Buổi tối, mưa như trút nước. Từ chỗ làm, tôi phóng xe về nhà, hy vọng kịp trước khi đường bị ngập nước. Tôi tránh con đường vẫn thường ngập khi trời mưa lớn, chọn con đường vòng hơi xa một chút. Nào ngờ con đường này cũng chìm trong biển nước. Chiếc xe máy cũ kỹ mọi lần vẫn kiên cường “vượt lũ” vậy mà hôm nay mới dầm nước được một đoạn đã chết máy. Nước dưới chân chảy xiết, đôi dép tuột khỏi chân khiến tôi phải đi chân không, bước từng bước liêu xiêu cố gượng để đừng ngã xuống nước.
Đến một ngã tư tôi bước chậm để tránh một chiếc mô tô phân khối lớn đang ào tới từ phía sau và quẹo cúp ngang trước đầu xe tôi. Tôi còn đang cố gượng thì người thanh niên chạy chiếc xe đó đã dạng chân đạp tôi một cái khiến tôi suýt ngã, rồi còn quay lại nhìn tôi với bộ mặt tức tối như là đã bị tôi làm chậm tốc độ. Tôi tức đến nghẹn, giận quá! Sao người thanh niên ấy không nghĩ đến tình cảnh khó khăn, khốn khổ của người phụ nữ 60 tuổi phải dắt xe lội bộ giữa dòng nước ngập chảy xiết, mà lại hành xử hỗn láo, vô văn hóa như vậy. Dẫu biết đó chỉ là chuyện vặt ngoài đường nhưng lòng tôi vẫn cứ đau. Một bà già như tôi không hề làm gì gây hại, cớ gì người thanh niên ấy phải đạp tôi đến xiểng liểng.
Chợt nhớ câu chuyện chị bạn của tôi từng kể và thấy đồng cảm với nỗi bực bội, uất ức mà chị ấy đã từng trải qua trên đường. Có lần, chị bạn tôi chứng kiến một cảnh đau lòng không khác gì tôi. Một bà bán ve chai với gánh đồ cồng kềnh băng ngang qua đường, không hiểu xui xẻo thế nào đã quẹt trúng chân một cô gái ngồi sau chiếc mô tô của một anh thanh niên. Lập tức anh thanh niên dừng xe bên đường, hùng hổ lao tới trước ánh mắt sợ hãi của bà ve chai, xô bà ngã lăn kềnh giữa đường. Nếu không có sự can ngăn của chị bạn tôi, chắc anh ta đã vung nắm đấm vào bà già. Với sức lực từ cánh tay cơ bắp cuồn cuộn ấy, bà ve chai chỉ có nước đi cấp cứu. Chị bạn tôi đã nói vài lời phải quấy để can ngăn anh ta, không ngờ anh ta quát thẳng vào mặt chị bạn tôi: “Không liên quan gì đến bà, đừng có mà lên giọng dạy đời!”. Chị bạn tôi hẳn cũng tức đến nghẹn như tôi.
Mỗi ngày ra đường đều có thể gặp phải những chuyện tức đến nghẹn như vậy. Vì sao người ta ích kỷ đến độ không phân biệt phải trái, dễ dàng xả nỗi bực tức lên người khác mà không nghĩ chỉ là rủi ro va quẹt và không hề nghĩ đến cảm giác của người phải hứng chịu. Bào chữa thế nào cho hành vi của những người thiếu nhân cách như vậy? Càng nghĩ tôi càng thấy đau. Đau cho những con người lạc lõng trong xã hội người Việt vốn đầy lòng yêu thương, đầy lòng trắc ẩn.
Cũng may, buổi tối mưa dầm đó tôi trở về nhà không phải với nỗi buồn, nỗi bực dọc, mà ngược lại, với một niềm vui, một chút ấm áp trong lòng, vì ngay sau đó tôi lại gặp một cô gái đạp xe ba gác bán trái cây đang đạp ngược chiều với tôi. Thấy tôi đạp hoài mà xe không nổ máy, bàn chân không giày dép đang rướm máu, cô gái ngừng xe, chạy vội đến bên tôi vồn vã nói: “Dì để con đạp máy xe cho!”. Cô ấy đạp mấy cái, đến mướt mồ hôi, nhưng máy xe vẫn không nổ. Cô nhìn tôi cười như có lỗi. Cố thêm cái nữa, dường như cảm động vì tấm lòng cô gái, máy xe vang lên một tiếng lớn rồi xịt khói và nổ máy luôn. Tôi và cô gái nhìn nhau cười mà nước mắt chực trào ra.
Chỉ là chuyện vặt ngoài đường. Vậy mà tôi không sao quên được. Mong sao trên đường phố ngày càng có thêm nhiều chuyện vui, bớt đi chuyện buồn.
Ý YÊN