TPHCM chuẩn bị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 1-1133 về việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật khiếu nại, tố cáo (KN-TC) ở xã, phường. Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn ông Nguyễn Long Tuyền, Thành ủy viên, Chánh Thanh tra TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1-1133 của TPHCM, về kết quả thực hiện đề án này.
Thanh tra Chính phủ làm việc với Ban Chỉ đạo Đề án 1-1133 TPHCM về tình hình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khiếu nại - tố cáo. Ảnh: VÂN KHANH
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, nội dung và phương thức triển khai thực hiện Đề án 1-1133 trong 3 năm qua cho thấy đây là một chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật KN-TC về cơ sở rất sâu rộng?
Ông NGUYỄN LONG TUYỀN: Đúng vậy! Không chỉ ngành thanh tra, mà UBND TPHCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP, các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin truyền thông cùng UBND 24 quận, huyện đã cùng phối hợp thực hiện Đề án 1-1133. Đối tượng chính của đề án là người dân và cán bộ cơ sở từ tổ trưởng tổ dân phố, ban điều hành khu phố, cán bộ xã - phường (những người trực tiếp giải quyết KN và tham gia công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật). Nội dung đề án tập trung vào việc giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ KN-TC; nhận thức rõ trách nhiệm thi hành quyết định giải quyết KN và quyết định xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực, trình độ nghiệp vụ của cán bộ, công chức ở xã - phường trong việc giải quyết KN-TC; tăng cường mối quan hệ và sự phối hợp giữa chính quyền với các tổ chức đoàn thể trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật về KN-TC. Đã có những hình thức tổ chức thực hiện đa dạng, lôi cuốn và hấp dẫn, qua đó nhận thức và hành vi của người dân và cán bộ cơ sở về Luật Tiếp công dân, Luật KN, Luật TC đã có chuyển biến tích cực.
Trong việc thực hiện Đề án 1-1133, Ban Chỉ đạo đánh giá thế nào về vai trò của báo chí?
Các cơ quan báo đài đã đảm nhận nhiệm vụ quan trọng, đắc lực trong việc đưa kiến thức pháp luật KN-TC về cơ sở. Mỗi buổi tuyên truyền, tập huấn chỉ có thể tập trung thu hút vài trăm người tham gia, trong khi mỗi số báo, chương trình phát thanh, truyền hình có đến hàng trăm ngàn người đọc, theo dõi. Các đơn vị truyền thông chủ lực như Báo Sài Gòn Giải Phóng, Đài Truyền hình TP, Đài Tiếng nói Nhân dân TP... đều tham gia đề án, với những việc làm cụ thể, thiết thực. Báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện trang chuyên đề Pháp luật KN-TC định kỳ mỗi tháng 2 lần, thông tin hoạt động triển khai thực hiện Đề án 1-1133 và phổ biến pháp luật KN-TC, tư vấn pháp lý cho cán bộ và nhân dân về thực thi pháp luật KN-TC, và xây dựng diễn đàn nói lên tiếng nói, ý chí, tâm tư nguyện vọng của người dân, tháo gỡ những vướng mắc trong việc KN-TC. Đài Tiếng nói Nhân dân TP xây dựng chuyên đề tuyên truyền phổ biến pháp luật KN-TC, trong đó tiêu biểu là chuyên mục “Đối thoại trực tuyến với công dân”, với thời lượng 30 phút mỗi chương trình. Đài Truyền hình TP xây dựng các chương trình sinh động, trực quan, có sức lôi cuốn về việc thực thi pháp luật KN-TC, như: “Góc luật sư”, “Công dân và pháp luật”, “10 phút tiếp dân”, “Chuyện không của riêng ai”…
3 năm chưa phải là dài đối với một chương trình lớn - đưa pháp luật về cơ sở, TPHCM đã gặt hái những kết quả gì từ việc thực hiện Đề án 1-1133?
TPHCM đang tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án 1-1133, do đó tại thời điểm này chưa thể đánh giá toàn diện những kết quả đạt được từ đề án. Song, khi xuống thực tế các phường - xã sẽ thấy ngay việc thực hiện Đề án 1-1133 đang đi đúng hướng và thấm đến người dân. Thể hiện rất rõ qua việc giúp người dân hiểu và thực thi đúng quyền, nghĩa vụ khi KN-TC. Cán bộ cơ sở đã nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm và cả năng lực trình độ, nghiệp vụ khi thực hiện tiếp dân, giải quyết KN-TC. Thực tế cho thấy nơi nào người đứng đầu quan tâm, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết chu đáo KN-TC của công dân, thì nơi đó người dân có điều kiện tiếp cận, nắm bắt và thực thi tốt các quy định pháp luật. Tuy vẫn tồn tại một số vụ KN đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn TPHCM, nhưng nhìn chung, với cách thức giải quyết triệt để, có trách nhiệm từ cơ sở nên các điểm nóng KN không tăng, không phát sinh điểm nóng mới. Tuy vậy, đây chỉ là kết quả bước đầu, thực tế vẫn còn nhiều việc phải thực hiện và khắc phục trong thời gian tới.
Thưa ông, sau khi tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 1-1133, chương trình đưa pháp luật KN-TC về cơ sở sẽ tiếp tục cách nào?
Để có chương trình hành động tốt trong thời gian tiếp theo, trước hết phải thấy được các mặt ưu, khuyết trong việc thực hiện thời gian qua. Là người đứng đầu cơ quan Thanh tra và trưởng Ban Chỉ đạo, tôi đã đề nghị các đơn vị có báo cáo đánh giá toàn diện, khách quan tình hình và kết quả thực hiện trong 3 năm qua. Báo cáo phải phân tích những ưu, khuyết điểm, khó khăn vướng mắc, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ, đề xuất các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật KN-TC của đơn vị mình. Báo cáo phải thể hiện những chuyển biến tình hình thực hiện pháp luật KN-TC của người dân, đội ngũ công chức, cơ quan, tổ chức trước và sau khi thực hiện Đề án 1-1133. Những mô hình, sáng kiến hiệu quả, cách làm hay trong việc giúp người dân hiểu và thực hiện đúng pháp luật KN-TC sẽ được biểu dương, nhân rộng.
Xin cảm ơn ông!
TRẦN YÊN (thực hiện)