận được hàng, bên bán sẽ nhận nốt số tiền còn lại. Nhưng khi nhận hàng, tôi phát hiện chiếc đầm quá xấu, vải dỏm, nhàu nát chứ không đẹp lung linh như rao bán trên mạng. Gọi điện cho Khánh, cô ta nói hết hàng, nếu đổi lại sẽ tính phí 100.000 đồng/chiếc đầm. Tiếc tiền, lo ngại bị lường gạt nên tôi bỏ luôn”.
Anh Lê Hiếu (ở đường Vĩnh Viễn, quận 10) bức xúc thuật lại câu chuyện của mình. Nhân dịp sinh nhật vợ, anh đặt mua một voucher Hotdeal gà ta hấp lá trúc giao hàng tận nơi giá 170.000 đồng. Công ty Minh Thịnh Phát (974A Trường Sa, phường 12, quận 3, TPHCM) là đối tác của Hotdeal, có nhiệm vụ cung cấp sản phẩm gà ta cho khách hàng. Voucher áp dụng tất cả các ngày trong tuần.
Tuy vậy, ngày 19-7, anh Hiếu gọi vào số 0866766021 của Công ty Minh Thịnh Phát thì không ai nghe máy. Gọi vào số điện thoại Hotdeal thì nhận được trả lời điện thoại Công ty Minh Thịnh Phát quá tải. “Thử liên lạc vào 2 số 0866763680 và số 0946417780 do Hotdeal cung cấp, tôi mới được đại diện Công ty Minh Thịnh Phát cho biết nhà hàng bận việc nên mở bán ngày 22-7. Không lẽ, muốn tổ chức sinh nhật cho vợ tôi phải chờ, trong khi sinh nhật vợ tôi là ngày 19-7. Đây là cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của Hotdeal và đối tác”, anh Hiếu nói.
Chị Nguyễn Tá Ngô (Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TPHCM) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi đặt mua giày dép trên Facebook. Người bán là chủ một trang website chuyên doanh giày dép nam nữ xuất khẩu, có địa chỉ tại quận Tân Phú, TPHCM. Chị Ngô quyết định đặt mua đôi giày boot nữ, giá 300.000 đồng/đôi. Người bán khá nhiệt tình, điều ngay một nhân viên giao hàng tận nơi theo địa chỉ chị Ngô yêu cầu và khẳng định khách chỉ mất phí nếu mua hàng.
Tuy vậy, lúc xem hàng, chị Ngô chưng hửng khi giày boot biến thành giày gót nhọn; đặt size giày 27 vừa chân chị Ngô nhưng lại giao size 28, size 29. Gọi cho người bán, ông chủ hãng giày trả lời tỉnh rụi: “Chị thông cảm, bên tôi hết hàng. Nếu không mua giày, chị vẫn phải trả phí vận chuyển”. Bực mình, chị Ngô đành bấm bụng móc 50.000 đồng trả cho người giao hàng, tự an ủi rằng đó là “học phí” mua hàng trực tuyến.
Mức xử phạt tới hàng trăm triệu đồng
Về lý thuyết, kênh bán lẻ trực tuyến muốn hoạt động phải thông báo, xin phép từ Bộ Công thương, chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng. Nhưng thực tế việc kinh doanh diễn ra khá thoải mái, tự do. Nhiều ý kiến nghi ngờ việc giám sát chỉ là danh nghĩa và mang nặng tính hình thức. Hiện tại, nhiều website bán hàng trực tuyến quảng cáo không trung thực thu hút người dùng, bán hàng chất lượng kém vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, đẩy người tiêu dùng gánh chịu thiệt thòi. Bằng chứng rõ nhất chính là hàng loạt website bán hàng trực tuyến như Hotdeal.vn, sieuthimuachung.com… bán tràn lan các sản phẩm mắt kính, giày dép, đồng hồ, túi xách thời trang có dấu hiệu giả mạo. Ví dụ như, túi xách Louis Vuitton nguyên giá 1,8 triệu đồng, giảm còn 840.000 đồng/chiếc. Mắt kính thời trang Dior giảm 51,85% còn 650.000 đồng.
Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương thừa nhận đây là “căn bệnh” khó chữa của thời đại số hóa. Trước mắt, người tiêu dùng hãy cố gắng thanh lọc sản phẩm, tẩy chay hàng kém chất lượng. Còn về phía cơ quan chức năng cũng sẽ nỗ lực hết mình để làm lành mạnh thị trường. Như vậy, xem ra khách hàng còn phải chịu đựng điệp khúc trở thành “người tiêu dùng thông thái” cho đến khi cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc kiểm tra, xử phạt các website kinh doanh trực tuyến hàng kém chất lượng, có dấu hiệu giả mạo trên thị trường.
|
THI HỒNG